5 năm đấu giá 304 khu vực ước đạt hơn nghìn tỷ đồng
Trước đây, khi “phát hiện” có mỏ khoáng sản, điểm mỏ trong quy hoạch, chưa được cấp cho đơn vị nào, doanh nghiệp (DN) có thể đề nghị được thực hiện các trình tự, thủ tục xin cấp phép khai thác khoáng sản (KTKS) dựa trên cơ sở giấy đăng ký kinh doanh phù hợp và những thông tin chứng minh năng lực.
Cũng từ cơ chế này, tình trạng nhiều mỏ được cấp nhưng không triển khai do năng lực chủ mỏ hạn chế, tình trạng chuyển nhượng ngầm hoặc khai thác chỉ để xuất bán nguyên liệu thô gây lãng phí tài nguyên... xuất hiện. Hơn nữa, cơ chế này đã khiến hoạt động KTKS diễn ra một cách ồ ạt nhưng ngân sách nhà nước (NSNN) thu được không đáng kể; người dân địa phương không được hưởng lợi ích từ hoạt động KTKS.
Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), sau khi Nghị định 22/2012/NĐ-CP (NĐ22) của Chính phủ (quy định về đấu giá quyền KTKS) và các văn bản hướng dẫn thi hành được ban hành, từ năm 2014 đến 30/6/2019, Bộ TN&MT và các địa phương đã phê duyệt kế hoạch đấu giá với 582 khu vực khoáng sản, trong đó đã đấu giá thành công 304 khu vực (gồm 13 loại khoáng sản) đạt 52,23% kế hoạch, mức thu tiền cấp quyền KTKS tăng từ 10 - 135% so với giá khởi điểm.
Tổng giá trị xác định thông qua đấu giá 304 khu vực ước đạt hơn 1.000 tỷ đồng so với tổng giá trị khởi điểm dự tính là 576 tỷ đồng, tức tăng thu cho NSNN hơn 466 tỷ đồng.
Căn cứ vào kết quả đấu giá và kết quả thăm dò sau đấu giá, các địa phương đã cấp phép KTKS 152 mỏ (đạt 50%) và thu về NSNN hơn 350 tỷ đồng.
Tuy nhiên, chỉ có 20/63 tỉnh, thành phố trên cả nước (đạt 31,7%) tổ chức đấu giá quyền KTKS thành công. Một số địa phương mới chỉ dừng ở mức thí điểm như: Hà Nội, Hà Nam, An Giang, Quảng Ninh, Ninh Thuận…
Thời gian đầu, đấu giá KTKS gặp khó do trong quá trình đấu giá đã không thu hút đủ số DN (hồ sơ) tham gia đấu giá, theo quy định (ít nhất là 3 tổ chức). Bên cạnh đó, phần lớn DN không đủ năng lực tài chính (vốn chủ sở hữu ít nhất 50 tỷ đồng); đồng thời, yêu cầu DN cần có chuyên môn về thăm dò, KTKS và phải cam kết chế biến sâu...
Hiện nay, theo Nghị định 158/2016/NĐ-CP sửa đổi NĐ22 quy định số DN tham gia đấu giá tối thiểu chỉ còn 2.
Vụ đấu giá kỷ lục ở An Giang
Mới đây, Sở TN&MT tỉnh An Giang đưa ra đấu giá mỏ cát trên sông Tiền (xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) với giá khởi điểm hơn 7,2 tỷ đồng. Đơn vị trúng đấu giá là Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ T-S.Home (Cty T-S.Home) với số tiền trên 2.811 tỷ đồng.
Mỏ cát này có diện tích 60,3ha; mức sâu khai thác dự kiến -16m và trữ lượng ước tính trên 2.372.500m3. Theo Sở TN&MT An Giang, cuộc đấu giá trải qua 45 vòng, mức thu tiền cấp quyền KTKS trúng đấu giá là 1.951%, tạm tính là 2.811 tỷ đồng, tăng 390 lần so với giá khởi điểm. Đơn giá trúng đấu giá hơn 1,1 triệu đồng/m3 cát khai thác.
Cty T-S.Home có trụ sở ở TP Hồ Chí Minh, vốn điều lệ theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh là 27 tỷ đồng. DN này có thư cam kết tài trợ vốn vay thực hiện dự án 50 tỷ đồng.
Thời gian tới, Sở TN&MT sẽ làm việc với Cty T-S. Home và DN này phải chứng minh nguồn lực tài chính cụ thể và thống nhất thời gian nộp tiền trúng đấu giá quyền KTKS. Cụ thể, số tiền Cty T-S. Home phải nộp năm đầu tiên là hơn 140 tỷ đồng; trong 4 năm tiếp theo mỗi năm phải nộp 667 tỷ đồng. Thời gian khai thác mỏ là 12 năm, mỗi năm khai thác 200.000m3.
Trường hợp Cty T-S.Home không chứng minh được khả năng tài chính đáp ứng nộp tiền cấp quyền KTKS, DN sẽ không còn quyền của đơn vị trúng đấu giá khu mỏ nêu trên.
Theo Sở TN&MT An Giang, mức thu tiền cấp quyền KTKS khởi điểm tạm tính tương đương 7,2 tỷ đồng (R=5% theo NĐ22). Theo Điều 4 Nghị định 67/2019/NĐ-CP quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền KTKS, mức thu tiền cấp quyền KTKS (R) được quy định bằng tỷ lệ phần trăm (%) giá trị quặng nguyên khai của khu vực khoáng sản được phép khai thác.
Những năm qua, cát khan hiếm, giá cát tăng cao, chuyện các DN đua nhau giành quyền khai thác cát không phải là chuyện khó hiểu. Tuy nhiên, vụ đấu giá kỷ lục cho thấy, theo quy định về đấu giá tài sản thì mức thu tiền cấp quyền KTKS R=5% là quá thấp.
Kết quả đấu thầu trên toàn quốc trong 5 năm (2014-2019) chưa bằng một nửa mức tiền trong vụ đấu thầu trên đây cho thấy, nhiều vụ đấu thầu không biết vì lý do gì có mức tiền cấp quyền KTKS quá thấp (chỉ bằng 10% mức khởi điểm so với thực tế phải trả) dẫn tới Nhà nước bị thất thu rất lớn.