Sự việc gây ra sự bức xúc trong dư luận về thói cư xử bất chấp kỷ luật, quy tắc của một bộ phận khách du lịch. Trong khi đó, lượng khách Trung Quốc tới Việt Nam ngày càng tăng cao trong vài năm gần đây. So với những nhóm du khách khác, du khách Trung Quốc thường để lại nhiều ấn tượng xấu xí tại các điểm đến, không chỉ ở Việt Nam mà còn tại các “thành trì văn hóa” của nhiều đất nước khác và trên chính đất nước của họ.
Đơn cử, năm 2016, một người phụ nữ Trung Quốc cho con đi tiểu tiện ngay tại sàn gỗ của cung điện Catherine (Nga) thay vì vào nhà vệ sinh công cộng đã làm người dân nước này hết sức ngỡ ngàng. Năm 2017, một nhóm khách Trung Quốc trèo tường vào đền Angkor Wat để trốn vé tham quan, cũng làm người dân nước này bức xúc.
Ngay tại đất nước của mình, người dân cũng có những ứng xử “xấu xí”, phá hoại chính “thành trì văn hóa” của đất nước mình. Như theo Shanghaiist, dân làng ở khu vực phía bắc của thủ đô Bắc Kinh, nơi có phần tường thành được xây từ thời nhà Minh, thường lấy trộm gạch và những tấm khắc lịch sử để bán cho du khách với giá 30-50 tệ (100.000 - 180.000 đồng), hay hình ảnh 3 thanh niên phá hoại lớp cát cổ trăm triệu năm tuổi tại công viên địa chất Zhangye, tỉnh Cam Túc.
Chia sẻ về sự cố với báo chí, ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng cho rằng: “Lực lượng nhân viên, cán bộ ở đây thường xuyên túc trực, nhắc nhở du khách tham quan bảo tàng và hướng dẫn viên.
Đồng thời, bảo tàng cũng lắp đặt camera giám sát tại các khu trưng bày. Tuy nhiên, vào thời điểm sự việc xảy ra, bảo tàng đón số lượng lớn khách tham quan với hơn 500 người, các nhân viên không thể theo dõi kịp thời nên dẫn đến tình trạng trên.”
Khách tham quan, với tâm lý tò mò muốn trải nghiệm hay muốn “check-in”, vẫn lén lút sờ vào hiện vật. Trường hợp ngang nhiên vi phạm nội quy bảo tàng, dù bị nhắc nhở nhưng vẫn cố tình phớt lờ như trường hợp ở bảo tàng Đà Nẵng dù không nhiều nhưng vẫn hiện hữu.
Mặt khác bởi lưu lượng đông đúc, diện tích quản lý lại rộng, việc quản lý những khách du lịch “vượt rào” cũng không dễ. Nhiều bảo tàng khác cũng rơi vào tình trạng lúng túng, khó xoay xở khi phải đối mặt với khách du lịch thiếu ý thức. Không ít trường hợp do tự ý xâm phạm, hiện vật không thể phục hồi, hoặc phải đem đi phục chế rất tốn công sức và thời gian.
Nhìn ra kinh nghiệm của một số nước lân cận, như Nhật Bản, ngày càng nhiều địa điểm sẵn sàng từ chối tiếp đoàn khách nước ngoài vì hành xử thô lỗ. Đối với những nơi linh thiêng, ban quản lý đều không chấp nhận đoàn khách đông, tránh gây mất trật tự, ảnh hưởng đến đi tích và hiện vật. Hay du khách có thể bị phạt tù dưới 5 năm hoặc mức tiền khoảng 300.000 yên (gần 2.650 USD) nếu có hành vi xâm phạm, vẽ bậy tại Nhật.
Phải chăng ban quản lý bảo tàng ở Việt Nam cũng nên cân nhắc áp dụng biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ ngay lập tức đối với những du khách không tuân thủ quy định? Hoặc ban quản lý cũng cần có những biện pháp mạnh hơn là chỉ nhắc nhở, nhằm răn đe những du khách “xấu xí”.
Bởi nếu không có sự kiểm soát, quản lý chặt chẽ cùng với tuyên truyền, nâng cao nhận thức về lâu dài đối với du khách trong việc bảo vệ, giữ gìn hiện vật, sẽ dễ dẫn đến những hậu quả thiệt hại ngoài mong muốn, như hiện vật bị làm bẩn, xước, gãy,… mà tồi tệ nhất là bị phá hủy.
Những hậu quả này không chỉ đong đếm bằng tiền mà còn bởi những thiệt hại không thể bù đắp khi mất đi các giá trị vật thể và tinh thần vô giá về văn hóa và lịch sử của đất nước. Có thể nói ứng phó như thế nào trước nạn xâm phạm, phá hoại hiện vật là một bài toán khó đối với nhiều bảo tàng Việt Nam.