Hành lang pháp lý đầy đủ...
Về vấn đề cấm bán đồ uống có cồn cho người dưới 18 tuổi, pháp luật Việt Nam đã có hệ thống văn bản tương đối đầy đủ từ trước đến nay. Đó là Nghị định 40/2008/NĐ-CP về sản xuất, kinh doanh rượu đã có quy định cấm bán rượu cho người dưới 18 tuổi; Nghị định 73/2010/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội qui định phạt tiền từ 200.000 - 500.000 đồng đối với một trong những hành vi: xúi giục, cưỡng ép, tạo điều kiện cho trẻ em dưới 16 tuổi uống rượu, bia; chủ khách sạn, nhà hàng, quán ăn bán các loại rượu, nước uống hoặc các chất kích thích khác có nồng độ cồn từ 14 độ trở lên cho người chưa thành niên; bán rượu, bia cho trẻ em dưới 16 tuổi; Nghị định 94/2012/NĐ-CP về sản xuất, kinh doanh rượu và các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn việc tiếp cận, sử dụng rượu bia và đồ uống có cồn khác của người dưới 18 tuổi; đầu năm 2016 chiến dịch “Tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức về quy định không bán rượu cho người dưới 18 tuổi” do Diễn đàn Uống có trách nhiệm Việt Nam và Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia phát động đã tiếp tục kêu gọi các cửa hàng cam kết không bán rượu cho người dưới 18 tuổi sau khi đã có 100 cửa hàng làm thí điểm vào năm 2015...
Và những quy định pháp luật mới nhất đang có hiệu lực là Luật Trẻ em 2016 có hiệu lực từ 1/6/2017 nghiêm cấm bán rượu, bia cho trẻ em hoặc cho trẻ em sử dụng rượu bia, thuốc lá và chất gây nghiện, chất kích thích khác, thực phẩm không bảo đảm an toàn, có hại cho trẻ em; Nghị định 105/2017/NĐ-CP về kinh doanh rượu có hiệu lực thi hành từ ngày 01/11/2017 nghiêm cấm bán cho trẻ em.
Dự thảo Luật Phòng chống tác hại bia rượu được Bộ Y tế xây dựng gồm 7 chương, 38 điều, trong đó có có những điều luật nghiêm cấm ép buộc trẻ em và người khác sử dụng rượu, bia; cung cấp thông tin không chính xác, sai sự thật về tác dụng của rượu, bia đối với sức khoẻ; cấm quảng cáo rượu bia hướng đến trẻ em, học sinh, sinh viên, thanh niên, phụ nữ mang thai; các chương trình thể thao, văn hóa, sân khấu, điện ảnh dành cho trẻ em, học sinh, sinh viên cũng bị cấm quảng cáo rượu, bia, quảng cáo rượu bia phải có khoảng cách tối thiểu 200 mét so với các cơ sở giáo dục, chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí cho trẻ em.
Dự luật nghiêm cấm tổ chức, cá nhân không được bán, cung cấp rượu, bia cho người dưới 18 tuổi. Cơ sở kinh doanh rượu, bia phải kiểm tra độ tuổi của người mua, rượu, bia để phòng ngừa bán cho trẻ em. Cá nhân vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, dù có nhiều băn khoăn về tính khả thi của quy định cấm bán rượu bia cho người dưới 18 nhưng “cần thiết phải xây dựng quy định trong luật như vậy để tạo hành lang pháp lý nghiêm ngặt, xây dựng ý thức cho thanh niên. Những ai đã đi học tập và công tác ở nước ngoài đều biết dưới người 18 tuổi là không được uống rượu bia và không được phép mua rượu bia. Cá nhân vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự”.
Vì sao trẻ em vẫn mua, sử dụng rượu bia?
