Mùa xuân đã vượt biển mang theo nhưng cành đào miền Bắc, cội mai phương Nam cùng với bánh chưng, bánh tét đến với các hải đảo trên biển Đông và những cư dân ở đây xứng đáng là những người được đón tết sớm nhất ở nơi "đầu sóng ngọn gió" này.
Ở những địa phương xa xôi nhất, khó khăn nhất là những địa danh đầu tiên mà các nhà lãnh đạo đất nước tới thăm, tặng quà và chúc Tết. Những chiến sĩ trấn giữ biên cương Tổ quốc, bà con dân tộc nơi biên ải..., là những người được cả nước quan tâm và mang Tết đến cho họ như một lời tri ân đối với những người canh giữ lãnh thổ thiêng liêng.
Các chương trình khác nhau của các tổ chức xã hội, cơ quan truyền thông, doanh nghiệp,... hướng tới một mùa xuân chia sẻ, Tết yêu thương với những người nghèo, các em thiếu nhi, các số phận không may mắn, người già và cô đơn đã phát đi thông điệp của tinh thần tương thân, tương ái và mang Tết đến cho mọi nhà, với chủ trương hết sức nhân văn "không một ai bị bỏ lại phía sau" và hơn nữa, mang Tết đến cho những người không có Tết.
Tết Kỷ Hợi năm nay còn mang một ý nghĩa hết sức đặc biệt là đất nước chúng ta kỷ niệm 40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc của Tổ quốc.
Vừa qua, một buổi gặp mặt xúc động tại Hà Nội do Mặt trận TQVN và Bộ LĐTB&XH tổ chức giữa những thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sỹ, ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư TƯ Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQMVN phát biểu tri ân các anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống bảo vệ chủ quyền đất nước và khẳng định: "Đảng, Nhà nước, nhân dân không bao giờ quên công lao của đồng bào, cán bộ, chiến sỹ đã chiến đấu, hy sinh để giành thắng lợi trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc. Sự hy sinh, cống hiến to lớn của các anh hùng, liệt sỹ, thương binh, gia đình liệt sỹ mãi mãi khắc ghi trong trái tim mỗi người Việt Nam".
Tết đến, xuân về là dịp để tri ân và tưởng nhớ những người có công với đất nước, đồng thời, cũng là dịp thiện nguyện và sẻ chia với đồng bào, bà con gặp khó khăn, nghèo túng. Không chỉ là phong trào hoặc tổ chức các chuyến đi theo đoàn mà ngay trong mỗi cộng động dân cư nhỏ bé, người dân cũng tự nguyện âm thầm giúp đỡ các cảnh ngộ khó khăn.
Đó không chỉ là tiếp nối truyền thống đạo lý dân tộc mà còn là nét văn hóa đẹp đẽ trong xã hội đương thời. Những giúp đỡ và sẻ chia trong cộng đồng ấy, dù nhỏ bé cũng góp thêm một cánh én đưa mùa xuân tới mọi nhà.