Bảo tàng Trực Ninh góp phần giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng của quê hương

Bảo tàng Trực Ninh là nơi tham quan, nghiên cứu và giáo dục truyền thống cho thế hệ hôm nay và mai sau hiểu sâu sắc hơn về lịch sử mảnh đất, truyền thống văn hoá của huyện Trực Ninh.

Bảo tàng Trực Ninh nằm trong khuôn viên Đền thờ các Anh hùng liệt sỹ của huyện đã hoàn thành xây dựng đưa vào sử dụng.  Ảnh: Xuân Thu
Bảo tàng Trực Ninh nằm trong khuôn viên Đền thờ các Anh hùng liệt sỹ của huyện đã hoàn thành xây dựng đưa vào sử dụng.          Ảnh: Xuân Thu

Nhà bảo tàng huyện Trực Ninh được xây dựng trong khuôn viên Đền liệt sỹ của huyện, diện tích khoảng 300m2 vừa được khánh thành. Trước đó, để chuẩn bị cho công tác trưng bày, cùng với việc xây dựng Bảo tàng, Huyện uỷ, UBND huyện thành lập Ban chỉ đạo công tác sưu tầm tài liệu, hiện vật. Chỉ trong thời gian ngắn, hơn 200 tài liệu, hiện vật, trong đó có 120 bức ảnh tư liệu và 100 hiện vật đã được nhân dân hiến tặng như: Kỷ yếu, sách, hình ảnh các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước qua các thời kỳ đến thăm và làm việc với huyện. Bên cạnh đó, là các hiện vật về lịch sử mảnh đất, con người và truyền thống văn hoá của huyện. Là huyện có bề dày truyền thống lịch sử văn hoá, Trực Ninh hiện đang lưu giữ một kho tàng di sản văn hoá vật thể và phi vật thể của dân tộc trong các công trình tín ngưỡng tôn giáo lớn như: Chùa Cổ Lễ thờ Phật và Thiền sư Nguyễn Minh Không, có Tháp Cửu phẩm Liên Hoa xây dựng năm 1921 cao 32m, có 13 tầng với 62 bậc xoáy trôn ốc là một trong những tháp chùa đẹp ở Việt Nam. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, đã xuất hiện nhiều tấm gương anh dũng hy sinh, nhiều trận đánh du kích chống địch càn quét và phong trào rào làng kháng chiến, phong trào thanh niên tòng quân lên đường bảo vệ Tổ quốc đã đóng góp vào công cuộc giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN... Với những nét đặc trưng đó, nội dung trưng bày được kết hợp giữa phong cách truyền thống và hiện đại, tạo nên sự mới lạ, hấp dẫn, tính logic về sự kiện, có điểm nhấn tiêu biểu theo chủ đề và bảo đảm tính khoa học bảo tàng, đã khái quát về lịch sử mảnh đất, con người và truyền thống văn hoá, tín ngưỡng và tôn giáo, truyền thống hiếu học của huyện. Bên cạnh đó, chủ đề làng nghề truyền thống - một thế mạnh của huyện cũng được chú trọng. Tại bảo tàng, gian trưng bày thể hiện rõ tinh thần chiến đấu anh dũng kiên cường của quân và dân Trực Ninh qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước thông qua những tài liệu và hiện vật như ảnh, sa bàn, rào làng kháng chiến Trại Mỹ, xã Trực Tuấn; ảnh, bản trích gắn liền với sự kiện ngày 27-2-1947, tại chùa Cổ Lễ đã diễn ra lễ cởi áo cà sa tiễn 24 nhà sư lên đường bảo vệ Tổ quốc; một số ảnh, sơ đồ trận đánh, các loại vũ khí, khí tài tham gia trận đánh, các câu chuyện kể về quân và dân Trực Ninh giải phóng bốt Vô Tình, bốt Lương Hàn… Bên cạnh đó là các hình ảnh, hiện vật tiêu biểu về những thành tựu của đảng bộ, quân và dân Trực Ninh trong thời kỳ đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội.

Bảo tàng Trực Ninh là nơi tham quan, nghiên cứu và giáo dục truyền thống cho thế hệ hôm nay và mai sau hiểu sâu sắc hơn về lịch sử mảnh đất, truyền thống văn hoá của huyện Trực Ninh./.

Thu Trang

Đọc thêm