Tính đến ngày 15/6/2012, Ngôi nhà Bình yên đã đón 297 nạn nhân bị bạo lực gia đình bao gồm 179 phụ nữ và 118 trẻ em, 187 nạn nhân bị buôn bán trở về bao gồm 161 phụ nữ và 26 trẻ em. Không quá hiếm gặp những em gái có cuộc đời đau khổ “kép” vừa là nạn nhân của bạo lực gia đình, vừa là nạn nhân của nạn buôn bán người…
Mới đây, nhân Ngày Gia đình Việt Nam 28/6/2012, Ngôi nhà Bình yên công bố đã đón 297 nạn nhân bị bạo lực gia đình vào tạm trú bao gồm 179 phụ nữ và 118 trẻ em đến từ 27 tỉnh, thành phố. Con số nạn nhân bị buôn bán trở về được đón nhận tính đến ngày 15/6 là 187 người gồm 161 phụ nữ và 26 trẻ em đến từ 12 dân tộc, 35 tỉnh. Không quá hiếm gặp những em gái có cuộc đời đau khổ “kép” như Triệu Thị N. vừa là nạn nhân của bạo lực gia đình, vừa là nạn nhân của nạn buôn bán người.
Trong cuốn tài liệu “Các mối quan hệ trong gia đình Việt Nam” do Bộ VH-TT&DL, Viện Gia đình và Giới, UNICEF Việt Nam phối hợp thực hiện, các chuyên gia chỉ ra rằng, khi sống trong một gia đình có hành vi bạo lực và trực tiếp gánh chịu sự bạo lực, trẻ dễ bị ảnh hưởng tâm lý, như lo lắng, buồn chán…, dẫn đến các em thiếu tự tin, mặc cảm, bỏ nhà ra đi…
Những tổn thương vì bạo lực sẽ làm ảnh hưởng trầm trọng tới đứa trẻ |
Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Minh – Viện trưởng Viện Gia đình và Giới, ở những gia đình có bạo lực, tỷ lệ trẻ em trai hỗn láo với cha mẹ là 12,6% cao hơn 4 lần gia đình không bạo lực 3,1%. Tương tự trẻ em gái ở những gia đình có bạo lực đi chơi qua đêm không xin phép cha mẹ là 3,7% cao hơn 5 lần tỷ lệ này ở gia đình không bạo lực...
Điều đáng buồn nhất là phần lớn trẻ em nạn nhân của bạo lực lại nhận được “món quà nắm đấm, đòn roi” từ chính những người thân các em. Một thống kê cho thấy về các hình thức xử phạt của cha mẹ đối với con cái, có 90,52% trong số 1.240 em nhỏ trả lời rằng chúng thường bị cha mẹ đánh khi có lỗi, vừa đánh vừa mắng là 25,6% và đánh đau là 64,92%.
Chỉ ra nguyên nhân của tình trạng này, các chuyên gia đã chỉ ra rằng một cái tát, một trận đòn hay những lời quát mắng không phải là hiện tượng hiếm thấy trong cách giáo dục của gia đình Việt Nam. Và, ở một chừng mực nào đó, những biểu hiện được coi như bạo lực với trẻ em ở một số địa phương vẫn được chấp nhận. Đây cũng là lý do dẫn tới việc bạo lực vẫn được xem như cách giáo dục "hữu hiệu" đối với trẻ em ở một số gia đình.
Thế nhưng, không chỉ dừng lại ở đó, đã và đang có những người cha người mẹ lại có thể nghĩ tới và sử dụng những hình thức đánh mắng tàn nhẫn như bỏ đói, bắt phơi nắng, treo con mình để đánh, xích chân tay, hoặc chửi mắng với những từ ngữ xúc phạm tới nhân phẩm của trẻ em… Thử hỏi, những vết thương thể chất có thể lành theo thời gian nhưng còn chấn thương tinh thần do chính người thân yêu nhất của mình gây ra liệu có lành trong tâm hồn đứa trẻ?.
Hồng Minh