Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc Dao với du lịch bền vững

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tổ chức Hội thảo "Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc Dao trong mối quan hệ với phát triển du lịch bền vững".
Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc Dao với du lịch bền vững

Phát biểu đề dẫn hội thảo, Tiến sỹ Hoàng Thị Bình, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam khẳng định: Di sản văn hóa là yếu tố cốt lõi của văn hóa, tiềm ẩn bản sắc văn hóa của cộng đồng xã hội. Do vậy, việc bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa từ lâu đã thu hút được sự quan tâm, nghiên cứu của các nhà khoa học, nhà quản lý và cả cộng đồng chủ nhân di sản.

Nhiều hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá đã được thực hiện, góp phần to lớn vào việc bảo vệ và xây dựng đất nước, xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Trong nhiều phương thức bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, chuyển hóa thành nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội, du lịch được coi là một phương thức hữu hiệu mang lại nhiều lợi ích cho các bên.

Quang cảnh hội thảo "Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc Dao trong mối quan hệ với phát triển du lịch bền vững".

Quang cảnh hội thảo "Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc Dao trong mối quan hệ với phát triển du lịch bền vững".

Theo Tiến sỹ Hoàng Thị Bình, những năm gần đây, di sản văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có người Dao đã trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách, mang lại nguồn thu đáng kể cho cộng đồng và địa phương. Trong đó, phải kể đến hai địa phương là thôn Ngòi Tu (xã Vũ Linh, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái) và bản Tả Phìn (xã Tả Phìn, thị xã Sapa, tỉnh Lào Cai).

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích kinh tế, sự phát triển du lịch khu vực miền núi, trong đó có địa bàn sinh sống của cộng đồng người Dao cũng đã và đang đặt ra nhiều vấn đề bất cập. Đó là các tác động tiêu cực đến môi trường, sự mai một của các yếu tố văn hoá truyền thống, việc hưởng lợi từ hoạt động du lịch của người dân địa phương chưa tương xứng...

Mặc dù di sản văn hóa dân tộc Dao rất tiềm năng, nhưng hiệu quả khai thác trong du lịch còn chưa cao. Cơ sở vật chất phục vụ du lịch nhìn chung còn mang tính tự phát, hạn chế về chất lượng dịch vụ và tính chuyên nghiệp. Nguồn nhân lực làm du lịch còn thiếu và yếu. Nhận thức của đồng bào trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị cảnh quan thiên nhiên, bản sắc văn hóa truyền thống để phát triển du lịch còn hạn chế. Bên cạnh đó, du lịch cộng đồng người Dao còn phải cạnh tranh với các loại hình du lịch khác đang rất phát triển.

Hội thảo “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc Dao ở Việt Nam trong mối quan hệ với phát triển du lịch bền vững” được tổ chức nhằm mục đích tham vấn ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, các nghệ nhân, cộng đồng địa phương đối với công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc Dao ở Việt Nam trong mối quan hệ với phát triển du lịch bền vững.

Các tham luận tại hội thảo tập trung vào một số nội dung chính, gồm: Cơ sở lý luận và thực tiễn về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc Dao; Nhận diện những di sản văn hóa của người Dao; Thực trạng bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc Dao hiện nay trước sự tác động của kinh tế, chính trị, xã hội.

Các đại biểu bày tỏ ý kiến của mình tại hội thảo.

Các đại biểu bày tỏ ý kiến của mình tại hội thảo.

Các đại biểu đề xuất mô hình nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc Dao trong mối quan hệ với phát triển du lịch bền vững; giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc Dao trong mối quan hệ với phát triển du lịch địa phương; tài nguyên du lịch với vấn đề phát triển bền vững ở vùng người Dao…

Ông Lý Phù Chìu - Trưởng thôn Tả Chải (Tả Phìn, Sapa, Lào Cai) lo ngại sự phát triển các hoạt động du lịch trong thời gian qua đã tác động không nhỏ đến môi trường, không gian sống và các luật tục, hệ giá trị văn hoá truyền thống của người Dao Đỏ ở Tả Phìn. Đó là, trước đây người Dao Đỏ thường sinh sống trên núi cao, họ ở trong những ngôi nhà được xây dựng theo lối kiến trúc nhà sàn, hoặc nhà nửa sàn nửa đất thì ngày nay kiến trúc nhà truyền thống bị bị thay thế bởi các công trình hiện đại, hoặc lai tạp giữa truyền thống và hiện đại kinh doanh dịch vụ homestay, hình thành nên tư duy cư ngụ bám mặt đường kinh doanh thương mại dịch vụ du lịch.

Xã Tả Phìn có 2.718 ha đất tự nhiên, trong đó 390 ha đất sản xuất nông nghiệp, 1.541 ha đất lâm nghiệp và 1.284 ha rừng tự nhiên. Trên địa bàn xã có suối Sả Séng và suối Thầu chẩy qua thôn Sả Séng và rừng đặc dụng có hệ thực vật phong phú. Tuy nhiên việc phát triển hoạt động du lịch, cùng với tốc độ xây dựng cơ sở hạ tầng chưa nghiên cứu kỹ những nét văn hoá truyền thống và các luật tục, đã tạo nên nguy cơ môi trường bị ô nhiễm đặc biệt là các dòng suối, khu dân cư ở trung tâm xã.

Những năm qua việc khai thác các loài cây thuốc và những sản phẩm từ rừng để phục vụ du lịch không theo quy hoạch, kế hoạch nên diện tích và trữ lượng rừng bị giảm và ngày càng cạn kiệt dần. Môi trường tự nhiên được coi là không gian văn hoá của đồng bào các dân tộc thiểu số, trong đó có người Dao Đỏ tại xã Tả Phìn đang dần bị thu hẹp do quá trình phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh và hoạt động du lịch.

Ngoài ra, sự phát triển các hoạt động du lịch làm gia tăng lượng khách đến Tả Phìn, cùng với đó là quá trình giao thoa các dòng văn hoá ngoại lai với văn hoá bản địa đã làm biến đổi, hoặc mai một hệ giá trị văn hoá truyền thống vốn được gìn giữ từ bao đời nay.

Hội thảo được nghe một số ý kiến tiêu biểu của đồng bào dân tộc Dao đến từ Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên, Tuyên Quang… về những khó khăn trong công tác bảo tồn, gìn giữ phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc Dao cũng như việc đưa văn hóa vào khai thác phục vụ du lịch…; đồng thời đề xuất các giải pháp cụ thể, thiết thực và hữu ích.