Thị trường lao dốc thời gian qua và chưa có dấu hiệu dừng lại, những đồng vốn của nhà đầu tư vơi dần đi từng ngày.
Trao đổi với báo giới, ông Trần Quan Vũ - Chuyên viên Phân tích Vĩ mô CTCK ACB (ACBS) cho rằng, yếu tố bảo toàn vốn cần được nhà đầu tư đặt lên vị trí hàng đầu trong giai đoạn hiện nay.
Giải pháp nào cần được quan tâm nhất để giúp thị trường thoát khỏi tình trạng hiện tại, thưa ông?
Theo quan điểm của tôi, các yếu tố vĩ mô vẫn đóng vai trò cơ bản trong việc ổn định thị trường chứng khoán.
Cụ thể, việc mất cân bằng tỷ giá VND/USD, thể hiện qua tình hình giá USD trên thị trường tự do cao hơn tỷ giá niêm yết, sẽ gây ảnh hưởng đến KQKD của nhiều doanh nghiệp: Doanh nghiệp sử dụng nguyên liệu nhập khẩu, cần hoạch toán bằng USD nhưng lại không mua được USD ở tỷ giá niêm yết.
Chi phí tăng kéo theo giá thành sản phẩm tăng, từ đó dẫn đến lạm phát tăng. Lạm phát tăng là một yếu tố tiêu cực cho thị trường bởi sự mất giá của đồng VND. Và dòng tiền vào thị trường giảm khi NĐT chuyển sang tích trữ USD và vàng.
Ngoài ra, trong tình hình lạm phát cao, kết quả kinh doanh thiếu khả quan của các doanh nghiệp niêm yết cộng với VN-Index và HNX-Index chưa có dấu hiệu phục hồi rõ ràng thì các NĐT ngại rủi ro sẽ chọn phương án gửi tiền tiết kiệm để đảm bảo lợi nhuận.
Tất cả các yếu tố trên cho thấy, vĩ mô có tác động trực tiếp lên thị trường chứng khoán. Chỉ khi các yếu tố về tỷ giá, vàng và lãi suất ổn định và mang tính chất bền vững thì mới có thể hy vọng vào một viễn cảnh tốt hơn cho thị trường chứng khoán.
Nhiều thông tin gần đây cho thấy, dòng tiền lớn trên thế giới có thể chảy vào Việt Nam, đây có phải là yếu tố tích cực cho thị trường?
Hiện nay, khi hai nền kinh tế lớn là Mỹ và Châu Âu đang gặp nhiều khó khăn, nhiều NĐT nước ngoài chọn các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam để đầu tư và hưởng lợi từ khả năng phát triển nhanh của các nước này. Việc thu hút nguồn vốn ngoại vào thị trường nhìn chung mang nhiều yếu tố tích cực bởi nguồn vốn này sẽ góp phần phát triển kinh tế về nhiều mặt như tăng trưởng GDP, giải quyết công ăn việc làm, v.v. Lợi thế của nguồn vốn ngoại là vốn lớn và thường mang tính dài hạn.
Một phần dòng tiền này cũng có thể chảy vào thị trường chứng khoán bởi cổ phiếu trên sàn của Việt Nam khá rẻ so với khu vực.
Trung bình P/E của các cổ phiếu trên VN-Index hiện nay khoảng 10.3, HNX-Index là khoảng 8.5. Trong khi đó, trung bình P/E của Dow index ở Mỹ là 13.7; của Nikkei Index ở Nhật là 19.1; của Shanghai Index ở Trung Quốc là 19.2. Qua đó có thể thấy thị trường chứng khoán ở Việt Nam là thị trường có nhiều tiềm năng trong việc thu hút nguồn vốn ngoại.
Tuy nhiên, cần phải nói thêm rằng dòng tiền của khối ngoại chảy vào Việt Nam không phải là không có rủi ro. Rủi ro thứ nhất là rủi ro về tỷ giá khi khối ngoại phải giải ngân bằng tỷ giá niêm yết chứ không phải tỷ giá trên thị trường tự do nên sẽ dẫn đến tình trạng hao hụt vốn khi quy đổi.
Rủi ro thứ hai là rủi ro về lạm phát bởi lạm phát cao đòi hỏi kết quả đầu tư vào cổ phiếu phải thật tốt để bù vào việc mất giá của đồng VND khi mua cổ phiếu. Rủi ro thứ ba là rủi ro sẵn có của thị trường chứng khoán khi sự bền vững của giá cổ phiếu phụ thuộc nhiều vào các yếu tố vĩ mô sẵn có ở Việt Nam. Do đó, hiệu quả của việc giải ngân vào thị trường chứng khoán Việt Nam là chưa thể được xác định.
Cuối cùng, ông có lời khuyên gì với nhà đầu tư trong giai đoạn này? Liệu họ có nên chuyển hướng sang đầu tư vào một lĩnh vực khác?
Theo quan điểm của tôi, khi thị trường không có các yếu tố hỗ trợ của vĩ mô và cơ bản thì việc bảo toàn vốn đầu tư nên được đặt lên vị trí hàng đầu. NĐT đang nắm giữ cổ phiếu thì nên loại bỏ các cổ phiếu không sinh lợi. NĐT chưa mua cổ phiếu thì nên chờ thị trường ổn định và có các yếu tố hỗ trợ tốt của vĩ mô trước khi tham gia giao dịch.
Việc đầu tư vào lĩnh vực nào có lợi nhuận cao ở thời điểm này thì còn tùy thuộc vào hoàn cảnh của từng NĐT như tổng số vốn, khả năng chịu đựng rủi ro, yêu cầu về lợi nhuận, thời hạn đầu tư, v.v… Do đó, khó có thể đưa ra một lời khuyên chính xác về lĩnh vực đầu tư trong thời điểm hiện tại.
Xin cảm ơn ông!
Vietstock