Cách đây gần 5 năm (vào ngày 27 và 28/4/2006), tại huyện Di Linh, Sở Văn hóa - Thông tin (nay là Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch) tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức Lễ hội Văn hóa dân gian các dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh Lâm Đồng 2006 và đón bằng của UNESCO công nhận “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là kiệt tác truyền khẩu, di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại”. Từ sự kiện này, “văn hóa cồng chiêng” là một trong những nội dung hết sức quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các DTTS Tây Nguyên mà tỉnh ta đang quan tâm.
Tuổi trẻ tham gia học sử dụng cồng chiêng. |
Tuy chưa thống kê được một con số chính xác, nhưng qua nhiều lần khảo sát của các địa phương trong tỉnh, thì được biết số lượng cồng chiêng lưu giữ trong từng gia đình đồng bào các DTTS còn khá nhiều, đa dạng về chủng loại, có giá trị về lịch sử và văn hóa. Họ xem đây là một “báu vật”, là vật thiêng, tài sản quý làm của hồi môn cho con cháu. Tuy nhiên, trong một thời gian khá dài, do thiếu sự quan tâm giáo dục, tuyên truyền của các bậc tiền bối và chính quyền địa phương, nên không ít thế hệ hậu sinh đã tự đánh mất dần một di sản văn hóa truyền thống phi vật thể quí báu ấy của cộng đồng các DTTS ở Tây Nguyên. Đến khi UNESCO công nhận “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là kiệt tác truyền khẩu, di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại”, thì di sản quí báu ấy mới được lưu tâm hơn. Được xác định cồng chiêng luôn gắn với lễ hội và các sinh hoạt cộng đồng, ngành Văn hóa – Thể thao và Du Lịch đã “đưa” cuộc giao lưu văn hóa cồng chiêng có qui mô khu vực Tây Nguyên vào Festival Hoa. Vào các ngày hội đoàn kết các dân tộc, tết Lir Boong, lễ hội Nhô Wèr, Nhô Sarpú và một số lễ hội khác… của đồng bào các DTTS ở Lâm Đồng, giai điệu cồng chiêng bắt đầu được xuất hiện trở lại. Các lần liên hoan văn hóa cồng chiêng tại huyện Di Linh, huyện Đam Rông và tại Khu du lịch rừng Mađagui (huyện Đạ Huoai)… đã đạt kết quả khả quan, chứng tỏ sự khát khao, mong đợi của nhân dân địa phương, nhất là đối với đồng bào DTTS. Trong 2 năm 2009 và 2010, Sở Văn hóa – Thể thao và Du Lịch Lâm Đồng cùng với các huyện Lâm Hà, Di Linh, Đạ Huoai, Đức Trọng, Bảo Lâm đã mở các lớp truyền dạy cồng chiêng cho thanh niên; tổ chức phục dựng lễ hội Nhô Wèr (của người K’Ho Srê) và lễ hội Mơnhum Hơma (của người Churu) và tập huấn phương pháp bảo tồn, phát huy di sản văn hóa cồng chiêng… Với nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia và các nguồn tài trợ khác, Bảo tàng tỉnh, Trung tâm Văn hóa – Thể thao các huyện và một số nhà văn hóa xã vùng DTTS đã được trang bị thêm hàng chục bộ chiêng và một số nhạc cụ. Ngoài ra, trong tỉnh cũng đã có 8 đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ và cấp tỉnh: Bảo tồn lễ hội của DTTS bản địa. Lễ hội với vai trò là môi trường sinh hoạt văn hóa – văn nghệ cộng đồng, là điều kiện truyền thống để duy trì, bảo tồn các sinh hoạt cồng chiêng. Bảo tồn Làng văn hóa dân