Sự thay đổi quá nhanh của xã hội khiến trẻ không kịp thích ứng, tâm lý trẻ trong giai đoạn vị thành niên lại thiếu ổn định, xốc nổi nên dẫn đến thái độ sống không đúng đắn và những hành vi xấu. Nếu không kịp uốn nắn, đó chính là căn nguyên tội phạm.
Đó là nhận định của tiến sĩ Dannia Gail Southerland, giáo sư Trường đại học North Carolina (Mỹ) trong buổi nói chuyện với sinh viên khoa Xã hội học Trường ĐH Mở TPHCM tại Hội quán công tác xã hội Đời Rất Đẹp (Q.10, TPHCM) chiều ngày 19/3.
Chủ đề của chính của buổi nói chuyện là phần trình bày “Giai đoạn chuyển từ tuổi thanh niên sang tuổi trưởng thành và tội phạm. Dấu hiệu xấu hay tệ nạn xã hội?” của TS. Dannia, trình bày về nguyên nhân và hậu quả của những biểu hiện xấu ở trẻ vị thành niên.
Với kinh nghiệm nhiều năm nghiên cứu tội phạm từ 17 - 24 tuổi và hỗ trợ Phòng cảnh sát Chapel Hill (North Carolina) xử lý loại tội phạm này, bà Dannia cho rằng nguyên nhân các em phạm tội bắt nguồn từ sự chuyển biến tâm lý trong giai đoạn từ 12 - 17 tuổi cộng với sự chuyển biến của xã hội, quá trình đô thị hóa quá nhanh.
Chính sự thay đổi quá nhanh của xã hội, trẻ không kịp thích ứng, trong khi người lớn dần ít quan tâm hơn đến đời sống con cái mà chạy theo sự chuyển biến của xã hội; tâm lý trẻ trong giai đoạn vị thành niên lại thiếu ổn định, xốc nổi nên dẫn đến thái độ sống không đúng đắn và những hành vi xấu của trẻ. Nếu không kịp uốn nắn, đó chính là căn nguyên tội phạm.
Tiến sĩ Dannia Gail Southerland nói chuyện về nguyên nhân và hậu quả của những biểu hiện xấu ở trẻ vị thành niên. |
Bà Dannia cũng nhận định là các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, đang thay đổi quá nhanh và cũng xuất hiện vấn đề tội phạm là trẻ vị thành niên ngày càng gia tăng. Một biểu hiện trong số các biểu hiện xấu có thể dẫn đến tội phạm sau này chính là bạo lực học đường, đây là vấn đề nóng mà thời gian gần đây truyền thông và dư luận quan tâm.
Trong phần trao đổi của buổi nói chuyện, các bạn sinh viên ĐH Mở TPHCM tranh luận sôi nổi về clip nữ sinh đánh đập bạn mà gần đây báo chí phản ánh. Tất cả các bạn đều phẫn nộ và lo lắng khi hiện tượng ấy ngày càng phổ biến. Một bạn thắc mắc: “Có kỹ năng, giải pháp nào để giải quyết tình trạng này?”.
Theo TS. Dannia, biện pháp tốt nhất là tác động vào gia đình hơn là đứa trẻ. Khi phát hiện hành vi xấu ở đứa trẻ thì nhân viên công tác xã hội phải nghiên cứu gia đình đứa trẻ và môi trường sống xung quanh nó mới có được biện pháp giải quyết vấn đề. Từ đó giảm dần hành vi xấu của trẻ vị thành niên trong cộng đồng. Nhưng thực tế tại Việt Nam hiện nay thì không có một cơ quan nào đảm trách phần việc này.
Đông đảo bạn trẻ phẫn nộ và lo lắng trước tình trạng bạo lực học đường. |
Bà Dannia cho rằng: “Hạ tầng xã hội gồm có hai phần: hạ tầng cứng và hạ tầng mềm. Những thứ như nhà cửa, đường xá... là hạ tầng cứng. Hạ tầng mềm như dịch vụ xã hội, chương trình trị liệu, trợ giúp gia đình... cũng rất quan trọng. Nhưng hình như ở Việt Nam hạ tầng cứng phát triển quá nhanh so với hạ tầng mềm nên phải đối mặt với nhiều vấn đề xã hội phát sinh, trong đó có bạo lực học đường và tội phạm là trẻ vị thành niên ngày càng tăng cao”.
Do đó, bà hướng dẫn các sinh viên khoa Xã hội học ĐH Mở TPHCM - những nhân viên xã hội tương lai cách phổ biến nhất để hạn chế bạo lực học đường và hạn chế tình trạng bắt nạt học sinh đã được áp dụng và tỏ ra hiệu quả ở Mỹ. Đó chính là tổ chức nhóm bạn đồng hành, tương tự như hình thức đôi bạn cùng tiến của học sinh nước ta.
Bà Dannia cho biết: “Trường học có thể tách các nhóm học sinh có nguy cơ bị bắt nạt để tổ chức thành nhóm bạn đồng hành, cùng nhau học tập, cùng nhau đến trường. Nếu các em đi đông thì sẽ hạn chế được việc bị bắt nạt. Còn nhóm có thiên hướng bắt nạt thì sẽ được theo dõi và uốn nắn”.
Về ý tưởng trên của TS. Dannia, Thạc sĩ Võ Thị Hoàng Yến, Giám đốc Chương trình Khuyết tật và Phát triển (DRD) của ĐH Mở cho rằng: “Tổ chức Đoàn thanh niên ở ta hoàn toàn có khả năng làm việc này”.
Theo