Những gì còn lại

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thi thoảng thầy kể về một câu chuyện nào đó của những năm về trước vô tình tôi bắt gặp hình ảnh của chính mình trong đó, chỉ thế thôi không cụ thể một niềm nhớ nào.
Hình minh họa. (Nguồn: JV)
Hình minh họa. (Nguồn: JV)

- Em là học trò của thầy à? Khóa nào nhỉ?

Người đàn ông cao lớn trước mặt khẽ lấy cái ấm trà trong cái rổ mây để trên bàn rót nhẹ nhàng cho tôi một ly. Mái tóc điểm hoa râm làm hình ảnh thầy trong tôi chợt trở nên rất khác so với rất nhiều năm về trước, thầy chậm rãi nhấp một ngụm rồi hồi tưởng lại những kí ức có phần nhập nhằng về những năm tháng còn dạy học. Thi thoảng thầy kể về một câu chuyện nào đó của những năm về trước vô tình tôi bắt gặp hình ảnh của chính mình trong đó, chỉ thế thôi không cụ thể một niềm nhớ nào. Kể từ khi bị tai biến rồi về hưu cách đây ít năm, sức khỏe thầy yếu hẳn rồi thầy không còn nhớ nhiều những chuyện ngày xưa. Chỉ giữ lại trong mình những niềm vui thời dạy học theo một khái niệm chung chung không cụ thể với bất kì ai.

Mẹ tôi bỏ đi vì cám cảnh nghèo khi tôi còn đỏ hỏn, một mình ba nuôi tôi khôn lớn. Năm tôi bước vào lớp sáu, ba mất vì bạo bệnh, tôi trở thành trẻ mồ côi được dì nhận nuôi đưa đến một vùng đất lạ. Con trai tuổi dậy thì nổi loạn hoặc giả tôi đang tìm lí do biện hộ cho những hình ảnh sai quấy của mình vào thời điểm đó. Thầy là giáo viên chủ nhiệm của tôi khi đó, cũng là giáo viên bộ môn văn của tôi; hình ảnh ban đầu khi tôi gặp thầy rất ấn tượng: đó là một người đàn ông khá cao và gầy, có mái tóc hơi xoăn, dáng người mảnh khảnh và đi rất nhanh cứ như đang vội vàng một điều gì đó. Khi bắt gặp thầy đi trên hành lang của trường sẽ luôn có vẻ căng thẳng như thầy đang sợ trễ nhưng chỉ cần bước vào lớp học khi ánh mắt thầy bắt gặp chúng tôi thì thầy sẽ nở nụ cười.

Phải nói là tôi khi ấy tự xa lánh mọi người, phần vì ba vừa mất, nỗi đau chưa vơi tôi đã phải cùng dì đến một nơi xa lạ và vào một lớp học toàn những người lần đầu gặp. Vừa mặc cảm, vừa muốn tự bảo vệ mình tôi không tỏ ra thân thiết với bất kì một ai, dù đôi khi bạn bè cố kéo tôi vào những trò vui của lớp. Trường của tôi chỉ có vỏn vẹn hai lớp học, mỗi lớp chỉ có khoảng chừng chục học sinh, vì chỉ là trường tạm, còn phần lớn vẫn sẽ theo học trường chính trên phố. Trường nằm ở giữa cánh đồng lúa với một gốc cây cổ thụ to nơi cổng cứ như một vị thần canh giữ cửa. Tán cây tỏa ra cả bên ngoài trường, dưới bóng mát đó bên ngoài cổng là chỗ bán nước của cụ bà hàng nước. Sau khi tôi vào học ít lâu vẫn không thể hòa nhập với các bạn, vào một ngày cuối tuần thầy quyết định sẽ thay vì học tiếp tiết học của mình, thầy dẫn lớp ra phía trước “ủng hộ” cho cụ hàng nước. Cụ ngồi dưới tán cây, có một cái sạp nhỏ, bày ít thứ bánh trái, vài chiếc ghế đẩu, ghế con, vài thứ nước xanh, tím đủ màu. Dù chúng tôi chỉ có độ chục người nhưng cũng khiến cho quán nhỏ của cụ trở nên đông đúc: vài đứa ngồi trên ghế, vài đứa ngồi chồm hổm dưới tán cây và nhờ một phần tấm bạt che cho bớt nắng. Gió thổi từ cánh đồng vào mát rượi, chúng tôi ngồi nghe cụ kể đủ chuyện ngày xưa.

