Còn đó những khó khăn...
Tại Tọa đàm “Hành trình ghi danh di sản tư liệu ở Việt Nam - hiện tại và tương lai”, PGS.TS Lê Thị Thu Hiền, Chủ tịch Ủy ban quốc gia “Chương trình Ký ức thế giới” của Việt Nam, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa cho hay, năm 1992, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã khởi xướng “Chương trình Ký ức thế giới”. Chương trình ra đời nhằm ghi nhận những di sản tư liệu có giá trị, mang tầm quan trọng cấp quốc tế, khu vực và quốc gia; hướng cộng đồng vào việc gìn giữ các di sản từ nhu cầu ngày càng tăng về việc bảo tồn, tiếp cận những di sản tư liệu quý hiếm, có nguy cơ bị xâm hại ở nhiều nước và các khu vực khác nhau trên thế giới.
Năm 2006, Việt Nam chính thức tham gia “Chương trình Ký ức thế giới” của UNESCO. Từ khi tham gia Chương trình đến nay, Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng về nhận thức, lý luận và thực tiễn trong lĩnh vực bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu theo tinh thần của Chương trình, thông qua việc tổ chức nhiều hoạt động nhằm nâng cao nhận thức của xã hội nói chung và các cơ quan, tổ chức, cá nhân đang quản lý/sở hữu di sản tư liệu nói riêng. Từ đó, nâng cao ý thức trong việc bảo vệ và phát huy giá trị quan trọng của di sản mà họ đang nắm giữ.
Ủy ban quốc gia “Chương trình Ký ức thế giới” của Việt Nam đang và sẽ phối hợp chặt chẽ hơn nữa từ Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam trong các hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu; tăng cường hợp tác, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm từ Ủy ban “Chương trình Ký ức thế giới” và khu vực của UNESCO, các quốc gia thành viên về bảo vệ và quảng bá di sản tư liệu thông qua các hội thảo khoa học, trao đổi chuyên gia và ấn phẩm liên quan…
Cũng như các Chương trình khác của UNESCO, “Chương trình Ký ức thế giới” khuyến khích bảo quản an toàn, nguyên vẹn các di sản tư liệu dưới nhiều hình thức khác nhau để đảm bảo khả năng tiếp cận rộng rãi, lâu dài, vĩnh viễn của di sản tư liệu. Đồng thời nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của di sản tư liệu trong đời sống con người.
Những mục tiêu này đang ngày càng đặt ra cấp thiết hơn trước sự biến đổi khí hậu đang diễn ra nghiêm trọng trên toàn cầu. Nó đòi hỏi khá nhiều công lực, vật lực và trên hết là sự nhiệt tâm và quyết tâm của mỗi cá nhân. Bởi công tác giữ gìn, bảo tồn các di sản này không phải là điều dễ dàng. Nhiều người lo lắng cho “Hệ thống thơ văn chữ Hán trên kiến trúc cung đình Huế”, “Mộc bản Kinh Phật chùa Vĩnh Nghiêm”, “Châu bản triều Nguyễn”, “82 bia đá Văn Miếu - Quốc Tử Giám”. Việt Nam nằm trong khu vực khí hậu nhiệt ẩm, mưa nhiều, nắng gắt, bão lụt thường xuyên xảy ra, nên các di sản có thể bị bể vỡ, nấm mốc, rách nát, mối mọt, công tác bảo tồn các di sản không hề đơn giản.
Khó khăn của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế là sự bảo tồn các công trình kiến trúc đang chứa đựng “Hệ thống thơ văn chữ Hán trên kiến trúc cung đình Huế”. Tuy mỗi ô thơ là một cổ vật, nhưng vì nằm trên những công trình cổ nên không thể áp dụng những phương pháp hiện đại như kho chuyên dụng để điều khiển nhiệt độ, độ ẩm. Hệ thống này vẫn đang tiếp tục chịu đựng sự tàn phá của thời gian, khí hậu, nhiệt độ, độ ẩm như 200 năm vừa qua chúng đã chịu đựng. Nhiều cơ quan chuyên ngành bảo quản và bảo tồn đang nỗ lực nghiên cứu giữ gìn bằng nhiều biện pháp, đặc biệt là sơn thếp bằng chất liệu truyền thống hoặc sơn son thếp bằng vàng thật ở các công trình quan yếu. GS.TSKH Lưu Trần Tiêu - Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam đưa ra ý kiến về bảo vệ “Hệ thống văn chữ Hán trên kiến trúc cung đình Huế” là phải xây dựng và triển khai các dự án bảo tồn tổng thể cả công trình kiến trúc, bởi vì nó gắn liền với công trình kiến trúc.
Theo các chuyên gia di sản văn hóa, khó khăn là di sản gốc qua thời gian không còn nguyên vẹn hoặc rất khó di chuyển trong điều kiện vật chất và chế độ bảo quản ở Việt Nam. Theo Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Huy Mỹ, hiện nay có nhiều di sản Hán Nôm như sắc phong, bia ký, trướng văn bằng, mà số này phần lớn được lưu giữ trong các nhà thờ dòng họ, tư gia… Các di sản như Mộc bản triều Nguyễn, Châu bản triều Nguyễn thuộc các trung tâm lưu trữ quốc gia - nơi có đội ngũ cán bộ có chuyên môn cao, có nguồn kinh phí từ nhà nước và tài trợ. Tuy nhiên, di sản tư liệu thuộc sở hữu tư nhân rất khó có điều kiện tiếp cận dự án nhà nước.
