Smartphone đang dần trở thành công cụ giao tiếp cũng như làm việc của người dùng, đặc biệt là giới doanh nhân. Tuy nhiên, thói quen lưu trữ thông tin trên điện thoại ẩn chứa nhiều mối nguy hại tiềm tàng. Bên lề Hội nghị và Lễ trao giải các nhà lãnh đạo CNTT xuất sắc (CIO Summit & Awards) tổ chức ở Hà Nội ngày 24/9, ông Nathan Wang - Phó chủ tịch bộ phận kỹ thuật vùng Châu Á Thái Bình Dương của hãng bảo mật Kaspersky - đã chia sẻ với báo giới về các vấn đề bảo mật di động cho doanh nghiệp.
|
Theo ông Nathan Wang, bảo mật di động là vấn đề tuy còn khá mới mẻ nhưng thực tiễn bởi điện thoại di động đã trở thành vật dụng quen thuộc của rất nhiều người, và hiện xu thế sử dụng điện thoại di động cao cấp thuộc các dòng smartphone bùng nổ một cách nhanh chóng. Smartphone tích hợp nhiều chức năng văn phòng, giải trí, có thể truy cập internet, kết nối mọi lúc mọi nơi… nên lượng thông tin lưu trữ trong điện thoại cũng ngày càng quan trọng và nhiều hơn. Nhưng đi kèm với sự phát triển của công nghệ luôn tồn tại nhiều mối đe dọa như sự rò rỉ hoặc mất cắp thông tin do điện thoại có khả năng kết nối với nhiều công cụ, phương tiện. Và nguy hại hơn nữa khi virus từ điện thoại xâm nhập vào hệ thống máy tính tại văn phòng, chúng lan truyền nhanh, hủy hoại dữ liệu và gây tổn thất nghiêm trọng cho doanh nghiệp. Ông Nathan nhận thấy, hiện hầu hết các lãnh đạo cao cấp, như CEO, CIO đều dùng các thiết bị di động để truy cập e-mail, lưu trữ thông tin quan trọng của công ty. Vì thế, trong một hoàn cảnh nào đó, khi điện thoại bị mất cắp thì rất dễ bị mất mát thông tin lưu trữ trong điện thoại, khiến các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đại diện của Kaspersky cho biết, từ những cuộc khảo sát trong thời gian qua, Symbian là hệ điều hành di động bị tấn công nhiều nhất, đứng thứ hai là JavaScript, thứ 3 là Windows Mobile và thứ tư là Android. Mặc dù iPhone không ẩn chứa nhiều nguy cơ bị tấn công nhưng những chiếc điện thoại của Apple bị bẻ khóa khi download các phần mềm trên mạng lại để lại nhiều “kẽ hở” cho tin tặc khai thác. Theo Nathan, để giám sát chặt chẽ không bị thất thoát thông tin cho các doanh nghiệp, ngoài antivirus, các doanh nghiệp cần phải quản lý dữ liệu cho điện thoại, phải có công cụ quản lý mật khẩu (password manager) để quản lý tài khoản ngân hàng, giao dịch trực tuyến và cần phải có ứng dụng để quản lý thiết bị từ xa, như GPS, hay phần mềm để xóa hoặc ẩn thông tin lưu trên điện thoại bị mất. Ngoài ra, nên chú đến antispam cho email và cả tin nhắn.
Theo Khôi Linh
Dân Trí
Dân Trí