Bảo tàng sống về sức mạnh của dân tộc Việt

Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc của Việt Nam đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào 18 giờ 20phút ngày 16-11-2010 (tức 22 giờ 20phút Việt Nam) tại Thành phố Nairobi (Thủ đô của Kenya), trong kỳ họp thứ 5 của Ủy ban liên chính phủ theo Công ước năm 2003 của UNESCO. Tin vui làm nức lòng nhân dân cả nước.
Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc của Việt Nam đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào 18 giờ 20phút ngày 16-11-2010 (tức 22 giờ 20phút Việt Nam) tại Thành phố Nairobi (Thủ đô của Kenya), trong kỳ họp thứ 5 của Ủy ban liên chính phủ theo Công ước năm 2003 của UNESCO. Tin vui làm nức lòng nhân dân cả nước.

Công nhận của thế giới

 
Theo tin từ phía đại diện của UBND TP Hà Nội đang tham gia phiên họp tại Nairobi, Kenya, đợt xem xét hồ sơ năm 2010, Ủy ban liên chính phủ theo Công ước năm 2003 của UNESCO đã nhận được 147 hồ sơ từ 32 quốc gia trong 113 quốc gia là thành viên của UNESCO. Vòng thẩm định nghiêm ngặt của các chuyên gia của UNESCO và Ủy ban liên chính phủ theo Công ước năm 2003 của UNESCO đã chọn ra 54 hồ sơ, trong số 147 hồ sơ của các quốc gia gửi đến UNESCO để thẩm định, đánh giá ở vòng hai. Tháng 6-2010, Ủy ban liên chính phủ lại quyết định 7 hồ sơ không đưa ra xem xét trong kỳ họp tại Nairobi từ 15 đến 19-11-2010, còn lại có 46 hồ sơ được đưa ra xem xét, đánh giá. Tại phiên họp ngày 16-11-2010, UNESCO đã công nhận 46 di sản văn hóa phi vật thể của các quốc gia để ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, trong đó có Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc của Việt Nam.

Trong số 46 di sản được công nhận năm nay của 29 quốc gia thành viên có 6 di sản là nghề thủ công truyền thống; 12 di sản là lễ hội; 6 di sản là tri thức dân gian; 20 di sản là nghệ thuật biểu diễn; 3 di sản là ẩm thực dân gian.

Vậy là cùng với 82 Bia tiến sĩ ở Văn Miếu Quốc Tử Giám được công nhận là Di sản Tư liệu thuộc Chương trình Ký ức Thế giới; Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long được công nhận là Di sản văn hóa thế giới, Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc là di sản thứ 3 của Thành phố Hà Nội được UNESCO vinh danh trong năm 2010-Năm Đại lễ kỷ niệm Thăng Long-Hà Nội tròn 1000 năm tuổi.

Hội đủ tính đại diện của nhân loại

Từ sau ngày 16-11-2010, Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc đã là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Được sự công nhận của UNESCO, trước hết là bởi bản thân Hội Gióng đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của UNESCO với một di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là một lễ hội được cộng đồng bảo tồn, truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác, coi như một phần bản sắc của họ, chứa đựng những sáng tạo mang tầm nhân loại, thể hiện khát vọng về một cuộc sống thịnh vượng cho mỗi gia đình,về một nền hòa bình cho đất nước…

Tại cuộc hội thảo quốc tế nhằm hoàn thiện hồ sơ Hội Gióng diễn ra 6 tháng trước, ông Nguyễn Chí Bền, Viện trưởng Viện văn hóa nghệ thuật-đơn vị được giao nhiệm vụ lập hồ sơ Hội Gióng đã khẳng định trước các học giả thế giới, rằng: “Lễ hội Gióng là di sản văn hóa phi vật thể đã được nghiên cứu, có sự đồng thuận về giá trị của di sản, sự quan tâm của cộng đồng với việc bảo tồn và phát huy di sản”.

Thánh Gióng hay còn gọi là Phù Đổng Thiên Vương hay Xung Thiên Thần Vương, là một trong bốn vị thánh bất tử trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam (Thánh Tản, Thánh Gióng, Thánh Chử Đồng Tử và Thánh Mẫu Liễu Hạnh). Lễ hội Thánh Gióng hay còn gọi là hội làng Phù Đổng (tên nôm là làng Gióng), đây là một trong những lễ hội lớn nhất ở đồng bằng Bắc bộ, một diễn trường lịch sử - văn hoá, diễn lại sự tích Thánh Gióng đánh thắng giặc Ân. Tới làng Phù Đổng, Gia Lâm, Hà Nội, đền Thượng - một ngôi đền khá đồ sộ, kiến trúc theo lối xưa chính là nơi thờ Thánh Gióng.

