Bảo hiểm du lịch: “Vé an toàn” ít người mua

(PLO) - Tai nạn, mất tài sản, gặp vấn đề xe cộ, sự cố hoãn hay hủy chuyến bay, rút ngắn thời gian du lịch, thất lạc hành lý,… là những vấn đề rủi ro du khách có thể gặp phải khi đi du lịch. Nhưng đa phần du khách Việt Nam không có thói quen bỏ tiền mua bảo hiểm du lịch để hỗ trợ giải quyết vấn đề này, kể cả khi đến những địa điểm không an toàn. 
Du lịch mạo hiểm với những trò chơi cảm giác mạnh rất cần mua bảo hiểm khi đi tour
Du lịch mạo hiểm với những trò chơi cảm giác mạnh rất cần mua bảo hiểm khi đi tour

Khách lơ mơ, công ty lữ hành “bớt xén”

Đi du lịch nội địa hay quốc tế, bên cạnh việc tận hưởng cảm giác thoải mái, thư giãn, yếu tố an toàn trong chuyến đi luôn là điều mà du khách quan tâm. Mua bảo hiểm du lịch được xem là quyền lợi của du khách và đã quy định trong Luật Du lịch Việt Nam. Nhưng thực tế, nhiều người vẫn đang không quan tâm tới chính quyền lợi bảo vệ bản thân mình, cho dù mức bảo hiểm du lịch thấp nhất cho khách du lịch nội địa chỉ là 1.500 đồng/người/ngày.

Đại diện của Tổng Cty CP Bảo hiểm Bảo Long cho hay, bảo hiểm du lịch chưa được nhiều người Việt biết tới và quan tâm như các loại bảo hiểm khác. Số lượng khách du lịch nội địa mua bảo hiểm không nhiều, đa phần là những người già đi theo tour. Còn đối với những tour quốc tế, xin visa cần phải có bảo hiểm du lịch, nên trường hợp mua lẻ cũng rất ít. “Có lẽ, không mấy ai chú ý tới “tấm vé an toàn” này”, vị đại diện trên chia sẻ. 

Khi được hỏi về bảo hiểm du lịch, chị Thu Giang (Cầu Giấy, Hà Nội) đã rất ngạc  nhiên khi biết có loại hình bảo hiểm như vậy. “ Tôi thỉnh thoảng có đi du lịch, theo tour thì đi cùng tập thể nên không phải lo thủ tục, đi với gia đình thì cứ đi bình thường thôi. Tôi không nghĩ có cả bảo hiểm du lịch. Vì đi du lịch mấy ai nghĩ đến rủi ro mà mua, phần lớn chỉ quan tâm nơi ăn nghỉ, vé tàu và máy bay”, chị Giang nói.

Còn chị Nguyễn Hương (Hà Nội), một người hay đi phượt nhưng cũng rất ít khi mua bảo hiểm du lịch cho bản thân. Chị Hương chia sẻ:  “Tôi biết có bảo hiểm du lịch, nhưng cũng chỉ mới mua 2, 3 lần. Vì tôi đi phượt rất nhiều mà cũng chưa thấy bị làm sao”.

Ngoài ra, Luật Du lịch năm 2005 cũng quy định rõ trách nhiệm của các công ty lữ hành quốc tế phải mua bảo hiểm cho khách hàng trong thời gian thực hiện chuyến đi.  Đối với tour du lịch nội địa, điều này không bắt buộc trừ khi khách có yêu cầu, nhưng nhiều công ty đã không có hướng dẫn và quan tâm tới khách hàng khi thấy họ lơ mơ về vấn đề này.

Ví dụ, tháng 2/2016, ba du khách Anh đã bị tai nạn ở thác Datanla (Lâm Đồng), Công ty Đam mê Đà Lạt - đơn vị du lịch liên quan trực tiếp đến 3 du khách đã chỉ bán vé tour, không hướng dẫn việc mua bảo hiểm du lịch cho họ, nhất là khi tour đó có yếu tố mạo hiểm.

