|
Học sinh Trường Tiểu học Nam Sơn, xã Nam Tiến (Nam Trực) chơi trò “mèo đuổi chuột”.
Ảnh: Đức Thiện
|
Chưa bao giờ, bạo lực học đường là vấn đề nóng bỏng được cả xã hội quan tâm như hiện nay. Nhắc tới nạn bạo lực học đường, mọi người không chỉ dừng cái nhìn về phía học sinh nam, mà ở cả học sinh nữ. Những mâu thuẫn nhỏ như: lườm nhau, nói xấu nhau, tranh giành bạn trai… được các nữ sinh đưa ra và giải quyết bằng hành động đánh đấm không thương tiếc. Nhiều hình ảnh nữ sinh bị đánh giữa những ánh mắt thản nhiên, vô cảm và cả sự hả hê, cổ vũ của các bạn xung quanh được tung lên mạng trong thời gian gần đây như hình ảnh một nữ sinh trường THPT Trần Nhân Tông (Hà Nội) bị đánh hội đồng được tung lên mạng đã gây “sốc’’ cho nhiều bậc phụ huynh và các nhà quản lý giáo dục. Vụ việc chưa tạm lắng trong dư luận thì tại trường THCS Lê Lai (TP Hồ Chí Minh) lại xảy ra một vụ tương tự khiến một nữ sinh phải đi cấp cứu. Nguyên nhân khiến cho nữ sinh trường Trần Nhân Tông bị đánh là do sơ ý giẫm phải chân bạn, còn nữ sinh trường Lê Lai thì có “tội’’ đã xinh lại học giỏi!?. Những hình ảnh đó chỉ là "tảng băng nổi" giữa vô số những vụ việc về học sinh đánh nhau. Ngày 29-3-2010, Bộ GD-ĐT gửi công văn yêu cầu các địa phương đề xuất giải pháp ngăn chặn học sinh đánh nhau. Trên địa bàn tỉnh ta, khi trao đổi với một số cán bộ làm công tác quản lý giáo dục, công tác Đoàn Đội trường học, chủ nhiệm lớp về vấn đề này, nhiều người đã giấu giếm chuyện bạo lực xảy ra tại trường, lớp mình và cho rằng, chỉ xảy ra những vi phạm nhỏ như đấm đá, xô đẩy nhau… Những trường hợp vi phạm phần lớn đều bị khiển trách dưới cờ và mời phụ huynh đến để phối hợp giáo dục. Chuyện học sinh xô xát với nhau, nhà trường không chịu trách nhiệm chính, vì chỉ quản lý các em trong các giờ học trong ngày, trách nhiệm lại là ở gia đình và xã hội! Khi tiếp xúc với những học sinh, chúng tôi được các em cho biết, không ít lần chứng kiến bạn bè đánh nhau ở cả trong trường và ngoài nhà trường nhưng ít ai bị xử lý nghiêm. Mặt khác, vì sự an toàn cho bản thân, rất ít học sinh dám phản ánh, tố giác với thầy, cô giáo. Theo một cán bộ quản lý giáo dục trên địa bàn thành phố Nam Định, hiện nay không ít học sinh bị nhiễm thói hư tật xấu do tiếp xúc nhiều với các trò chơi bạo lực trên mạng internet và cả bên ngoài xã hội. Một số em “học đòi” tổ chức thành băng nhóm đánh nhau. Nhà trường cũng đã có nhiều hoạt động giáo dục đạo đức, pháp luật cho các em cũng như có nội quy cùng với các hoạt động quản sinh, tổ trật tự… nhưng cũng chỉ như “muối bỏ biển’’ bởi thời gian tổ chức các hoạt động này còn hạn chế, trong khi đó các em vẫn còn thiếu sân chơi lành mạnh, bị cuốn hút vào các trò chơi bạo lực đang tràn lan trên mạng internet...
Trước tình trạng vi phạm pháp luật, bạo lực học đường diễn biến phức tạp, Sở GD-ĐT đã chỉ đạo các đơn vị, trường học tăng cường công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên. Ngoài việc tập trung thực hiện phong trào thi đua “Trường học thân thiện, học sinh tích cực’’, các trường học phải cụ thể hóa bằng nhiều hình thức, phong trào rèn luyện chân - thiện - mỹ, xây dựng tình yêu thương, gắn kết giữa thầy và trò, giữa trò với nhau. Trong công tác giáo dục, giáo viên phải có tình yêu thương, sự bao dung, hướng thiện và liên tục hình thành nhân cách sống tích cực cho các em, chú trọng đến giáo dục kỹ năng sống, giúp các em biết cách đối mặt và giải quyết các vấn đề khó khăn nảy sinh trong cuộc sống. Trong đó, vai trò của giáo viên chủ nhiệm phải được coi trọng. Cán bộ Đoàn, Đội cần tăng cường giáo dục, tuyên truyền pháp luật, tổ chức các hoạt động vui chơi, rèn luyện cho các em khả năng ứng xử thân thiện, phong thái tự tin khi hòa nhập với cộng đồng, đồng thời giúp các em sống nhân văn, biết yêu thương và có trách nhiệm với bạn bè và những người xung quanh và với chính bản thân mình. Ngoài ra, các thầy cô giáo phải là tấm gương sáng về đạo đức, nhân cách để các em học tập và làm theo. Học đường thân thiện cũng không thể thiếu sự kết dính mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình và chính quyền địa phương cùng sự vào cuộc của toàn xã hội./.
Thảo Linh