Bảo tồn di sản - tiền đề để phát triển du lịch

(PLVN) -Trong những năm qua, chính quyền và người dân tỉnh Ninh Bình luôn nỗ lực sáng tạo, lưu truyền, lan tỏa nhiều giá trị văn hóa đặc sắc với cốt cách riêng có. Bảo tồn những di sản văn hóa và thiên nhiên, đồng thời biến đó thành động lực để phát triển kinh tế, xã hội.
Quần thể Tràng An. (Nguồn: Sở Du lịch Ninh Bình).

“Cố đô Ninh Bình” - một miền di sản

Ninh Bình là nơi duy nhất trên dải đất Việt Nam hình chữ S di sản "kép" của UNESCO: Di sản hỗn hợp Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Tràng An. Nhờ sở hữu những giá trị riêng có về địa lý, sinh thái và nhân văn, lại nằm ở vị trí yết hầu cực Nam khu vực miền Bắc, là điểm kết nối, giao thoa, chuyển tiếp liên vùng giữa vùng Đồng bằng châu thổ sông Hồng, vùng rừng núi Tây Bắc và vùng duyên hải Bắc Trung Bộ, rộng hơn là giữa các vùng cả nước, đã tạo cho Ninh Bình nguồn tài nguyên văn hóa, sinh thái phong phú, độc đáo và là một trong những “cái nôi” của lịch sử nước nhà.

Cùng với cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, mang những giá trị nổi bật toàn cầu về địa chất, địa mạo, người dân Ninh Bình qua nhiều thế hệ bằng các sáng tạo và biểu đạt văn hóa của mình đã bồi tụ, tích lũy cho Ninh Bình nhiều giá trị lịch sử văn hóa đặc sắc, được phát triển, lan tỏa đến ngày nay, với một khối lượng lớn các di sản văn hóa, phản ánh tương đối toàn diện đời sống vật chất và tinh thần của người Ninh Bình nói riêng, người Việt Nam nói chung từ xưa đến nay, là tiềm năng và động lực để Ninh Bình xây dựng và phát triển một cách nhanh và bền vững.

Các danh lam thắng cảnh, khu bảo tồn thiên nhiên, hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của Ninh Bình có giá trị đặc sắc đã được xếp hạng, ghi danh cấp tỉnh, quốc gia và quốc tế, trong đó có các danh hiệu UNESCO, nổi bật phải kể đến Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An, Khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng.

Sau khi Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới vào năm 2014, Ninh Bình luôn là “điểm sáng” trên bản đồ du lịch Việt Nam khi lọt top 15 điểm đến hàng đầu Việt Nam và được nhiều chuyên trang du lịch có uy tín trong nước và quốc tế đánh giá và bình chọn là điểm đến du lịch hấp dẫn, hiếu khách và được yêu thích nhất.

Toàn cảnh khu sinh thái Tràng An là một vùng núi non hùng vĩ, tráng lệ được tạo bởi các thế núi muôn hình vạn trạng soi bóng xuống những dòng suối nhỏ quanh co, uốn khúc nối liền các hang động, các thung lũng hoang sơ, kỳ bí đẹp đến lạ thường. Bất cứ ai đến thăm khu du lịch sinh thái Tràng An đều trải nghiệm từng cung bậc cảm xúc, khám phá cội rễ xa xăm của sự sống nhân loại, tận hưởng vẻ đẹp thuần khiết và tinh tuý cùng bầu không khí thanh như lọc và tự hào với những nét vàng son của lịch sử in đậm trong thế núi, dáng sông ở buổi đầu sơ khai của quá trình dựng nước của ba triều đại: Vua Đinh Tiên Hoàng, Vua Lê Đại Hành và Vua Lý Thái Tổ.

Một trong những điểm hút khách du lịch của Ninh Bình nằm ở giá trị nổi bật toàn cầu của Tràng An, được công nhận dựa trên 3 trụ cột chính quy định tại hướng dẫn thực hiện Công ước về Bảo vệ Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới. Đó là Tràng An chứa đựng các bằng chứng về sự tương tác giữa con người và môi trường, thể hiện sự thích ứng của con người với các điều kiện biến đổi về địa lý và sự khắc nghiệt nhất của môi trường trong lịch sử Trái đất, đặc biệt là những biến đổi khí hậu diễn ra vào cuối và ngay sau thời kỳ băng hà cuối cùng.

Tràng An chứa đựng những cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp với những ngọn núi hùng vĩ, hang động huyền bí, sông nước thanh tĩnh, điểm xuyết với những đền, chùa, miếu linh thiêng. Do đó, cần phải tiếp tục thúc đẩy du lịch, đưa hình ảnh Quần thể danh thắng Tràng An đến với bạn bè quốc tế.

Hài hòa giữa bảo tồn di sản và lợi ích kinh tế

Ông Bùi Văn Mạnh - Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình.

Có thể nói trong thời gian qua, chính quyền và người dân Ninh Bình cũng nhận thức được tầm quan trọng của phát triển bền vững trong thời kỳ hội nhập, toàn cầu hóa và thách thức của biến đổi khí hậu cùng các vấn đề xã hội khác, từ đó xác định quan điểm phát triển bền vững dựa trên nền tảng các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, nhất là về hệ thống di sản văn hóa và thiên nhiên, các danh hiệu UNESCO.

