Bảo vệ bản quyền tranh trên thị trường trực tuyến - khó chồng khó

(PLVN) - Sau nhiều năm hoạt động, thị trường tranh trực tuyến vốn mang đến nhiều lợi ích cho giới mỹ thuật Việt Nam nay đã bộc lộ hạn chế. Nhiều nghệ sĩ, nhà sưu tầm và người yêu thích mỹ thuật nghi ngại về tranh giả tại các sàn giao dịch trực tuyến hay việc đưa tranh lên Internet khiến tác phẩm của họ dễ bị sao chép hơn. 
Thị trường tranh trực tuyến khởi sắc ở Việt Nam nhiều năm nay.
Thị trường tranh trực tuyến khởi sắc ở Việt Nam nhiều năm nay.

Vi phạm tác quyền vẫn tràn lan

Hơn thập kỷ qua, thị trường mỹ thuật Việt Nam rơi vào tình trạng ảm đạm, một trong những nguyên nhân chính là tình trạng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Các bức tranh giả, tranh nhái tràn lan trên thị trường với đủ mọi mức giá khiến những bức tranh thật bị giảm giá trị, kênh kiếm sống của các hoạ sĩ chân chính bị thu hẹp. Không chỉ thế, một thị trường tranh “vàng thau lẫn lộn” khiến người mua và công chúng trong nước mất lòng tin, mỹ thuật Việt mất uy tín trên trường quốc tế.

Trước khi mô hình sàn giao dịch tranh trực tuyến du nhập vào Việt Nam, các hoạ sĩ thường phải gửi tranh bán qua các phòng tranh (gallery), hoặc qua người quen giới thiệu và khách đã mua hàng. Các hoạ sĩ cũng có thể đăng tải bức tranh mình sáng tác lên trang cá nhân, website cá nhân và tự quảng cáo đến công chúng qua Internet.

Nếu lướt qua các trang mạng xã hội, không khó để tìm thấy những phiên chợ tranh trực tuyến như “All about Art and Artist” (hơn 80 nghìn thành viên), "Vietnam Art space" (hơn 40 nghìn thành viên), “Vietnam Art now” (hơn 10 nghìn thành viên)... 

Khi bắt đầu có các sàn giao dịch tranh trực tuyến, hoạ sĩ có thể chỉ cần chụp lại rồi đăng tải trên sàn và điền các thông tin về bức tranh kèm giá bán. Đây là một kênh cho các hoạ sĩ công bố tác phẩm của mình và thông qua đó, họ có thể tiếp cận đến nhiều nhóm người mua tiềm năng hơn.

 Đáng nói, trên các sàn giao dịch này còn có chính sách về bản quyền tác giả và cơ chế để người dùng báo cáo các tác phẩm có dấu hiệu vi phạm bản quyền. Đơn cử, trong chính sách của sàn giao dịch Inhochines Art – một sàn giao dịch tranh lâu năm, đã hướng dẫn người dùng báo cáo ngay cho bộ phận quản lý tác phẩm thông qua trang web hoặc số hotline trong trường hợp phát hiện tác phẩm đăng tải có nội dung vi phạm bản quyền.

Theo đó, tùy theo mức độ vi phạm về chính sách bản quyền, Indochine Art có thể xem xét gỡ bỏ nội dung vi phạm, tạm dừng hoặc chấm dứt hoạt động tài khoản, hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

Cách đây vài ba năm, giới mỹ thuật đã đặt nhiều kỳ vọng thị trường tranh trực tuyến có thể thay đổi phần nào thị trường hội hoạ theo hướng tích cực hơn, bảo đảm được quyền lợi hoạ sĩ tốt hơn. Bởi lẽ, nếu chỉ công bố tác phẩm một cách cục bộ như bày bán ở một số phòng tranh, bức tranh này vẫn có thể bị đạo nhái và bày bán ở những vùng khác.

Thông qua việc công bố tác phẩm trực tuyến trên một sàn giao dịch có uy tín, tác giả vừa có thể khẳng định quyền sở hữu của mình với sáng tác, những tác phẩm đạo nhái có thể sẽ bị báo cáo và loại trừ ra khỏi hệ thống, mà các nhà sưu tầm chuyên nghiệp, người mua tranh có thể tin tưởng hơn khi lựa chọn mua hàng. 

Thiếu cơ chế, thiếu lòng tin

Dù vậy, sau nhiều năm hoạt động, thị trường tranh trực tuyến được kỳ vọng mang đến nhiều lợi ích cho giới mỹ thuật Việt Nam nay đã bộc lộ nhiều hạn chế. Nhiều nhà sưu tập tranh ở Hà Nội có chung đánh giá rằng, những nhóm tranh bán online thường là giá trị thấp, tranh của họa sĩ mới hoặc là để trang trí là chính, không phải là tranh để sưu tập. Còn nhiều hoạ sĩ sáng tạo những bức tranh có giá trị lớn thường có xu hướng không đưa lên Internet bởi lo ngại sẽ bị sao chép ngay lập tức. 

Lo ngại này là hoàn toàn có lý khi tình trạng chép tranh lậu bày bán tại các cửa hàng vốn chưa giải quyết được thì nay lại nảy sinh nạn chép tranh bán trực tuyến. Bên cạnh những tài khoản chính chủ, sàn mua tranh uy tín thì cũng xuất hiện một loạt các tài khoản giả mạo, sàn giao dịch giả để bán tranh cho khách.

Còn có hiện tượng nhiều bức tranh được hoạ sĩ chụp lại, đăng tải trên trang cá nhân nhưng bị các chợ tranh trực tuyến “ăn cắp” qua trang web của mình để rao bán hoặc để in lên các sản phẩm thương mại khác.  

Do vậy, không lạ khi nhiều hoạ sĩ, người sưu tầm tranh chuyên nghiệp đang nghi ngờ tính khả thi của việc mua bán tranh online. Người sưu tập tranh chuyên nghiệp chỉ dùng các kênh online để thu thập thông tin, sau đó sẽ tìm gặp trực tiếp tác giả và xem tác phẩm. 

Dù pháp luật Việt Nam đã có những quy định về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, ngăn chặn các hành vi vi phạm tác quyền và các tổ chức, cơ quan chuyên môn thẩm định tranh thật tranh giả nhưng nạn tranh giả vẫn ngang nhiên tiếp diễn. Nếu không có cơ chế hợp lý kịp thời giải quyết được thực trạng nhức nhối về vi phạm bản quyền, nền mỹ thuật Việt Nam không biết đến bao giờ mới có thể khởi sắc, được thế giới ghi nhận? 

Đọc thêm