Suốt đời học làm thầy

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Những lúc không bận bịu lên lớp hay bài vở, giáo án, anh vẫn thường miệt mài xem gì đó trên điện thoại, soạn gì đó trên máy tính, lúi húi ghi chép gì đó trong quyển sổ tay nhỏ mang bên người. Bạn bè hỏi, anh bảo anh đang học. Bạn bè đôi khi đùa, sao đi làm thầy giáo rồi mà cứ học học nữa học mãi vậy, định học đến giáo sư à? Thì anh chỉ cười thủng thẳng: Sự học là sự nghiệp suốt đời mà.
Dẫu cho cuộc sống có đổi thay thế nào, vị trí, vai trò của một người thầy trong xã hội, trong hành trình trưởng thành của mỗi đứa trẻ là không thay thế được. (Nguồn: ĐN)
Dẫu cho cuộc sống có đổi thay thế nào, vị trí, vai trò của một người thầy trong xã hội, trong hành trình trưởng thành của mỗi đứa trẻ là không thay thế được. (Nguồn: ĐN)

Thực ra, việc anh miệt mài học không phải là để phấn đấu để có những tấm bằng sau đại học, sự học của anh rất thú vị, nhằm để phục vụ cho công việc giảng dạy mỗi ngày: Học cách làm một người thầy “hiện đại”.

Đã qua tuổi ba mươi, anh vẫn hay nói vui muốn học trò gọi mình là “người thầy trẻ”. Cái sự trẻ ở đây không phải là ở ngoại hình, điều mà anh muốn học trò cảm nhận, chính là sự trẻ trung trong tâm hồn, trong lối giảng dạy, hay nói đúng hơn, anh muốn được học trò coi là thầy, cũng là một “người bạn lớn”.

Đã từ nhiều năm nay, anh nhận ra rằng, ngày nay, vai trò, vị thế của thầy, cô giáo đối với học trò không còn như trước. Nhiều thầy cô vẫn buồn phiền than rằng, thế hệ học trò bây giờ ít “tôn sư trọng đạo”, học trò thời nay thích “bằng vai phải lứa” với thầy, cô giáo. Nhưng nhiều năm đi dạy, anh nhận ra rằng không phải học trò thế hệ này không coi trọng thầy, cô giáo như thế hệ ngày xưa, mà do thời đại đã thay đổi, do lối sống, tư duy của xã hội đã khác xưa, nên mối quan hệ thầy - trò cũng không còn có thể như xưa được, mà phải biến chuyển cho phù hợp. Ngày xưa, lũ học trò ngây ngô, hồn nhiên, việc giảng dạy chủ yếu là thầy nói - trò nghe. Ngày nay, học trò có điều kiện vật chất, được tiếp xúc nhiều, lại lớn lên trong thời đại internet, mạng xã hội, trí tuệ nhân tạo phát triển, những kiến thức có thể tự trang bị vốn đã rất nhiều, lại thêm sự tự tin, tâm thế tự do của một thế hệ lớn lên đủ đầy tất cả. Thế nên, chuyện “thầy bảo gì nghe nấy” khó mà duy trì được. Vai trò của người giáo viên ngày nay không phải chỉ chủ yếu là giảng dạy kiến thức cho học trò, mà còn là người đồng hành, người hướng dẫn các em tiếp thu kiến thức… Từ khi nhận ra điều ấy, anh đã hiểu, để làm một người thầy giỏi chuyên môn đã không dễ, mà để làm một người thầy - người đồng hành với học trò lại càng khó hơn. Anh nỗ lực học hỏi không ngừng để mong có thể trở thành một người thầy như thế.

Những điều anh đang học để làm một người thầy tốt, có lẽ ít sách vở, giáo trình nào dạy được. Đầu tiên anh tự học các phương pháp để trao kiến thức sao cho dễ hiểu, dễ nhớ. Những giờ dạy văn anh biến thành những giờ kể chuyện, những tiết văn - kịch đầy sinh động, nơi mà mỗi học sinh đều thoả thích thả hồn vào nhân vật của mình.