Việc phát triển kinh tế dựa vào những di sản, danh hiệu của UNESCO cũng mang đến rất nhiều bất cập, khó khăn cho tỉnh Ninh Bình. Ông Bùi Văn Mạnh, Giám đốc sở Du lịch cho biết: “Khó khăn lớn nhất là việc giải quyết hài hòa giữa bảo tồn di sản và phát triển kinh tế - xã hội, nhất là các hoạt động du lịch vẫn đặt ra trước mắt. Số lượng khách du lịch đến tham quan các khu, điểm du lịch trong khu di sản tăng nhanh kéo theo nhu cầu cao về lưu trú du lịch, đặc biệt ở các khu vực có cảnh quan tự nhiên và khu dân cư nằm xen kẽ. Loại hình cơ sở lưu trú dạng homestay tự phát tăng nhanh, chủ yếu tập trung trong vùng lõi của di sản”.

Hiện tại, trong vùng lõi di sản Tràng An, diện tích đất được phép xây dựng để ở không còn nhiều, thực trạng cho thấy nhiều hộ dân đã cải tạo, xây dựng nhà để kinh doanh lưu trú trên đất ao, đất vườn, đất ven núi không phép. Điều này đe dọa, làm ảnh hưởng rất lớn đến cảnh quan của một di sản thế giới. Nhiều công trình xây dựng vi phạm đã bị cưỡng chế nhưng sau đó lại tiếp tục thi công để hoàn thiện công trình đi vào sử dụng. Theo ông Bùi Văn Mạnh, hiện nay Sở Du lịch đang tích cực triển khai Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Tràng An - Tam cốc - Bích Động để làm căn cứ điều chỉnh một số bất cập trước đây.

Để nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng, Sở Du lịch tỉnh thường xuyên mở các lớp tập huấn, hội nghị tuyên truyền về công tác quản lý bảo tồn và phát huy giá trị di sản cho nhiều đối tượng khác nhau. Bên cạnh đó, tăng cường công tác quản lý, bảo vệ di sản, phối hợp với các sở, ban, ngành cùng UBND các huyện, thành phố và UBND các xã, phường trong khu di sản tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, vận động nhân dân chấp hành nghiêm các quy định về trật tự xây dựng, quản lý, bảo vệ di sản.

“Nhằm tăng cường, cụ thể hóa nội dung phối hợp trong quản lý, bảo tồn di sản, Sở Du lịch đã phối hợp với UBND huyện Hoa Lư - địa phương có diện tích tự nhiên lớn nhất trong phạm vi di sản xây dựng và thống nhất ký kết Quy chế về phối hợp quản lý, bảo vệ Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An, trong đó quy định chi tiết công tác phối hợp giữa các phòng, ban chuyên môn của Sở Du lịch và các cơ quan chuyên môn huyện Hoa Lư, UBND các xã trong khu di sản kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm về trật tự xây dựng; quản lý, sử dụng đất trong phạm vi di sản. Hiện nay, đang tiếp tục xây dựng và ký kết quy chế phối hợp trong quản lý, bảo tồn di sản với UBND huyện Gia Viễn và UBND thành phố Ninh Bình”, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình cho biết thêm.

Thời gian qua, công tác quản lý, bảo tồn di sản thu được những kết quả nổi bật, các giá trị nổi bật toàn cầu của di sản được tôn trọng, giữ gìn, khai thác bền vững bước đầu phát huy hiệu quả. Ý thức bảo vệ di sản của cộng đồng ngày càng chuyển biến tích cực. Số lượng khách du lịch đến di sản ngày một tăng. Di sản đã thực sự đóng vai trò là hạt nhân, là trung tâm thúc đẩy du lịch của tỉnh, thương hiệu du lịch Ninh Bình gắn với hình ảnh di sản đã được khẳng định trên thị trường du lịch trong nước và quốc tế.

Mới đây nhất, tại giải thưởng Traveller Review Awards 2023 do Booking.com - ứng dụng đặt phòng có mặt tại 228 quốc gia và vùng lãnh thổ tổ chức, Ninh Bình là đại diện duy nhất ở châu Á lọt danh sách 10 điểm đến thân thiện nhất thế giới; Tạp chí Forbes của Mỹ bình chọn Ninh Bình là một trong 23 địa điểm du lịch tuyệt vời nhất năm 2023.

Nhờ hiệu ứng truyền thông, số lượng khách du lịch đến Ninh Bình đạt 7,65 triệu người, gấp 1,3 lần so với năm 2015 (5,99 triệu lượt khách). Tốc độ tăng trưởng khách du lịch tăng liên tục mỗi năm hơn 22%. Tuy nhiên, năm 2020 và 2021, do ảnh hưởng dịch COVID-19, lượng khách đến Ninh Bình giảm 63% so với năm 2019. Đến năm 2022, ngành Du lịch Ninh Bình đã có sự phục hồi nhanh sau đại dịch COVID-19, lượng khách tăng trưởng nhanh, đạt 3.715.289 lượt khách.

Đọc thêm