Bảo hiểm xã hội tỉnh Cà Mau tạo bước đột phá đảm bảo an sinh xã hội

(PLVN) - Với chủ đề “Cả nước chung tay thực hiện BHXH, BHYT toàn dân”, gắn với các nội dung truyền thông về vị trí, vai trò, ý nghĩa nhân văn của chính sách BHXH, BHYT; về lợi ích khi tham gia BHXH tự nguyện, người lao động sẽ được hưởng lương hưu hằng tháng và nhiều quyền lợi khác.

Công tác truyền thông cả chiều rộng, lẫn chiều sâu

Với sự nỗ lực, quyết tâm của toàn thể công chức, viên chức, lao động, bám sát sự chỉ đạo, hướng dẫn của BHXH Việt Nam, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Cà Mau, BHXH tỉnh Cà Mau đã thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu kế hoạch được giao.

Năm 2020 cũng là năm đầu tiên trên toàn tỉnh có 100% học sinh, sinh viên tham gia BHYT, BHYT hộ gia đình, BHXH tự nguyện đạt và vượt chỉ tiêu giao nhiều nhất từ trước đến nay, việc chi trả lương hưu trợ cấp BHXH tự nguyện đầy đủ, kịp thời; tiếp tục hoàn thiện dữ liệu quản lý của ngành, mở rộng giao dịch điện tử toàn diện trên các lĩnh vực; công tác truyền thông có bước đột phá cả chiều rộng, lẫn chiều sâu.

Nhân viên BHXH và đoàn viên thanh niên tham gia tuyên truyền về BHXH tự nguyện trên các tuyến đường huyện Thới Bình, Cà Mau.
Nhân viên BHXH và đoàn viên thanh niên tham gia tuyên truyền về BHXH tự nguyện trên các tuyến đường huyện Thới Bình, Cà Mau. 

Giám đốc BHXH tỉnh Cà Mau Trịnh Trung Kiên, cho biết: Ngay từ đầu năm BHXH tỉnh giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT và chỉ đạo các phòng, BHXH các huyện tích cực phối hợp với các đại lý, các đoàn thể và cấp ủy, UBND xã, phường triển khai thực hiện. Đồng thời, phối hợp với huyện, thành phố giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT vào chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đến các xã, phường, thị trấn, các đoàn thể và ấp, khóm.

Năm 2020, tình hình kinh tế - xã hội hết sức khó khăn, ngoài ảnh hưởng của việc giãn cách xã hội do dịch bệnh COVID-19 thì hạn hán, thiên tai, sạt lở bờ sông, bờ biển, tiếp theo là nước biển dâng gây ngập lụt kéo dài… gây nhiều khó khăn trong tuyên truyền và vận động người dân tham gia BHXH, BHYT.

Tuy nhiên, ngay từ đầu năm BHXH tỉnh Cà Mau đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp phát triển đối tượng tham gia, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, đồng thời bảo đảm các nguyên tắc về phòng, chống dịch bệnh COVID-19. 

Từ sự chủ động, nỗ lực vượt khó trên, tổng số người tham gia BHXH, BHTN, BHYT là 1.075.584/1.073.155 người, đạt 100,23% kế hoạch, tăng 40.573 người so với năm 2019. Trong đó, BHXH tự nguyện 21.926/20.567 người, đạt 106,61% kế hoạch giao, tăng 13.106 người, tăng 148% so với năm 2019; đạt 3,28% so với lực lượng lao động.

Đổi mới, phát huy hiệu quả BHXH tự nguyện

Giám đốc BHXH tỉnh Cà Mau Trịnh Trung Kiên, cho biết: BHXH tỉnh phấn đấu đến cuối năm 2021, số người tham gia BHXH bắt buộc, phải đạt 95,5% trở lên so với số người thuộc diện tham; BHXH tự nguyện đạt khoảng 4% so với lực lượng lao động, tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 92,5% dân số trở lên.

Giám đốc BHXH tỉnh Cà Mau Trịnh Trung Kiên.
Giám đốc BHXH tỉnh Cà Mau Trịnh Trung Kiên. 

Thu quỹ BHXH, BHYT, BHTN đạt 100% trở lên so với kế hoạch được giao; giảm nợ BHXH, BHYT, BHTN dưới mức 3% so với số phải thu. Đảm bảo chi trả lương hưu, các chế độ BHXH, BHYT, BHTN chính xác, kịp thời; kiểm soát chi trong phạm vi dự toán được giao. Quản lý chặt chẽ, an toàn quỹ; phấn đấu chi trả không dùng tiền mặt từ 50% trở lên. 