Theo ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Tranviet Travel, công ty du lịch bắt buộc phải mua bảo hiểm cho du khách, trừ các tour nội địa mà khách không có nhu cầu. Tuy nhiên, hiện nay các công ty du lịch cũng thường chỉ mua ở những mức tối thiểu mà thôi, ngay cả tour nội địa hoặc quốc tế, nên du khách khi gặp nhiều vấn đề rủi ro sẽ không được hỗ trợ hoàn toàn và có nhiều thứ bị loại trừ, bồi thường không cao. Khách hàng khi mua tuor nên quan tâm tới vấn đề này chứ không nên chỉ nghĩ tới sản phẩm tour hoặc giá tour. 

Đừng tiếc tiền!

Theo nghiên cứu của các Cty bảo hiểm, hiện nay có khoảng 30% người Việt Nam mua bảo hiểm du lịch. Trong khi 70% du khách còn lại không mua bảo hiểm du lịch do không nhận biết được ngoài quyền lợi được hưởng khi họ gặp rủi ro, còn có quyền lợi bảo hiểm hủy chuyến bay/hành trình, hành lý và chăm sóc y tế sức khỏe tại một nơi xa lạ,…  Cụ thể là chi phí điều trị y tế; vận chuyển y tế cấp cứu; tai nạn cá nhân; những sự cố hoãn, hủy chuyến bay, rút ngắn thời gian du lịch, thất lạc hành lý, bị dời chuyến đột xuất hay các sự cố khác về chuyến bay...

Tuy nhiên, bảo hiểm du lịch sẽ không bồi thường trong một số trường hợp  như: gặp rủi ro do chiến tranh, nội chiến; phụ nữ mang thai; không áp dụng cho trường hợp tự tử; mất tích bí ẩn; bị nhiễm HIV, chất phóng xạ; hành vi trái pháp luật; đi chữa bệnh; tham gia các trò chơi mạo hiểm; những sở thích “trên không”.

Theo khảo sát, hiện có rất nhiều Cty sản phẩm bảo hiểm du lịch như: Bảo Việt, Bảo Minh, ACE Life, AIG (Chartis), Liberty, Blue Cross… Mức phí bảo hiểm cực kỳ thấp, du lịch nội địa thấp nhất 1.500 đồng/người/ngày (được đền bù tối đa khi có tai nạn xảy ra 10.000.000 đồng). Du khách cũng có thể mua bảo hiểm với các mức cao hơn: 3.000 đồng/người/ngày; 4.500 đồng/người/ngày… Mức phí bảo hiểm khi đi du lịch nước ngoài sẽ có sự khác nhau tùy thuộc vào điểm đến và thời gian đi. Mỗi rủi ro xảy ra có các mức phí khác nhau cho khách du lịch lựa chọn mua. 

Ông Lưu Đức Kế - Giám đốc Hà Nội Tourist khuyến cao, khi mua bảo hiểm khách hàng nên tìm đến các đơn vị bán bảo hiểm uy tín bằng cách tìm hiểu nhiều hãng để có thêm thông tin, xác định rủi ro nào ưu tiên, thời hạn bảo hiểm, mức phí bảo hiểm, mức bồi thường, các trường hợp được bảo hiểm, thủ tục bảo hiểm… Qua đó, sẽ có những đánh giá và quyết định phù hợp với nhu cầu cũng như túi tiền của mình. Ngoài ra, các công ty du lịch, đại lý vé máy bay cũng hỗ trợ khách hàng mua bảo hiểm du lịch các thông tin cần thiết về dịch vụ này. 

“Du khách không nên tiếc tiền bảo hiểm du lịch vì chi phí mua không lớn, nếu xảy ra vấn đề sẽ tốn rất nhiều chi phí nhất là đi du lịch nước ngoài. Do đó, người dân không nên coi nhẹ việc mua bảo hiểm du lịch để luôn được bảo vệ bản thân tốt nhất”, ông Kế nói. 

Còn ông Carlos Vanegas - Nguyên Tổng Giám đốc Bảo hiểm Liberty đã từng khẳng định tầm quan trọng của vấn đề này: “Bảo hiểm du lịch luôn được xem là giấy thông hành quan trọng thứ hai sau hộ chiếu đối với những khách hàng phải di chuyển thường xuyên ra nước ngoài”.

Đọc thêm