Sai phạm động trời “cướp” tiền dân nghèo
Câu chuyện bắt đầu từ việc bê tông hóa đường liên thôn theo chương trình nông thôn mới (Nhà nước và Nhân dân cùng làm) tại thôn Tân Lỵ. Chính quyền xã Tân Thủy phổ biến với người dân thôn Tân Lỵ, rằng Nhà nước chưa rót ngân sách, dân cứ đóng góp toàn bộ, sau này xã nhận được kinh phí sẽ trả lại cho dân (theo tỉ lệ Nhà nước 60%).
Chiều dài con đường được xã, lãnh đạo thôn và nhà thầu vẽ ra là 1000 mét và yêu cầu người dân thôn Tân Lỵ phải nộp hơn 1 tỉ đồng.
Để có con đường khang trang sạch sẽ, người dân vẫn “cắn răng” đồng ý, đồng thời cử bà Nguyễn Thị Thoái (55 tuổi, thương binh) làm Trưởng ban giám sát trong quá trình nhà thầu thi công con đường.
Trong quá trình giám sát, đem thước dây ra đó, bà phát hiện chiều dài con đường chỉ 590 mét, nhưng trong bản hợp đồng “đội” lên đến 1.000 mét. Không chỉ “phù phép” chiều dài, giá thành của con đường cũng bị “đội” lên, từ 600 ngàn đồng/ 1m chiều dài lên thành 1,1 triệu đồng/1m chiều dài.
Phát hiện này gây uất ức phẫn nộ trong dân.
Bị phát giác về việc khai khống các khoản nói trên, thấy phi vụ “béo bở” trở nên “khó xơi”, nhà thầu thi công “lặn” mất tăm. UBND xã chủ động “bù đắp” cho dân 150 triệu đồng. Người dân thôn Tân Lỵ phấn khởi tự làm con đường từ khoản tiền chính quyền xã rót xuống và do mình đóng góp (600 nghìn đồng/1 khẩu).
Bà Thoái được người dân thôn Tân Lỵ gọi là “nữ Bao Công” |
Gặp nạn vì đấu tranh cho quyền lợi của dân
Vậy nhưng khi con đường đã được làm hoàn thành 490 mét, chỉ còn 100 mét (và số tiền chưa sử dụng là 40 triệu đồng) thì lãnh đạo thôn “trở chứng” không muốn tiếp tục làm với lý do chuẩn bị vào mùa vụ. Trái lại người dân vẫn muốn tiếp tục làm cho xong.
Hai luồng ý kiến ngược chiều dẫn đến một cuộc họp dân khẩn bàn về việc này vào ngày 31/3/2014. Bà Thoái phát biểu đanh thép: “Không làm nữa thì trả lại tiền cho dân mua gạo, trả luôn bảy suất quà bão lụt mà thôn “trấn” của người nghèo, chính con dâu ông Nhân làm thủ quĩ thực hiện”.
Việc “chỉ mặt đặt tên” đó khiến ông Dương Đăng Nhân (71 tuổi, Đảng viên chi bộ thôn) phát bực cãi lại. Sau hồi cự cãi, ông Nhân lao vào tát bà Thoái ngã xuống “đo đất”.
Mặc bà Thoái đi viện gần 1 tháng trở về, ông Nhân vẫn “ngó lơ”, không một lời xin lỗi. Ấm ức, bà Thoái đâm đơn kiện buộc ông Nhân phải xin lỗi và bồi thường các khoản viện phí, bồi dưỡng, thiệt hại về thu nhập, tiền mất thu nhập của con gái bỏ thời gian đi chăm sóc…tổng cộng là 43 triệu.
Hòa giải bất thành, việc kiện tụng được chuyển sang tòa án. Bên “thưa kiện” và bên “hầu kiện” khăn gói ra TAND huyện Lệ Thủy.
Tại phiên xử sơ thẩm ngày 12/6/2015, ông Nhân “lớn tiếng”: “Tôi đánh bà Thoái là sai trước Đảng, trước Nhà nước chứ không sai với bà Thoái nên không xin lỗi, bồi thường”.