Khó khăn tiếp theo, di sản tư liệu so với công chúng hiện tại đa phần rất khó hiểu bởi không đọc được chữ (Hán - Nôm - Phạn), không hiểu biết ý nghĩa văn bản tư liệu, nên cũng khó hấp dẫn. Ngoài ra, cách triển lãm di sản tư liệu của ta cũng còn khá đơn điệu, chỉ như một cuộc trưng bày tư liệu, ít có những hoạt động hỗ trợ để tăng thêm hiểu biết hay tương tác với hiện vật, giảm đi nhiều sức hấp dẫn.
PGS.TS Nguyễn Văn Huy - Giám đốc Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam cũng nhận định, hiện nay tài liệu di sản trong kho lưu trữ của các cơ quan nhà nước chỉ chiếm một phần nhỏ, còn cơ bản là nằm rải rác trong cộng đồng. Việc vận động cộng đồng chia sẻ tư liệu, ký ức là vô cùng quan trọng. Nhiều khi cộng đồng không nhận thức được giá trị của ký ức, tư liệu mà họ nắm giữ nên sẵn sàng bán đi, hoặc để mất những tấm ảnh, bức tranh, lá thư… Do đó, rất cần có những động thái để người dân hiểu việc chia sẻ ký ức, tư liệu quý đó là vô cùng quan trọng, giúp nâng cao hiểu biết của cộng đồng về lịch sử, văn hóa.
Ngoài ra, một trong những vướng mắc lâu nay là cơ chế thực hiện phân cấp, phân quyền quản lý nhà nước về di sản văn hóa. Sự chồng chéo, không rõ chức năng, nhiệm vụ của các bên liên quan trong quản lý di sản dẫn đến tình trạng “cha chung không ai khóc”; vấn đề tu bổ, tôn tạo mạnh ai nấy làm...
Đưa di sản tư liệu vào cuộc sống
|
Nhiều câu chuyện thú vị ẩn sau những tấm bia đá. |
Bà Trần Thị Mai Hương, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I khẳng định: “Tài liệu lưu trữ chỉ có thể phát huy giá trị khi đi vào cuộc sống. Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 1 đang lưu trữ những khối tài liệu đặc biệt có giá trị của cha ông để lại, trong đó có tài liệu đã trở thành di sản tư liệu thế giới - “Châu bản triều Nguyễn”. Hiện nay, chúng tôi đang vừa làm, vừa lắng nghe xem xã hội cần gì. Tài liệu lưu trữ phải có giá trị trong cuộc sống, đã và đang đi vào cuộc sống”. Để thu hút ngày càng nhiều công chúng và giới trẻ ghé thăm, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 1 sẵn sàng để trở thành 1 điểm đến văn hóa, phối hợp tổ chức các chương trình, sự kiện văn hóa, mong muốn qua lưu trữ để đem đến những câu chuyện về văn hóa một cách chính xác, hấp dẫn nhất về di sản, tài liệu lưu trữ”.
Không chỉ có Trung tâm Lưu trữ Quốc gia, hiện nay, rất nhiều điểm di tích, lịch sử ở Việt Nam lan tỏa di sản cho giới trẻ. Bà Đường Ngọc Hà - Trưởng phòng giáo dục truyền thông (Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám) đưa ra thông tin, để thu hút khách tham quan, hàng năm, Văn Miếu tổ chức các triển lãm, trưng bày nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. “Thay vì trưng bày những tư liệu, diễn giải bằng chữ như trước đây, chúng tôi thay đổi bằng cách áp dụng công nghệ hiện đại, kể những câu chuyện hấp dẫn, thú vị nhưng vẫn mang giá trị lịch sử cao, dễ thu hút người dân và du khách.
Theo Tiến sĩ Vũ Đức Liêm (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội): “Trong cách tiếp cận mới về giáo dục lịch sử và di sản, tôi cho rằng “văn bản gốc” đóng vai trò trung tâm. Nếu trước đây, các em học sinh, sinh viên chủ yếu học tập theo các nhận định lịch sử của các nhà sử học thì bây giờ, chúng tôi đã đưa vào giáo trình các văn bản gốc, tài liệu gốc để các em học sinh, sinh viên tiếp cận và cảm nhận rõ nét hơn về lịch sử của dân tộc Việt Nam”.
Trong lúc tìm hiểu, thực hành di sản, người dân và đặc biệt giới trẻ sẽ tự tìm ra cách ứng xử phù hợp với di sản, cũng như phát huy giá trị di sản cho những thế hệ sau nữa. Những thông tin tưởng chừng khô cứng trong di sản tư liệu khi được khai thác một cách sáng tạo sẽ tạo được sức lan tỏa lớn. Điều này giống như một ngọn đuốc được truyền từ tay người này sang tay người khác.