Đây là sự kiện quan trọng trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024).
Tham dự Lễ trao giải có ông Phan Xuân Thuỷ - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; bà Trịnh Thị Thuỷ - Thứ trưởng Bộ VHTT&DL, ông Bùi Hoài Sơn - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội, ông Nguyễn Văn Phong - Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội; cùng đại diện các bộ, ban, ngành, các phóng viên, nhà báo đến từ rất nhiều toà soạn tại Thủ đô và trên cả nước.
Ông Nguyễn Văn Phong - Phó Bí thư thành uỷ Hà Nội, Trưởng ban tổ chức Giải báo chí Phát triển Văn hoá và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh lần thứ VII - Năm 2024. (Ảnh: PV) |
Qua 7 lần tổ chức, Giải báo chí mang dấu ấn của Thủ đô ngày càng thu hút được đông đảo phóng viên, cơ quan báo chí tham gia, từ đó phát huy được trách nhiệm, trí tuệ, tâm huyết xây dựng Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại.
Phát huy thành công của các mùa giải trước, năm nay, Giải báo chí về Phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh tiếp tục nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Thường trực Thành ủy. Công tác tổ chức giải được thực hiện chuyên nghiệp, khoa học và hiệu quả, thu hút sự tham gia hưởng ứng của nhiều phóng viên, cơ quan báo chí.
Theo Ban Tổ chức, Giải báo chí về Phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh lần thứ VII năm 2024 đã nhận được 345 tác phẩm của 48 đơn vị, cơ quan báo chí; trong đó có 7 cơ quan báo chí của Hà Nội, 41 đơn vị, cơ quan báo chí Trung ương, Bộ, ngành, địa phương; tăng 9 đơn vị, cơ quan báo chí và 53 tác phẩm so với năm 2023. Đây cũng là năm có số lượng tác phẩm báo chí, số đơn vị, cơ quan báo chí tham dự giải nhiều nhất từ trước tới nay. Hội đồng sơ khảo đã tổ chức chấm và giới thiệu được 80 tác phẩm vào vòng chung khảo.
Nhà báo Tô Quang Phán, Chủ tịch Hội Nhà báo Hà Nội cho biết, giải báo chí năm nay có sự tham gia đông đảo từ các cơ quan báo chí Trung ương, bộ ngành và địa phương như Hòa Bình, Lai Châu, Điện Biên, Quảng Ngãi, thể hiện sức lan tỏa mạnh mẽ và tinh thần “Hà Nội với cả nước, cả nước với Hà Nội”. Ông cũng nhận định các tác phẩm vào chung khảo có chất lượng tốt, đặc biệt là báo điện tử với các sản phẩm đa phương tiện như megastory, longform, e-magazine và podcast, đem lại trải nghiệm hấp dẫn và góc nhìn đa dạng. Nhiều vấn đề văn hóa lâu nay ít được chú ý đã được khai thác sâu sắc trong các tác phẩm này.
Qua quá trình chấm chung khảo công tâm, khách quan, năm nay có 34 tác phẩm báo chí xuất sắc được trao giải. Trong đó, có 1 giải Đặc biệt, 3 giải A, 5 giải B, 10 giải C, 15 giải Khuyến khích và giải cho 2 cơ quan báo chí tiêu biểu có nhiều tác phẩm chất lượng tham dự giải.
Nhóm tác giả Báo Pháp luật Việt Nam được vinh danh ở Giải thưởng. |
Loạt bài "Thanh lịch người Hà Nội" đăng trên Báo Pháp luật Việt Nam đã giành giải Khuyến khích. Loạt bài được sáng tác trong bối cảnh Hà Nội tập trung phát triển công nghiệp văn hóa như một động lực quan trọng cho sự phát triển bền vững. Hà Nội là địa phương đầu tiên ban hành nghị quyết về phát triển công nghiệp văn hóa, nhằm cụ thể hóa các chính sách cần thiết trong quá trình sửa đổi Luật Thủ đô. Chính quyền Hà Nội cũng nỗ lực bảo tồn các di sản văn hóa, kiến trúc và khôi phục lễ hội truyền thống trước các thách thức của bối cảnh hiện đại. Loạt bài tôn vinh giá trị thanh lịch, văn minh của người Hà Nội qua lịch sử, lối sống, phong cách ứng xử đến ẩm thực và truyền thống gia đình.