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật về BHXH tự nguyện cho người lao động, chủ sử dụng lao động nhằm nâng cao ý thức chấp hành, nhận thức đầy đủ về quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ tham gia BHXH tự nguyện cho người lao động. Đổi mới hình thức tuyên truyền vận động người dân tham gia, thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu, bảo đảm quyền lợi người tham gia bảo hiểm. 

Theo Nghị định 134/2015 quy định từ năm 2016, có nhiều mức đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn. 

Mức đóng thấp bằng 22% mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn. Ví dụ, mức đóng thấp nhất hiện nay là 700.000 đồng x 22% = 154.000 đồng/tháng và mức cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở.

Hình thức đóng có định kỳ ba tháng, sáu tháng hoặc 12 tháng và đóng một lần không quá năm năm.

Đối với người đã có thời gian tham gia trên 10 năm mà đủ tuổi nghỉ hưu, có nguyện vọng thì đóng một lần để hưởng chế độ hưu trí.

Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền miệng, trực tiếp đối thoại về BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình với người dân trên địa bàn ấp, khóm với phương châm: “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” vận động nhân dân tham gia đóng, tái tục BHXH, BHYT và cấp, đổi thẻ BHYT, sổ BHXH kịp thời.

Tiếp tục mở rộng hệ thống mạng lưới đại lý thu đối với tất cả các đoàn thể, phấn đấu mỗi ấp, khóm đều có điểm thu, nhân viên đại lý thu. Hướng dẫn, tập huấn chính sách BHXH tự nguyện, BHYT đối với nhân viên Đại lý thu để phối hợp tuyên truyền, tư vấn đến người dân; hướng tới các đại lý thu, nhân viên đại lý thu tự hoạt động tuyên truyền phát triển đối tượng tham gia.

Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân triển khai giao dịch điện tử các lĩnh vực thu, cấp sổ thẻ, giải quyết hưởng chế độ BHXH, thanh, quyết toán và thanh toán trực tiếp chi phí khám chữa bệnh BHYT;

Triển khai, vận động người tham gia BHXH, BHYT cài đặt và sử dụng ứng dụng “VssID – BHXH số”, mục tiêu trong năm 2021 triển khai đến toàn bộ người tham gia BHXH bắt buộc sử dụng VssID,…

Tăng cường tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực lãnh đạo điều hành, chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ công chức, viên chức, nhất là những người trực tiếp tiếp xúc, giải quyết công việc với tổ chức, doanh nghiệp, người lao động và nhân dân.

Đổi mới công tác tuyên truyền về cả nội dung và hình thức theo hướng chuyên nghiệp, đúng trọng tâm, trọng điểm; phù hợp với từng nhóm đối tượng. Trong đó, sẽ tập trung vào nhóm đối tượng là người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT theo hộ gia đình và người lao động làm việc trong các doanh nghiệp.

Tăng cường các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý chi trả các chế độ BHXH, BHTN, BHYT và quản lý người hưởng, đảm bảo giải quyết chi trả đầy đủ, kịp thời quyền lợi và tăng mức độ hài lòng của người tham gia bảo hiểm.

Đặc biệt, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, đẩy mạnh thực hiện công tác thông tin đối ngoại nhằm khẳng định, vai trò, vị thế và hình ảnh Ngành BHXH, hướng tới sự chuyên nghiệp, năng động, sáng tạo vì mục tiêu sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp. 

Nhân viên tư vấn các quyền lợi khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện ở chợ Thới Bình (huyện Thới Bình, Cà Mau).
 Nhân viên tư vấn các quyền lợi khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện ở chợ Thới Bình (huyện Thới Bình, Cà Mau).

BHXH tỉnh nhận thức rõ, BHXH là điểm tựa an sinh của người dân. Nhưng việc phát triển bền vững chính sách BHXH tự nguyện toàn dân, ngoài nỗ lực của ngành BHXH, rất cần sự phối hợp, chung tay của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân trong thực hiện những chính sách trong thời gian tới.

Điểm tựa an sinh của người dân

Cô Nguyễn Thị Hoa (trị trấn Thới Bình, huyện Thới Bình, Cà Mau) chia sẻ, dù đã biếtđến chính sách BHXH tự nguyện cũng đã khá lâu, nhưng vì nhiều lý do cô Hoa không tìm hiểu kỹ nên không hiểu hết được những ưu đãi khi tham gia BHXH.

Chỉ đến khi cửa hàng kinh doanh gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, cùng với được trực tiếp biết đến trường hợp hưởng lương hưu nhờ đóng BHXH tự nguyện, cô Hoa mới quyết định tham gia với mức đóng hơn 500 nghìn đồng/tháng. Ở tuổi ngoài 50, cô Hoa hiểu rõ nguồn thu nhập không ổn định càng về già thì mối lo càng lớn, bởi tuổi cao sẽ kéo theo rất nhiều chi phí trong cuộc sống.

Đọc thêm