Bảo tồn điệu hát niên đại 600 năm

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Di sản Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam đã được UNESCO vinh danh nhưng không gian diễn xướng cho loại hình nghệ thuật này đang bị co hẹp. Lớp trẻ thì không quá mặn mà với nghệ thuật truyền thống của cha ông nên việc bảo tồn và phát triển gặp nhiều khó khăn.
Nghệ nhân dân tộc Thái hướng dẫn về kỹ năng đánh đàn tính.
Nghệ nhân dân tộc Thái hướng dẫn về kỹ năng đánh đàn tính.

Điệu hát, tiếng đàn gắn liền 200 nghi lễ

Hơn 600 năm qua, Then đã trở thành sinh hoạt văn hóa tâm linh của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Thái ở vùng núi phía Bắc Việt Nam. Then là một thực hành nghi lễ không thể thiếu trong đời sống tâm linh của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam, phản ánh các quan niệm về con người, thế giới tự nhiên và vũ trụ. Các lễ Then diễn tả hành trình thầy Then (ông Then, bà Then) điều khiển đoàn âm binh đi từ Mường Đất lên Mường Trời để dâng lễ vật và thỉnh cầu trong lễ: cầu an, chữa bệnh, cầu mùa, chúc mừng năm mới...

Then luôn luôn được trao truyền bằng truyền khẩu khi thực hành nghi lễ, thể hiện sự kế tục giữa các thế hệ. Các thầy Then đóng vai trò chính yếu trong việc chuyển giao các kỹ năng và bí quyết liên quan, một số thầy Then có thể thực hiện khoảng 200 nghi lễ một năm. Di sản Thực hành Then tập trung chủ yếu ở các tỉnh vùng Đông Bắc (Bắc Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Tuyên Quang), vùng Tây Bắc (Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai) và một số địa phương khác ở Việt Nam.

Ngày 13/12/2019, tại Phiên họp Ủy ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 14 của UNESCO, di sản Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam đã chính thức được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp quốc (UNESCO) ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Mặc dù được vinh danh nhưng hiện tại không gian diễn xướng cho loại hình nghệ thuật này cũng đang bị co hẹp. Lớp trẻ thì không quá mặn mà với nghệ thuật truyền thống của cha ông, nhiều thanh niên dân tộc hiện nay còn không biết tiếng mẹ đẻ, vì vậy việc bảo tồn đã khó mà việc phát triển nó lại càng khó hơn.

Bảo tồn sao cho hiệu quả?

Để bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị của Then, trong những năm học gần đây, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã đưa hát Then vào môi trường học đường. Các nhà trường từ bậc tiểu học đến THPT ở Lạng Sơn đã gắn việc gìn giữ hát Then với phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, hoạt động giáo dục truyền thống và hoạt động ngoại khóa trong mỗi tháng. Khi đưa hát Then vào hoạt động giáo dục, đa số học sinh thấy gần gũi và nhanh chóng hiểu được giá trị cũng như ý nghĩa của hát Then trong đời sống của đồng bào Tày, Nùng từ bao đời nay.

Bình Liêu (Quảng Ninh) cũng là địa phương có nhiều hình thức để bảo tồn và phổ biến làn điệu hát Then trong đời sống xã hội. Phòng Văn hóa Thể thao huyện đã sưu tầm 70 bài hát Then - đàn tính qua các thời kỳ, sưu tầm được 2 trích đoạn Then cổ, cải biên nhưng vẫn giữ những nét đặc trưng làn điệu hát Then, hướng dẫn thành lập 11 câu lạc bộ hát Then ở mỗi xã nhằm tập hợp các nghệ nhân, những người biết hát và yêu thích hát Then để luyện tập, phục vụ cộng đồng ở nơi cư trú.

Nghệ nhân Lương Thiêm Phú chia sẻ: “Ngoài việc làm, đánh đàn tính, truyền dạy hát Then cho các thành viên, tôi còn truyền dạy cho 30 học viên ở 2 lớp hát Then - đàn tính; tổ chức giao lưu với câu lạc bộ (CLB) bạn”.

Một địa phương khác là Thái Nguyên nhiều năm qua cũng rất chú trọng đầu tư thành lập CLB Dân ca của các tộc người. Trong đó loài hình hát Then đàn tính đã đứng vững được tại các “sân chơi” văn hóa bổ ích với cuộc sống cộng đồng. Các tổ, đội văn nghệ Tỉn Keo (xã Phú Đình), Khau Diều (xã Điềm Mặc), Làng Chủng, Đồng Mon (xã Trung Hội), Nà Lọm (Phúc Chu), CLB dân ca dân Vũ Xã (Bảo Linh)… đã đóng góp rất lớn cho công tác bảo vệ và phát huy các làn điệu hát Then, đàn tính ở địa phương. Hiện nay Tuyên Quang có gần 60 nghệ nhân Then, hơn 100 thầy Tào, thầy Pụt, gần 100 CLB hát Then, đàn tính hoạt động thường xuyên…

Thực tế cho thấy, trân trọng nghệ nhân là linh hồn của công tác bảo tồn, thế nên theo PGS.TS Lê Văn Toàn, nguyên Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam: “Để bảo tồn và phát triển nghệ thuật hát Then, đàn tính, bên cạnh việc cần phải xây dựng cơ chế chính sách, chế độ đãi ngộ hợp lý đối với các nghệ nhân - “báu vật sống” đang lưu giữ kho tàng nghệ thuật cổ quý giá. Mặt khác, các cơ quan cũng phải tiến hành kiểm kê, thống kê tư liệu, tài liệu một cách nghiêm túc, tỉ mỉ di sản văn hóa hát Then từ quá khứ đến hiện tại ở các địa phương, từ đó mới đưa ra được các biện pháp bảo tồn cụ thể và hữu hiệu”.

Theo Quyết định số 2475/QĐ-BVHTTDL mới đây, Bộ VH-TT&DL giao Vụ Văn hóa dân tộc chủ trì, phối hợp với Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam, Nhà hát Ca, Múa, Nhạc dân gian Việt Bắc và Ban Truyền hình tiếng dân tộc (VTV5 - Đài Truyền hình Việt Nam) và các đơn vị có liên quan xây dựng kịch bản, tổ chức dàn dựng, biểu diễn, thu âm, ghi hình chương trình nghệ thuật tuyên truyền về giá trị dân ca, dân vũ truyền thống của các dân tộc khu vực miền Trung; khu vực Đông Bắc và chương trình nghệ thuật tuyên truyền về giá trị nghệ thuật hát Then, đàn tính của các dân tộc Tày, Nùng và Thái. Qua đó, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các bên về công tác bảo tồn và phát huy giá trị dân ca, dân vũ truyền thống của các dân tộc thiểu số, cũng như quảng bá giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số, góp phần thu hút, phát triển du lịch tại địa phương.

Đọc thêm