- Phát ăn kẹo lạc không? Huynh không ăn được lạc.

Đứa bạn cùng bàn suốt mấy tháng lần đầu tiên gợi chuyện với tôi, nó có vẻ hơi nhăn vì cụ cho nó kẹo nhưng nó không ăn được lại không muốn mất lòng cụ. Tôi ra chiều cầm lấy.

- Sao không ăn lạc được? Vậy sao ăn được bánh đúc riêu cua nhân lạc, ngon phải biết.

Cả đám vừa nghe thấy tôi nhắc đến món đó liền ồ lên:

- Cậu ăn món đó ở đâu vậy? Món đó nghe ngon lắm hả?

- Dì mình nấu ... - Tôi hơi ngại trước sự hào hứng của đám bạn - Nếu các cậu rảnh thì hẹn trước, mình nhờ dì nấu đãi cả lớp.

Đột nhiên chủ đề từ món bánh đúc mà dì vẫn hay nấu cho tôi ăn bỗng nhiên lan sang ra nhiều câu chuyện khác, tôi cũng tự nhiên được mở lòng mình theo một cách chân thực nhất. Tôi khẽ nhìn sang thầy, đang ngồi một góc nhâm nhi vài viên kẹo, uống cốc nước vối và mỉm cười, cũng chợt hiểu thầy đang muốn nhờ một hoạt động ngoại khóa mà nối kết các thành viên trong lớp lại với nhau hơn là những giờ học căng thẳng trên lớp. Trước khi vào lại lớp, thầy nói với tôi:

- Sự ra đi là điều mình không thể lường trước được, nhưng nếu đã không thể giữ lại thì mình nên trân trọng những điều còn lại, bước tiếp được hay không là cả ở mình.

Từ sau lần đó tôi dần hòa đồng với lớp hơn. Lớp tôi vốn cũng neo người đều là con dân lao động nên luôn đùm bọc nhau, có gì đều mang lên chia với cả lớp. Tôi cũng chợt nhận ra bấy lâu là tôi tự khép kín mình chứ họ luôn chào đón tôi bước vào thế giới của họ. Tôi vẫn giữ nỗi đau mất ba trong tim, nhưng tôi cũng để những con người mới bước vào khỏa lấp đi nỗi đau đó, kỉ niệm là thứ được dựng xây từng chút một.

Đột ngột, thầy ốm. Cô Linh, chủ nhiệm của lớp còn lại trong ngôi trường tạm chỉ hai lớp học của chúng tôi phải thay phiên dạy cả hai lớp. Đó cũng là lần đầu tiên chúng tôi đến thăm thầy, vì theo học thầy hai năm trời lần đầu tiên chúng tôi mới thấy thầy xin nghỉ ốm. Dường như dù nắng mưa chỉ có chúng tôi có thể xin nghỉ nhưng thầy sẽ luôn đợi chúng tôi ở lớp. Căn nhà của thầy nằm sâu trong hẻm nhỏ dường như chỉ có một phòng: góc nhà là một tấm phản, một bộ bàn ghế nhỏ giữa nhà và một góc còn lại là để các vật dụng nhà bếp cứ như nơi ở tạm. Vài đứa trong chúng tôi trêu thầy:

- Thầy ế à? Không nghe thầy nhắc tới lấy vợ, ra là ế.

- Vậy mà tụi em mai mối cô Linh cho cứ chối đây đẩy.

Thầy cười dù còn đang ho sù sụ nhưng ánh mắt lại long lanh niềm vui. Thầy nấu nước vối cho chúng tôi uống vì biết chúng tôi thích thứ nước ngọt thanh ấy, lại còn cố gượng dậy nấu cháo cho chúng tôi cùng ăn vì sợ chúng tôi đói, hỏi han tình hình học tập... Hóa ra chúng tôi tới thăm thầy lại thành làm phiền thầy. Sau này chúng tôi mới biết được, thầy đã lấy vợ nhưng vì hoàn cảnh nên ở xa, con thầy cũng trạc tuổi chúng tôi nên mỗi khi nhìn thấy chúng tôi thấy luôn nhớ đến gia đình và xem chúng tôi như những người cùng chung máu thịt mà dạy dỗ...