tộc Churu ở xã Pró, huyện Đơn Dương (trong đó có bảo tồn cồng chiêng gắn với sinh hoạt văn hóa cộng đồng). Điều tra, thống kê di sản văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên Lâm Đồng. Âm nhạc dân gian Churu, Mạ, K’Ho... Trong những năm gần đây, các địa phương trong tỉnh đã có định hướng và từng bước triển khai việc bảo tồn và phát triển di sản văn hóa cồng chiêng. Huyện Di Linh đã khảo sát và thống kê sơ bộ hiện còn có 1.048 chiếc chiêng. Các xã đồng bào DTTS trong huyện đều thành lập 1 - 3 đội cồng chiêng. Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện đã tổ chức 2 lớp truyền dạy và đào tạo được 54 nghệ nhân cồng chiêng. Hàng năm, huyện tăng cường việc phục dựng và tổ chức các lễ hội gắn với nghi thức biểu diễn cồng chiêng. Bảo Thuận là xã dẫn đầu huyện về việc bảo tồn văn hóa cồng chiêng cùng với việc phục dựng các lễ hội DTTS. Ngoài công việc múa xoan, xã Bảo Thuận còn hình thành 1 đội cồng chiêng nữ. Huyện Đam Rông có 38 ngàn dân, trong đó có 17 DTTS anh em sinh sống, chiếm tới 70%. Huyện quan tâm đến việc bảo tồn và phát huy bản sắc và các di sản văn hóa của các DTTS. Riêng cồng chiêng, toàn huyện hiện có khoảng 300 bộ. Trong đó, xã Đam Rông nhiều nhất, có tới 78 bộ (chiêng chiếc, chiêng đôi và chiêng sáu). Cũng xuất phát từ việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các DTTS, huyện Đam Rông chú trọng đến việc đào tạo nghệ nhân trẻ. Già làng - nghệ nhân Ha Đrờn (xã Liêng Srôn), cho biết, ông đã tham gia mở được 12 lớp bồi dưỡng nghệ thuật dân gian cho thế hệ trẻ ở buôn làng, trong đó có cả việc sử dụng cồng chiêng… Buôn Go (thị trấn Đồng Nai) và xã Đồng Nai Thượng (huyện Cát Tiên) cũng đã củng cố và xây dựng đội văn nghệ (sử dụng cồng chiêng, hát và múa xoan). Già làng Điểu K’Gầy (dân tộc Mạ, ở Buôn Go) kể: “Cát Tiên bây giờ mới bắt đầu phục hồi và phát huy nền văn hóa dân gian các DTTS. Riêng Buôn Go đã thành lập 2 đội chiêng và 2 đội dân vũ. Không để mai một dần, Buôn Go cũng bắt đầu quan tâm đến việc tập luyện và hướng dẫn thế hệ trẻ múa xoan, đánh cồng chiêng và các loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian khác. Nghệ nhân ở đây có già, có trẻ!”... Tuy vậy, việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa cồng chiêng các DTTS ở Lâm Đồng còn có những hạn chế nhất định, triển khai chưa đều khắp. “Không ít xã, thôn buôn ở vùng DTTS còn thờ ơ, hiện vẫn chưa ngó ngàng gì đến cồng chiêng và các lễ hội dân gian truyền thống. Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, thì e rằng nó sẽ bị lãng quên và mất luôn!” – Già làng K’Sel ở Thôn K’Ming (xã Gung Ré) lo lắng. Cái khó hiện nay là các địa phương chưa vận động “xã hội hóa” được, trong khi nguồn kinh phí Nhà nước rất hạn chế. Bà Đặng Thị Thành – Phó Chủ tịch UBND huyện Di Linh (một huyện có đông đồng bào DTTS) cũng rất lo ngại: “Huyện đã có kế hoạch bảo tồn và phát huy di sản văn hóa cồng chiêng; phục dựng và tiếp tục duy trì, phát triển các lễ hội trong vùng DTTS Tây Nguyên, nhưng chưa thể triển khai tốt được. Một lý do rất đơn giản là thiếu kinh phí!”.
Bùi Trưởng