Đoàn khảo sát có đại diện: Tổng cục Du lịch; Hiệp hội Du lịch Việt Nam; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sáu tỉnh Vùng Việt Bắc; Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình, Quảng Ninh, TP Hà Nội, TP Hồ Chí minh; Hiệp hội Du lịch cộng đồng và Hiệp hội Du lịch của các địa phương…
Đoàn đại biểu khảo sát tại Khu bảo tồn Làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải |
Khu bảo tồn nằm cách trung tâm thành phố Thái Nguyên 12km, ở xóm Cường, xã Thịnh Đức, TP Thái Nguyên, hiện đang bảo tồn 30 ngôi nhà sàn được phục dựng từ những ngôi nhà sàn truyền thống từ vùng tiếp giáp An toàn khu và vùng An toàn khu Định Hóa - Thái Nguyên. Hiện đang có gần 200 con người ba đến bốn thế hệ sinh sống, trong đó chủ yếu là người Tày, Nùng.
Trong vai trò là Giám đốc Khu bảo tồn Làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải, bà Nguyễn Thị Thanh Hải đã cùng cộng đồng bà con nơi đây bảo tồn những ngôi nhà sàn truyền thống. Bà Nguyễn Thị Thanh Hải đã dùng tài sản của mình để cùng bà con góp sức để bảo tồn và gìn giữ văn hóa nhà sàn, gắn kết với du lịch theo hướng phát triển bền vững.
Tại Làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải, Đoàn khảo sát đã tham quan và được lắng nghe giới thiệu tìm hiểu Khu bảo tồn. Đồng thời, tìm hiểu về con người, đời sống, ngôn ngữ và văn hóa đồng bào nơi đây.
Một số hoạt động truyền thống của đồng bào tại Làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải |
Để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể, đồng bào dân tộc Tày sinh sống tại nhà sàn gỗ mộc, không sơn, lợp mái lá cọ, có bàn thờ tổ tiên ở gian trang trọng nhất và bếp lửa ngay lối cửa vào nhà. Các gia đình vẫn sử dụng những đồ dùng truyền thống như cối xay thóc, cối giã gạo dùng nước, dùng chân, mâm ăn cơm bằng gỗ... Cộng đồng bà con trong bản làng , già trẻ gái trai đều mặc trang phục áo chàm. Nữ giới thường đeo vòng cổ đặc trưng của người Tày. Bảo tồn các loại hình văn hóa ẩm thực đặc trưng, ẩm thực tế lễ, ẩm thực thường ngày, ẩm thực chăm sóc sức khỏe bằng các bài thuốc, canh thang dân tộc, làm nhiều loại bánh đặc trưng…
Về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể có các hoạt động tâm linh tín ngưỡng, văn hóa văn nghệ dân gian truyền thống, văn hóa cộng đồng gia phong, ngôn ngữ dân tộc. Đó là các Lễ hội Lồng tồng, Lễ mừng lúa mới, Lễ mừng thọ… Hàng ngày, vào khung giờ 9-10h sáng nhà then làm lễ cầu an, các trích đoạn then luôn được tái hiện ngay trong cuộc sống. Không chỉ có các cụ già, người cao tuổi và thanh niên mà ngay cả các em nhỏ cũng được truyền dạy và có khả năng đánh đàn tính, và hát dân ca đặc trưng của dân tộc Tày Nùng.
Chương trình du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” lần thứ XII- Thái Nguyên 2021 diễn ra từ ngày 21-24/04 với nhiều hoạt động ý nghĩa như triển lãm ảnh giới thiệu, quảng bá du lịch 6 tỉnh Việt Bắc, chủ đề “Du lịch văn hóa, lịch sử và sinh thái vùng Việt Bắc”, Tọa đàm chủ đề “Hợp tác phát triển du lịch 6 tỉnh Việt Bắc”, Chương trình biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp, trình diễn trang phục dân tộc vùng Việt Bắc…