Tôi lên lớp chín, quyết tâm trở thành thành viên đội ngũ học sinh giỏi văn để đi thi cấp tỉnh. Ngày đó có xét duyệt nếu có giải thì có thể được tuyển thẳng vào trường chuyên nên tôi cũng rất cố gắng. Phải nói trong suốt năm cuối cấp tôi dường như cố gắng hết sức mình chỉ để cho cuộc thi trước ngày xét duyệt tư cách thành viên thi tôi bị đánh trượt chỉ vì một vài bộ môn khác chưa đủ điểm. Tôi đã đặt mục tiêu từ rất sớm nên khi thấy chỉ còn một mốc thời gian nữa đạt được mà bị đánh trượt thì khỏi phải nói đã hụt hẫng như thế nào. Tôi bắt đầu trở thành đứa trẻ hư như những ngày mới vào lớp sáu, tự thu mình lại và không nói chuyện với một ai, thậm chí còn bỏ bê việc học.

- Đó có phải cách duy nhất để vào trường chuyên không Phát?

- Dạ không, còn cuộc thi chính quy, nhưng này không cần thi mà được tuyển thẳng...

- Nghĩa là em vẫn có thể vào dù bằng cách khác mà đúng không? - Khi thấy tôi bắt đầu im lặng, thầy nói tiếp - Cánh cửa này đóng lại sẽ có cánh cửa khác mở ra, quan trọng là vẫn còn có cách chứ không phải mất tất cả, vẫn chưa phải là quá muộn cho ước mơ của mình.

Cơ hội tuyển thẳng có thể đã mất đi nhưng những khả năng còn lại vẫn còn, tôi bắt đầu lao vào học trở lại chứ không trông chờ vào một kì tuyển thẳng nữa. Năm ấy, tôi đăng kí thi vào trường chuyên và đã đậu...

Lớp tôi khi ấy mỗi tôi đậu trường chuyên trên phố, tôi cũng theo học nội trú, chỉ có cuối tuần là về lại quê. Mỗi khi về tôi vẫn hay ghé thăm thầy, kể cho thầy nghe về những gì xảy ra trong việc học và cả cuộc sống ở chốn thị thành. Thầy cũng là người có ảnh hưởng rất lớn trong việc chọn trường thi đại học của tôi. Sau đó tôi chọn một trường đại học lớn ở rất xa, dì tôi sau khi kết hôn cũng theo chồng đi nơi khác không còn ở quê nữa. Những năm đầu đại học tôi vẫn hay gọi điện cho thầy, sau dần bắt đầu guồng quay thưa thớt dần và sau đó tôi tốt nghiệp, trở thành một giáo viên bận rộn với mưu sinh, mất dần liên lạc...

Tôi quay về thăm lại quê xưa dễ cũng đến hơn hai mươi năm rồi. Trường cũ của tôi đã giải tỏa, nơi cánh đồng năm xưa giờ đã đô thị hóa trở thành một công viên khá lớn. Tôi vào xóm cũ, những người bạn đồng học năm xưa đều đã lấy vợ, lấy chồng, có người nheo nhóc con, có người theo chồng đi xa xứ, khi gặp lại tất cả đều bồi hồi, xúc động mất một khoảng lâu mới nhận ra nhau. Tôi ghé thăm lại căn nhà nhỏ xưa, thầy vẫn ở đó sau từng ấy năm dẫu đã về hưu, thầy không còn nhận ra tôi nữa, nhưng với tôi, điều đó không quan trọng vì thứ đọng lại trong cả tôi và thầy là những kỉ niệm đẹp dù nó đã không còn rõ hình trong mỗi chúng tôi. Vừa bước ra khỏi cửa định về thì tôi thấy một người đàn ông dẫn theo gia đình bước vào, đứa nhỏ chạy ào vào ôm lấy thầy hô vang: “Nội ơi”, tự nhiên tôi cảm thấy có điều gì đó an ủi. Tôi chợt nhớ lời người bạn đồng niên nói: “Thầy không còn nhớ chúng ta là ai đâu nhưng thầy từng nói với mọi người thầy sẽ ở đó cho tới lúc ra đi, vì thầy sợ “đám con” của thầy ở mọi nơi trở về không biết chỗ tìm thầy...”.