Bảo kê và 'được' bảo kê

(PLVN) - Cùng một thời điểm, tại Kon Tum và Tuyên Quang, xảy ra hai vụ hành hung nhà báo với nguyên nhân giống nhau, hành vi và mức độ tương tự.
Nhà báo Hoàng Đình Chiểu – Phóng viên VTV, thường trú tại tỉnh Kon Tum bị hành hung.
Nhà báo Hoàng Đình Chiểu – Phóng viên VTV, thường trú tại tỉnh Kon Tum bị hành hung.

Tại Kon Tum, nhà báo thuộc Đài truyền hình Việt Nam thường trú tại đây được báo tin có bọn “đất tặc” lộng hành, khai thác đất đá, ngay trong buổi tối, ông cấp báo chuyện này với Chủ tịch phường sở tại, nơi xảy ra sự việc. Chủ tịch nói là đang say rượu, đề nghị ông gọi cho ông Phó Chủ tịch phường và ông đã thực hiện việc báo tin tố giác này.

Ngay trong đêm đó, 26/1, hai kẻ đi ô tô đến nhà riêng ông gây sự, chửi bới buộc ông phải báo Công an đến và ngay cả khi công an đã có mặt tại đó, hai người kia vẫn tiếp tục đe dọa. Sáng hôm sau, ông đưa người nhà đi ăn sáng, vừa bước xuống xe lập tức bị bọn chúng quây lại, đánh đấm dã man, người dân phải xúm lại can ngăn và đưa nhà báo đi bệnh viện.

Cũng trong ngày 26/1, tại Tuyên Quang, nhà báo của Thông tấn xã Việt Nam thường trú tại đây, cùng một đồng nghiệp đi tác nghiệp ở một cơ sở khai thác quặng trái phép. Những người khai thác trái phép này bắt các nhà báo phải xóa các hình ảnh mà họ vừa ghi lại, không đạt được điều đó, họ xông vào đuổi đánh các nhà báo bầm dập.

Như vậy, cùng một mục đích ngăn chặn việc khai thác tài nguyên trái phép, các nhà báo thực thi trách nhiệm nghề nghiệp của mình, dù là báo cho cơ quan chức năng địa phương hay đi tác nghiệp tại hiện trường đều bị ngăn chặn quyết liệt bằng cách đánh dằn mặt hung bạo. Đây chẳng phải là sự việc hy hữu, việc nhà báo bị đánh, bị hành hung, bị đe dọa... vẫn thường xảy ra ở các địa phương khác nhau và với cùng một mục đích: "bịt miệng" báo chí! 

Đáng chú ý là những kẻ hành hung hoặc đe dọa, ngăn trở công việc chính đáng của các nhà báo chính là những đối tượng của báo chí – những kẻ làm việc xấu, trái pháp luật trước nguy cơ bị báo chí phanh phui. Sự hành hung đó diễn ra rất ngang nhiên, bấp chấp sự có mặt của các lực lượng bảo vệ trật tự. Phải chăng chúng có một thế lực đứng sau “chống lưng”, một sự đồng lõa của những người có trách nhiệm, quyền hạn tại địa phương?. Vụ việc mới đây khi nhóm bảo kê chợ Long Biên gọi điện đe dọa “giết cả nhà” các phóng viên phanh phui sự việc về các đối tượng này trên truyền thông đã chứng tỏ nhận định này. Chúng bảo kê và có những kẻ bảo kê cho chúng!

Những động thái lừng chừng, không can thiệp kịp thời hoặc dây dưa, kéo dài việc xử lý sau khi vụ việc xảy ra của các nhà chức trách địa phương có thể coi là chứng minh về sự “thông lưng” giữa họ với những đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật. 

Đọc thêm