Dù Luật Thi hành án dân sự (THADS) “khoanh vùng” rất rõ các trường hợp được hoãn THA. Tuy nhiên trên thực tế việc hoãn có khi diễn ra vô tội vạ khi đối tượng “tung chiêu lách luật”, và nhiều trường hợp trong số này đã bị cơ quan THA “bắt bài”.
|
Công bố quyết định cưỡng chế kê biên tài sản trong một vụ thi hành án |
Hoa mắt với những độc chiêu “lách luật”
Những người làm công tác thi hành án còn nhớ một vụ việc nổi bật đại diện cho độc chiêu giả ốm như sau. Ông Nguyễn Văn Mai là người phải THA trong một bản án đã có hiệu lực của TAND Hà Nội, phải trả cho nguyên đơn khoản tiền hơn 300 triệu đồng. Sau thời gian để tự nguyện mà ông Mai vẫn không trả tiền, cơ quan THA ra quyết định cưỡng chế bằng biện pháp trừ lương hàng tháng.
Tuy nhiên quyết định chưa được thực hiện thì ông Mai "đột ngột" xuất trình giấy nhập viện với lý do bị bệnh gan và được hoãn THA. Một thời gian sau, tiếp tục xác minh để THA khi người này đã xuất viện thì thêm một lần nữa, ông Mai lại "trình" hồ sơ liên quan đến một loại bệnh khác. Cẩn trọng cơ quan THA đến tận nơi cấp giấy xác nhận bệnh tình tìm hiểu thì được cơ sở y tế này khẳng định: "Bệnh" đó là căn bệnh không nguy hiểm đến tính mạng như “bệnh nhân” trình bày, hoàn toàn có thể điều trị nếu thực hiện chế độ ăn kiêng. Biết không thoát, người đàn ông này sau đó đã "tự nguyện" đến cơ quan THA và đến nay đã thực hiện xong ½ nghĩa vụ của mình theo án tuyên.
Nhưng vụ việc nói trên có lẽ chưa “nổi tiếng” bằng vụ THA tại tỉnh Khánh Hòa. Số là theo bản án của tòa tuyên, ông Nguyễn Đức phải trả lại một lô đất cho một người phụ nữ nhưng vì ông không tự nguyện giao nên cơ quan THA đã ra quyết định cưỡng chế, trong thông báo cưỡng chế ấn định ngày sẽ tiến hành cưỡng chế. Tuy nhiên, trước một ngày thực hiện cưỡng chế, căn cứ vào một văn bản của chính quyền cấp huyện, cơ quan THA này lại gửi một thông báo cho người được THA với nội dung: Tạm dừng việc THA quyết định cưỡng chế và ngày thi hành án sẽ được dời lại sau đó hai tháng. Không rõ lý do, người được THA đã kiến nghị lên cơ quan chức năng thì nhận được câu trả lời dạng “cực kỳ lãng xẹt”: Do thành phố đang diễn ra một cuộc thi người đẹp nên phải tạm hoãn cưỡng chế, đảm bảo tình hình an ninh trật tự cho cuộc thi.
Nói về lý do “mượn gió bẻ măng”, cũng phải nhắc tới vụ THA cuối năm 2009 tại một tỉnh phía Bắc, sau bốn lần xét xử, một Việt kiều ở Đức được xử thắng kiện một công ty. Bản án tuyên công ty phải trả cho ông Việt kiều 3 tỷ đồng nhưng công ty không tự nguyện THA, nhiều lần vận động, thuyết phục cũng không xong. Khi cơ quan THA phải tính đến phương án cưỡng chế thì bất ngờ Tòa án nhân dân Tối cao có công văn yêu cầu hoãn THA để xem xét lại bản án trong vòng 3 tháng.
Chờ đợi hết 3 tháng không thấy tòa hồi âm, cơ quan THA mới tiếp tục đưa bản án ra thi hành. Tuy nhiên, việc đấu giá chưa thành hiện thực thì một lần nữa ông Việt kiều lại nhận được công văn của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đề nghị tiếp tục hoãn THA thêm 3 tháng nữa. Lý do cũng lại là “có thời gian xem xét lại bản án” và hết 3 tháng, cơ quan kiểm sát không trả lời có kháng nghị hay không. Vị Việt kiều lại tiếp tục yêu cầu THA trong mòn mỏi.