TAND huyện Lệ Thủy xử buộc ông Nhân phải bồi hường cho bà Thoái tổng cộng 15,8 triệu đồng. Ông Nhân kháng cáo lên TAND tỉnh Quảng Bình.
“Cò kè bớt một thêm hai”
Căn nhà đơn sơ của nữ thương binh nằm cuối con đường. Bà Thoái - người phụ nữ hình hài nhỏ nhắn, nhưng ánh mắt rất sáng.
Bà bảo: “Về sai phạm trong khi làm đường nông thôn mới, tôi đi kiện nhiều rồi. Có khi cả tháng trời tôi “cơm đùm gạo bới” ra tận Hà Nội để chờ cơ hội bày tỏ với các vị Đại biểu Quốc hội. Hết kinh phí tôi trở về nhà. Được một thời gian lại tiếp tục ôm đơn đi gửi các cơ quan, báo, đài. Tất cả những việc tôi làm chỉ hi vọng một điều, là mọi người biết được dân chúng tôi đang sống như thế nào và “cứu” lấy chúng tôi.”
Trở lại việc kiên quyết đòi công bằng vì “một cái tát không được xin lỗi”, bà kể hôm 21/8/2015 vừa qua, TAND tỉnh Quảng Bình xử phúc thẩm, người dân trong thôn và người làm chứng góp tiền thuê xe ô tô về dự.
Cũng tương tự phần xét hỏi đã diễn ra tại phiên sơ thẩm, Hội đồng xét xử TAND tỉnh Quảng Bình hỏi ông Nhân tại sao đánh bà Thoái. Ông Nhân trả lời: “Vì tôi bảo vệ Đảng nên tôi đánh”(?). Vị thẩm phán “vặn”: “Trong điều lệ của Đảng có ai cho phép Đảng viên để bảo vệ Đảng mà đánh dân không? Sao ông đánh bà Thoái?”. Ông Nhân cúi gằm mặt không nói gì.
Tòa hỏi ông Nhân, ông cho rằng tòa án sơ thẩm buộc ông phải bồi thường tiền ăn cho người nuôi bệnh là sai còn tiền ăn cho bà Thoái 130 ngàn / ngày là cao. Vậy tòa cho ông “bình” xem bao nhiêu là vừa?
Ông Nhân nói: “Đối với người nuôi bệnh (con gái bà Thoái) tôi đã bị buộc bồi thường 150 ngàn đồng tiền công/ ngày thì cứ lấy tiền công đó mà ăn, sao còn bắt tôi trả tiền ăn làm gì?” Cả khán phòng cười rộ lên.
Ông Nhân tiếp lời: “Còn tiền ăn của bà Thoái, tôi cho một ngày ăn 3 bát phở hết 60 ngàn đồng, 10 ngàn đồng tiền đường, 1 hộp sữa 20 ngàn đồng và 10 ngàn đồng tiền trái cây”. Tiếng cười ở phía dưới càng rộ hơn. Những thành viên của Hội đồng xét xử cũng lắc đầu phì cười.
Cuối cùng tòa phúc thẩm buộc ông Nhân bồi thường cho bà Thoái tổng cộng 14,3 triệu đồng.
Bà Thoái bảo, chừng đó tiền bồi thường chưa là gì để bù đắp cho chi phí những ngày bà nằm viện. Nghĩ tình nghĩa xóm làng, bà cũng không chấp nhặt gì nữa, nhưng ông Nhân không những vẫn cố chấp không xin lỗi, mà còn làm đơn kháng cáo để bớt 1,5 triệu đồng.
Hai gia đình cách nhau một đoạn đường ngắn, nhưng từ ngày xảy ra sự cố đã không còn qua lại, từ hàng xóm trở thành “kẻ thù” . Bà Thoái tâm sự: “giá như khi tôi nằm viện, ông Nhân biết ăn năn hối cải một chút, thăm hỏi động viên hay chỉ cần nói một lời xin lỗi thì tôi sẵn sàng tha thứ tất cả”./.