Anh còn phải học cách tiếp cận mạng xã hội, sử dụng AI thành thục… Không thể là một người thầy dạy văn mà “ngơ ngác” hơn học sinh về các vấn đề nóng hổi trong xã hội, hay “mù công nghệ” trước lũ học trò tinh quái luôn tìm cách để “qua mặt” giáo viên bằng những trò nghịch phá 4.0. Anh có cả kênh Facebook, Instagram hay Tiktok, theo dõi không quá nhiều nhưng đủ để bắt kịp các “trend” giới trẻ. Để rồi, mỗi khi lồng ghép vào bài giảng, hay giải đáp các câu hỏi, lũ học trò mới lớn cứ mắt tròn mắt dẹt vì sao thầy “đu trend” tốt thế, vì sao “cái gì thầy cũng biết”.

Và anh còn phải học cách để đặt mình vào vị trí của những đứa trò nhỏ để hiểu cho tâm tư của bọn trẻ mới lớn này. Học cách để không phán xét, không chỉ trích, để biết lắng nghe, biết cách cảm thông. Hơn hết là học cách để làm bạn với học trò.

Để khi có một em học trò học hành sa sút, lời đầu tiên của thầy không phải là chất vấn mà là tìm hiểu, lắng nghe nguyên do. Để khi có một vụ đánh nhau trong lớp, trước khi bị phạt, lũ học trò sẽ được trút hết những bức xúc, nỗi niềm. Và anh hiểu rằng mình thực sự trở thành bạn của học trò, khi mà một cậu học sinh tìm đến anh sau giờ tan học, thổ lộ suy nghĩ “không muốn sống” vì những biến cố trong gia đình. Để rồi, sau một thời gian thầy trò “làm bạn”, em học sinh ấy, dẫu vẫn mang nỗi buồn, nhưng đã vững vàng bước qua được những ngày tháng tiêu cực nhất trong cuộc đời.

Mười năm trong sự nghiệp giảng dạy, từ sự thiếu kinh nghiệm, vụng về ban đầu cho đến khi trở thành “người thầy trẻ” hay “người bạn già” như cách gọi trìu mến của lũ học trò, ít ai biết anh đã cố gắng biết bao, nỗ lực học hỏi biết bao. Anh luôn tâm niệm rằng, khi nào còn đứng trên bục giảng, anh vẫn phải tiếp tục học để làm một người thầy. Xã hội phát triển không ngừng, giáo dục đổi thay theo thời đại, mối quan hệ thầy - trò cũng luôn có sự biến đổi. Không học hỏi không thể làm người thầy tốt được.

Anh cũng hiểu rằng, dẫu cho cuộc sống có đổi thay thế nào, vị trí, vai trò của một người thầy trong xã hội, trong hành trình trưởng thành của mỗi đứa trẻ là không thay thế được. Từ lúc mới lớn anh đã cảm nhận rất rõ, một người thầy có tâm, yêu nghề sẽ đem lại những đổi thay lớn lao như thế nào trong tâm hồn, tư duy và cả tương lai của những đứa trò nhỏ.

Năm xưa, có một cậu học sinh lớp 11 muốn bỏ học để bước ra cuộc sống mưu sinh, bởi con đường học phía trước quá mịt mù, trong khi lăn lộn ra ngoài đời thì miếng cơm, manh áo, lợi ích trước mắt quá rõ ràng. Năm ấy, có một cô giáo trẻ đã hết sức kiên trì, nhẫn nại, hàng ngày trò chuyện với cậu học trò, đến cả nhà cậu để thuyết phục cha mẹ, đưa ra những lời khuyên thực tế, khơi lên trong cậu những ước mơ đẹp đẽ. Cô giáo ấy, bằng sự chân thành, bằng tình yêu thương đã thay đổi cuộc đời của một con người.

Cậu bé ngày xưa, hôm nay đi tiếp trên con đường của người thầy cũ, học cách làm thầy cả đời, mong gieo những hạt giống tươi xanh.