Ở Việt Nam, việc một đứa trẻ đi ra cửa hàng hay siêu thị để mua rượu, bia là thường thấy với lý do đi mua hộ người lớn và nhân viên cửa hàng chưa bao giờ từ chối bán rượu bia cho những khách hàng trẻ con. Thậm chí nhiều người bán hàng còn cho biết họ chưa bao giờ quan tâm đến tuổi của người mua rượu, mà chỉ quan tâm đến số lượng hàng bán ra.
Thế nhưng, nguy hiểm ở chỗ là từ việc đi mua hộ và chứng kiến bố, anh, chú bác xung quanh mình uống rượu bia, trẻ con cũng rất nhanh chóng tự cho mình cái quyền được thưởng thức bia rượu.
Biểu tượng thông điệp của chiến dịch "Tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức về quy định không bán rượu bia cho người dưới 18 tuổi" được đặt tại các cửa hàng kinh doanh rượu trên địa bàn thành phố Hà Nội |
Không khó để thấy những "thanh niên nhí" còn mặc nguyên đồng phục học sinh THCS, THPT tụ tập nâng ly tại các quán cóc, quán bia, nhà hàng. Hành vi tập uống rượu, rồi nghiện rượu của mỗi cá nhân đã dẫn đến tình hình sử dụng rượu, bia ở Việt Nam đang ở mức cao và có xu hướng gia tăng nhanh qua các năm; và việc sử dụng rượu, bia là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 bệnh, chấn thương và là nguyên nhân gián tiếp của ít nhất 200 loại bệnh tật nằm trong danh mục phân loại bệnh tật quốc tế với số tuổi bệnh nhân ngày càng trẻ hóa.
Làm gì để các quy định của pháp luật về phòng chống tác hại của bia rượu liên quan đến trẻ em đạt tính khả thi cao? Câu trả lời không chỉ phụ thuộc ở ngành Y tế là cơ quan soạn thảo luật mà còn phụ thuộc rất nhiều ở các cơ quan thực thi pháp luật và chính mỗi gia đình.
Đơn cử như Nghị định 105/2017/NĐ-CP nghiêm cấm bán rượu cho người dưới 18 tuổi bị cấm và đã có hiệu lực được hơn một năm nhưng đến nay vẫn còn rất nhiều người bán rượu chưa biết về quy định này. Tại nhiều các siêu thị, các nhân viên tính tiền đều lắc đầu khi hỏi được hỏi có biết Nhà nước nghiêm cấm việc bán rượu cho người dưới 18 tuổi hay không.
Sự không biết, không thực hiện này gợi nhớ đến việc thực thi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, đã có hiệu lực rất lâu và trong đó có quy định mọi hành vi bán, cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi; sử dụng người chưa đủ 18 tuổi mua bán thuốc lá; hút thuốc lá trên các phương tiện giao thông công cộng... đều bị nghiêm cấm.
Tuy nhiên, mọi chuyện có vẻ như vẫn không thay đổi mấy. Rất nhiều hàng quán gần trường học vẫn bán thuốc lá cho học sinh. Ở góc độ gia đình hiện nay nhiều phụ huynh vẫn sai con đi mua thuốc lá và rượu và thậm chí cho phép, cổ vũ con em uống rượu bia mà không hề biết việc đó là vi phạm pháp luật.
Cần biết rằng quy định pháp luật không phải đặt ra cho có mà nhằm ngăn ngừa những hệ lụy từ việc để trẻ em tiếp xúc nhiều với rượu và thuốc lá ngay từ nhỏ, theo thời gian trở thành quen, rồi lén tập sử dụng, dẫn đến nghiện ngập gây nguy hiểm cho sức khỏe, hệ lụy cho cá nhân, xã hội.
Nhưng từ những thực tế trên thì một câu hỏi đặt ra là phải chăng vì những qui định này sau một thời gian được báo chí tuyên truyền thì rơi dần vào quên lãng bởi không ai thực thi và các cơ quan có trách nhiệm dường như cũng đã "quên" hướng dẫn và giám sát thực hiện.