Hàng loạt tác phẩm tranh bị tố “đạo, nhái”
Thời gian vừa qua, giới mỹ thuật xôn xao về việc họa sĩ Dương Ngân Hải đã "đạo nhái" hai tác phẩm của hai họa sĩ Liên Xô và Ukraine, đem dự thi hai cuộc thi sáng tác tranh cổ động do Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH-TT&DL) tổ chức năm 2017 và 2020.
Cụ thể, bức tranh cổ động “Hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng” của họa sĩ Dương Ngân Hải được trao giải khuyến khích tại cuộc thi sáng tác tranh cổ động Tuyên truyền - Văn hóa năm Chủ tịch ASEAN 2020 bị tố "đạo, nhái" lại một bức tranh cổ động về kỳ Thế vận hội 1980 tổ chức tại Liên Xô của một họa sĩ Liên Xô.
Tiếp đó, bức tranh cổ động “Một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng” của họa sĩ này tham dự cuộc thi sáng tác tranh cổ động Tuyên truyền văn hóa năm Chủ tịch ASEAN 2020 do Cục Văn hóa cơ sở tổ chức, cũng là một tác phẩm đạo nhái lại bức tranh cổ động của một họa sĩ Ukraine đã từng công bố năm 2015.
Đây không phải lần đầu tiên, các tác phẩm tham gia cuộc thi sáng tác tranh cổ động bị tố “đạo nhái”. Năm 2005, Cục Văn hóa-Thông tin cơ sở tổ chức cuộc thi sáng tác tranh cổ động chào mừng 70 năm thành lập Đảng.
Giải Nhất được trao cho bức tranh cổ động mang tên “Đảng là cuộc sống của tôi”, tác giả Nguyễn Trung Kiên. Tuy nhiên, sau đó nhà nhiếp ảnh Trần Thế Long đã có đơn kiến nghị gửi Ban Tổ chức cuộc thi vì cho rằng, Nguyễn Trung Kiên đã “đạo” trắng trợn bức ảnh “Nụ hôn của gió” do anh chụp.
Bức ảnh này đã đoạt các giải thưởng Huy chương Vàng tại Áo năm 1999, Giải A ảnh xuất sắc của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam 1999 và được đem đi dự Triển lãm ảnh Việt Nam năm 2000 cùng một số triển lãm ở Singapore, Hong Kong (Trung Quốc), Pháp, Nhật Bản… Trước những bằng chứng rõ ràng do nhà nhiếp ảnh Trần Thế Long cung cấp, Bộ VH-TT&DL đã thu hồi giải thưởng và toàn bộ tranh đã in ra.
Trường hợp nữa là bức tranh “Chờ xử lý” của Đỗ Trung Kiên tham gia Festival Mỹ thuật trẻ toàn quốc 2011 bị tố giống với tác phẩm “Phượt 2”của Nguyễn Quang Hải. Bức tranh “Chờ xử lý” giống tới 90% nội dung, bố cục, cách tạo hình trong tác phẩm “Phượt 2”. Và “Chờ xử lý” đã bị “xử lý” bằng cách bị loại ra khỏi festival.
Tác phẩm “Hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng” của họa sĩ Dương Ngân Hải bị tố “đạo nhái”... |
Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng từng cho rằng, tranh giả, tranh nhái không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà ở các nước. Nhưng nếu ở nước ngoài, tranh giả chiếm 5% thì ở Việt Nam có thể lên đến trên 50%. Giữa tháng 8/2017, giới chơi tranh phát hiện hai tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Rô Hùng trong tay một nhà sưu tập bị xóa chữ ký, mạo danh là tranh Phạm An Hải.
Còn nhớ, ngày 22/7/2016, 17 bức tranh trong triển lãm “Những tác phẩm từ châu Âu về” đã được nhà sưu tập Vũ Xuân Chung đưa ra khỏi Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM. HĐNT cũng thẩm định và kết luận 100% tác phẩm là tranh dởm, mạo danh. Nhưng cuối cùng vụ việc vẫn bị chìm xuồng. Nhấn chìm theo đó là niềm tin của các họa sĩ. “Tôi đã mất rất nhiều thời gian, công sức, nhưng có được là con số 0”, họa sĩ Thành Chương cay đắng.
Cũng như tâm trạng của các họa sĩ bị nhái tranh, họa sĩ Phạm An Hải bức xúc: “Tranh mình vừa đưa lên Facebook lập tức bị nhái ngay tới 70%-80%. Xong họ ký tên họ và bảo vẽ 5-7 năm trước...”. Họa sĩ Đào Hải Phong thì rầu lòng: “Việc giả, nhái tranh này khiến công chúng không còn tha thiết với đồ thật”.
Mức xử phạt chưa đủ răn đe
Có thể dễ dàng nhận thấy, hiện nay tranh giả, tranh sao chép, tranh đạo nhái được một số họa sĩ ung dung mang đi dự các cuộc thi, festival mỹ thuật lớn trong và ngoài nước. Không chỉ vậy, họ ngang nhiên bày bán công khai, thậm chí trở thành một nghề kiếm sống tại Việt Nam.
Những bức tranh “nhái” tranh của các danh họa thế giới như: Van Gohn, Leona De Vinci, Levitan, hoặc tranh của những họa sĩ bậc thầy Việt Nam như Bùi Xuân Phái, Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn... được bán đầy rẫy ở các tuyến phố Hà Nội: Bảo Khánh, Nguyễn Thái Học, Hàng Gai….
Còn nhớ vào tháng 2 năm 2011, họa sĩ Văn Thơ đã dùng con dao nhọn rạch vào một bức tranh tại Gallery Viet Fine Arts trên phố Tràng Tiền mà theo tác giả, đó là tranh giả mạo danh ông, một sự giả mạo trắng trợn và đầy thách thức. Điều đáng nói là đây không phải là lần đầu tiên Gallery Viet Fine Arts bán tranh đạo tác phẩm của ông.
...tranh của họa sĩ Liên Xô |
Văn bản báo cáo của Thanh tra Sở VH-TT Hà Nội cho biết, việc xử lý vi phạm của Gallery Viet Fine Arts căn cứ theo nội dung Khoản 2, Điều 20, Nghị định 47/2009/NĐ-CP ngày 13/5/2009 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả và quyền liên quan với án phạt 2 triệu đồng.
Còn các họa sĩ đạt giải tại các cuộc thi mỹ thuật khi giới chuyên môn và công chúng phát hiện tác phẩm “đạo nhái” thì chỉ bị rút giải thưởng và xin lỗi qua loa cho qua chuyện. Không ai phải chịu phạt vì hành vi sai luật. Và cũng chẳng có ai phải chịu mọi phí tổn vật chất (như BTC phải hủy toàn bộ tranh đã in), rồi tất cả lại chìm xuồng.
Nhiều họa sĩ bất bình, với mức phạt nhẹ hều như vậy thì không lạ nếu sau này các gallery tiếp tục cung cách làm ăn chộp giật, các cuộc thi mỹ thuật liên tục bị tố có các tác phẩm “đạo nhái”. Dường như câu chuyện này còn đặt ra một dấu hỏi: Liệu “án phạt” đã quy đúng và đủ tội? Án phạt quá nhẹ, với tính chất “hòa cả làng”, đó là lý do chính các vụ xâm phạm bản quyền trái luật đã và đang xảy ra với rất nhiều tác giả, tác phẩm tạo nên sự bức xúc trong giới hội họa và dư luận.