Bảo tàng cũng cần “trưng diện”

(PLO) - Mới đây, Tổng cục Du lịch - Bộ VHTT&DL) đã tổ chức một cuộc khảo sát cho 70 doanh nghiệp lữ hành tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam với mục đích xây dựng các sản phẩm du lịch mới.
Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (Ảnh internet)
Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (Ảnh internet)

Chuyến khảo sát bắt đầu bằng một tour tham quan 30 phút. Thuyết minh viên đưa đại diện các hãng lữ hành đi một vòng các phòng trưng bày hiện vật, tác phẩm mỹ thuật, điêu khắc thuộc bộ sưu tập của Bảo tàng. Điều đáng nói là không biết vì  thời gian ngắn khiến các thuyết minh viên khá vội vàng, rụt rè khi lựa chọn, cung cấp thông tin về bảo tàng hay tự thân bảo tàng chưa biết biến mình trở nên hấp dẫn cho nên phần khảo sát bị nhiều doanh nghiệp không chấm điểm cao.

Thời gian tour rất hạn hẹp, trong khi các thuyết minh viên lại không biết chọn cô đọng nội dung; thông tin hiện nay Bảo tàng Mỹ thuật cung cấp tới các công ty du lịch rất hạn chế; Bảo tàng vẫn sử dụng hình thức thuyết minh viên kè kè bên cạnh khách đã lỗi thời, cần thay thế; Bảo tàng có thể học hỏi kinh nghiệm thế giới và đầu tư hệ thống audio guide thay cho việc sử dụng thuyết minh viên… là những vấn đề mà đại diện các doanh nghiệp lữ hành đã chỉ sau tour tham quan 30 phút. Thừa nhận điều này, ông Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam  trăn trở: “Chính tôi cũng có cảm giác dù sở hữu rất nhiều bảo vật, hiện vật vô giá song lâu nay, tiềm năng chưa được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam khai thác hiệu quả”. 

Làm gì để bảo tàng thành điểm du lịch hấp dẫn – đó là câu hỏi không chỉ của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cần trả lời mà còn rất nhiều bảo tàng khác ở Việt Nam. Qua câu chuyện của  Bảo tàng Mỹ thuật có thể thấy nhiều vấn đề tồn tại của các bảo tàng hiện nay. Đó trước hết là công tác quảng bá. Theo bà Đặng Bích Thọ - Phó Tổng Giám đốc Red Tours thì thông tin về giá vé hay các hoạt động khác của Bảo tàng trên trang web rất nghèo nàn. Ngay cả diện mạo bên ngoài của bảo tàng cũng không tạo ấn tượng rằng đây là Bảo tàng quốc gia về mỹ thuật. Tiếp đến là cách thức trưng bày tại bảo tàng còn thiếu sống động. Thậm chí tại không gia sân vườn của bảo tàng nếu du khách muôn ghi lại những hình ảnh lưu niệm cũng khó vì không có…  

Được biết, hiện nay ngoài Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam và Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam luôn được các doanh nghiệp lữ hành đánh giá cao về khả năng thu hút khách du lịch thì các bảo tàng khác đang trên con đường làm mới mình. Đơn cử như Bảo tàng Lịch sử Quốc gia không nằm trong top các bảo tàng đứng đầu về thu hút khách quốc tế tại Hà Nội. Tuy nhiên, sau các hoạt động hợp tác quốc tế được kết nối chặt chẽ, trong đó có kết nối với Hiệp hội Bảo tàng Đức thì đến nay, riêng tại thị trường Đức, các bảo tàng đã tự động chia sẻ thông tin, kết nối quảng bá cho Bảo tàng Lịch sử Quốc gia tại Việt Nam. Vì thế, địa chỉ này cũng là điểm đến không thiếu trong các tour tham quan của du khách Đức tại Việt Nam. 

Thế mới biết, trước nay quan niệm bảo tàng chỉ là ngôi nhà để trưng bày và dành cho một nhóm nhỏ những người thích tìm hiểu, nghiên cứu là quan niệm hết sức sai lầm. Thay vào đó cần nhìn nhận bảo tàng như một yếu tố  để thúc đẩy sự phát triển thành công của “ngành công nghiệp không khói” là du lịch. Vì vậy, nhiệm vụ của Bảo tàng bên cạnh việc phục vụ nghiên cứu, trưng bày còn là phải thiết kế các sản phẩm du lịch đáp ứng được nhu cầu đa dạng của các đối tượng khách. 

Hay nói như ông Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam: “Nằm cách Văn Miếu - Quốc Tử Giám có một con đường nhưng bên di tích thì đón tới 1,5 triệu lượt khách/năm, bên này vỏn vẹn 50 ngàn lượt khách/năm. Làm thế nào để du khách không còn thờ ơ? Chúng tôi xác định sẽ phải thay đổi rất nhiều. Phải biết “trưng diện”, biết bày biện “món ăn ngon”, biết giới thiệu tiềm năng, thế mạnh…”. 

Đọc thêm