Câu chuyện về Thánh Gióng là cả một chủ đề bất tuyệt của tuổi trẻ Việt Nam: tuổi nhỏ mà trí lớn, bình thường mà phi thường, nước gặp nạn sẵn sàng ra cứu nước, tan giặc không nhận bổng lộc, không làm quan, làm tướng mà bay về trời. Kiến trúc đền theo phong cách thời Lý. Hằng năm cứ đến ngày 9 tháng 4 âm lịch (ngày ông Gióng thắng giặc Ân), dân tứ xứ lại đổ về từ mọi ngả xa gần để xem lễ, dự hội làng. Lễ hội làng Gióng được cử hành trên một diễn trường rộng lớn dài khoảng 3 km gồm đền Thượng, đền Mẫu (thờ mẹ Gióng) và chùa Kiến Sơ.

Ngoài lễ hội chính tại làng Phù Đổng còn có một số nơi khác cũng tổ chức hội Gióng: Hội đền Sóc (xã Xuân Đỉnh huyện Từ Liêm), hội Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn), hội Phù Gióng, hội Gióng Bộ Đầu...

Lễ hội Thánh Gióng là một di sản văn hóa phi vật thể từng tồn tại qua hàng ngàn năm lịch sử. Về giá trị, Lễ hội Thánh Gióng là bản anh hùng ca của dân tộc Việt Nam. Lễ hội lưu giữ những tín ngưỡng cổ xưa của người Việt cổ như tín ngưỡng thờ đá, tín ngưỡng phồn thực. Nét độc đáo của lễ hội này là cư dân Việt cổ đã lịch sử hóa một nhân vật huyền thoại, biến thành một nhân vật tín ngưỡng và từ đó phát triển thành lễ hội. Cũng tại đây, mỗi người đều có dịp cảm nhận mối quan hệ nhiều chiều giữa làng và nước, giữa cá nhân và cộng đồng, giữa quá khứ và hiện tại, giữa thực và ảo, giữa thiêng liêng và trần tục, tất cả đều được gìn giữ như một tài sản văn hoá để lưu truyền. Đặc biệt, lễ hội này có sức thu hút, hấp dẫn mãnh liệt các thế hệ.

Trong bài viết có tên “Một lễ hội tín ngưỡng nước Nam” đăng ở tạp chí Lịch sử và tôn giáo (Pháp) của học giả G.Dumoutier, viết năm 1893 sau khi chứng kiến lễ hội Gióng ở làng Phù Đổng đã ca ngợi: Lễ hội này còn đọng mãi trong tâm trí mỗi người giống như một trong những cảnh tượng cảm động nhất mà chúng tôi từng được chứng kiến tại vùng Bắc kỳ. Liệu rằng ở châu Âu già cỗi của chúng ta, người dân có còn tự hào làm lễ kỷ niệm một sự kiện lịch sử đã diễn ra hai nghìn ba trăm năm trước đây?

Năm 1938, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Huyên cũng đã có một bài viết “Hội Phù Đổng-Mặt trận đánh thần kỳ trong truyền thuyết Việt Nam”, đã khẳng định: Hội Phù Đổng là một trong những lễ hội kỳ thú nhất và cổ nhất. Đó cũng là hội được người ta biết đến nhiều nhất, có tính đại chúng nhất, hàng năm cứ đến ngày 9 tháng tư âm lịch là thu hút rất đông người đến trên hai bờ sông Đuống. Có câu dân ca Việt Nam hát rằng: Mồng bảy hội Khám, mồng tám hội Dâu/ Mồng chín đâu đâu trở về hội Gióng. Một câu khác cũng đã chẳng hát rằng: Ai ơi mồng chín tháng tư/ Không đi hội Gióng cũng hư mất người. Nghĩa là con người ít nhất trong đời phải một lần dự hội Phù Đổng, nếu không thì cuộc đợi sẽ rất tẻ nhạt. Nói cách khác, người ta chết đi mà không được biết đến niềm vui thú lớn trong đời…

Trong những ngày chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội diễn ra hồi tháng 10 vừa qua, tượng đài Thánh Gióng-biểu tượng của lòng yêu nước và căm thù giặc sâu sắc, là sức mạnh dân tộc Việt Nam với tinh thần không có gì quí hơn độc lập tự do đã được đặt trên đỉnh núi Ðá Chồng của khu du lịch tâm linh Ðền Sóc - Chùa Non thuộc xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội.
Theo Nhân dân

Đọc thêm