Cần xây dựng quy chế tránh “dẫm chân” nhau
Luật THADS quy định cụ thể có 5 trường hợp được hoãn THADS, tuy nhiên theo phản ánh của nhiều cơ quan THA thì việc hoãn rất... vô tội vạ: Vì một công văn đề nghị của cơ quan không có thẩm quyền; vì liên ngành không đồng ý; vì lực lượng công an, chính quyền cơ sở..... bận.
Nhiều ý kiến cho rằng luật đã quy định rõ, cứ “chiểu” luật ra mà làm nhưng thực tế lại không hề đơn giản. Đơn cử như trường hợp đương sự giả ốm, “chạy” giấy tờ bệnh án thì cơ quan THA cũng không thể biết thực hư thế nào. “Nhiều vụ chỉ hôm trước đương sự vẫn bình thường, hôm sau nhận thông báo THA đã "lăn đùng" ra... ốm. "Những trường hợp "ốm" bất thường chúng tôi phải làm rõ xem có đúng ốm không hay chỉ để trì hoãn việc THA. Tuy nhiên, việc này cũng rất khó khăn vì không phải lúc nào chấp hành viên cũng "kề" bên họ để xem tình trạng bệnh tật của họ ra sao", một chấp hành viên cho biết.
Khoản 1 Điều 48 Luật THADS
Thủ trưởng cơ quan THADS ra quyết định hoãn THA trong các trường hợp sau đây:
a) Người phải THA bị ốm nặng, có xác nhận của cơ sở y tế từ cấp huyện trở lên; chưa xác định được địa chỉ của người phải THA hoặc vì lý do chính đáng khác mà người phải THA không thể tự mình thực hiện được nghĩa vụ theo bản án, quyết định;
b) Người được THA đồng ý cho người phải THA hoãn;
c) Người phải thi hành các khoản nộp ngân sách nhà nước không có tài sản; hoặc có tài sản nhưng giá trị tài sản đó không đủ chi phí cưỡng chế thi hành án; hoặc có tài sản nhưng tài sản thuộc loại không được kê biên;
d) Tài sản kê biên có tranh chấp đã được Tòa án thụ lý để giải quyết;
đ) Việc THA đang trong thời hạn cơ quan có thẩm quyền giải thích bản án, quyết định và trả lời kiến nghị của cơ quan THADS
|
Bên cạnh lý do đương sự chây ỳ trốn tránh, cơ quan có liên quan không hợp tác, thì còn lý do khác nằm trong “tay” các cơ quan có thẩm quyền được hoãn (Tòa án, Viện kiểm sát). Đó là các trường hợp phải đợi Tòa giải thích, tuy nhiên, nhiều vụ đợi dài dài... mà Tòa không giải thích, hoặc giải thích vòng vo. Có vụ Tòa, Viện yêu cầu hoãn trong thời hạn 3 tháng để rút hồ sơ lên xem xét để kháng nghị nhưng sau thời gian đó những cơ quan này không trả lời.
Ông Lê Quang Tiến, Cục trưởng Cục THADS Hà Nội cho rằng cần xây dựng quy chế phối hợp với các cơ quan tố tụng, đặc biệt là Tòa án, Viện Kiểm sát trong việc hoãn THA. Nếu thời gian hoãn đã hết mà không có căn cứ thì phải trả lời bằng văn bản cho cơ quan THA để có cơ sở giải thích các vướng mắc với các cơ quan có liên quan và dư luận trước khi tổ chức cưỡng chế.
Theo ông Ngô Dũng, Phó Cục trưởng Cục THADS tỉnh Bình Định: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc THA bị kéo dài, trong đó nguyên nhân chủ yếu là ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân và các bên có liên quan chưa đầy đủ. Nhiều trường hợp có điều kiện THA nhưng bằng mọi cách chây ỳ, tẩu tán tài sản, khiếu nại vượt cấp. Ngoài ra, một số quy định của Luật THADS chưa có tính khả thi nhưng chưa kịp thời có văn bản hướng dẫn thi hành; cơ chế phối hợp trong công tác THA chưa đồng bộ; việc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không chấp hành án theo Điều 304 Bộ Luật hình sự chưa được hướng dẫn thực hiện.
“Ngoài việc nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, tăng cường công tác tuyên truyền, cơ quan THA cũng cần áp dụng các biện pháp mạnh như cưỡng chế để thi hành dứt điểm bản án. Cần sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong việc xử lý hoãn không đúng căn cứ kể cả xử lý hình sự; tăng cường giám sát THA và hoãn THA theo luật định”, một chuyên gia nhận định.
Đặng Quân