Bắt đầu chấm chung khảo Cuộc thi Tìm hiểu Hiến pháp

(PLO) - Đến hết ngày 30/4/2015, đã có trên 4,5 triệu bài dự thi Tìm hiểu Hiến pháp. Rất nhiều bài dự thi Tìm hiểu Hiến pháp dày cả nghìn trang.
Ban Giám khảo nghiêm túc xem xét các bài dự thi
Chiều nay (7/8), Ban Giám khảo Cuộc thi viết “Tìm hiểu Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam” của Trung ương đã họp và bắt đầu chấm chung khảo các bài dự thi “Tìm hiểu Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam” do Ban Tổ chức cuộc thi các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Ban Tổ chức  cuộc thi Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và bài dự thi của người Việt Nam ở nước ngoài lựa chọn gửi về. 
Thứ trưởng Phan Chí Hiếu và nguyên thứ trưởng Hoàng Thế Liên
đánh giá rất cao các bài dự thi tìm hiểu Hiến pháp lần này 
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu, Trưởng Ban Giám khảo cuộc thi viết “Tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” của Trung ương cho biết: “Qua 7 tháng phát động, Cuộc thi đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của đông đảo các tầng lớp nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang nhân dân, người lao động và người Việt Nam ở nước ngoài. 
Đến hết ngày 30/4/2015, Ban Tổ chức cuộc thi Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã nhận được 4.599.886 bài dự thi. Đánh giá ban đầu qua chấm sơ khảo tại tác tỉnh, thành phố cho thấy Cuộc thi đã thành công không chỉ ở số lượng bài dự thi mà còn ở ý thức, tinh thần tham gia tìm hiểu Hiến pháp của Nhân dân. Nhiều bài thi có chất lượng, có giá trị cao, được đầu tư công phu đã để lại những ấn tượng rất tốt đẹp”. 
Một khối lượng đồ sộ bài dự thi đã được gửi về Ban Tổ chức TW 
Trên cơ sở kết quả chấm sơ khảo, đến ngày 5/8, Ban Tổ chức Cuộc thi cấp trung ương đã nhận được 1.039 bài dự thi do các Bộ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lựa chọn gửi về chấm chung khảo. 
Là một thành viên của Ban Giám khảo Cuộc thi viết “Tìm hiểu Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam” của Trung ương, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên đánh giá rất cao chất lượng, sự công phu của các bài dự thi. Nguyên Thứ trưởng Hoàng Thế Liên xúc động chia sẻ: “Có những bài dự thi dày cả nghìn trang, đưa rất nhiều dữ liệu kèm theo để chứng minh, không những dữ liệu trong nước mà cả hiến pháp của nước ngoài, các công ước quốc tế mà chúng ta đã tham gia liên quan đến Hiến pháp. Đặc biệt, nhiều bài dự thi không những hay, sâu sắc mà còn có những tư liệu quý, những hình ảnh kèm theo rất sinh động. 
Nhiều bài dự thi dày cả ngàn trang với nhiều tư liệu quý 
Sự công phu của các tác phẩm dự thi cho thấy Cuộc thi không chỉ dấy lên được phong trào tìm hiểu Hiến pháp mà còn dấy lên lòng yêu Tổ quốc. Rất nhiều tư liệu được nhân dân sưu tập mang đến Cuộc thi này sẽ giúp ích rất nhiều cho các nhà làm luật.Tôi thấy Cuộc thi đã đi vào chiều sâu”. 
Theo Quy chế chấm bài dự thi, bài dự thi vòng chung khảo sẽ được 2 Giám khảo cùng cặp chấm độc lập và cho điểm trong phiếu chấm điểm bài dự thi. Đối với các bài dự thi dự kiến đạt giải, Ban Tổ chức cuộc thi của Trung ương có thể xem xét, quyết định chấm kiểm tra theo quy định tại Điều 12 Quy chế chấm bài dự thi. 
 Bài dự thi thể hiện tâm huyết và hiểu biết của nhân dân về Hiến pháp
Việc chấm kiểm tra đối với các bài dự thi tham gia vòng chung khảo được dự kiến trao giải đặc biệt, nhất, nhì sẽ được thực hiện bởi Hội đồng giám khảo gồm 5 người, làm việc theo chế độ tập thể và tiến hành chấm kiểm tra theo một quy trình nghiêm ngặt. 
Dự kiến, ở cấp trung ương, sẽ có một giải đặc biệt trị giá 30.000.000 đồng; Một giải nhất trị giá 20.000.000 đồng; Mười giải nhì, mỗi giải trị 15.000.000 đồng;  Hai mươi giải ba, mỗi giải trị giá 7.000.000 đồng; Một trăm ba mươi giải khuyến khích, mỗi giải trị giá 3.000.000 đồng được trao cho các tác giả có bài dự thi xuất sắc. 
Cuộc thi đã thành công không chỉ ở số lượng bài dự thi
mà còn ở ý thức tinh thần tham gia tìm hiểu Hiến pháp của Nhân dân 
Cuộc thi không chỉ dấy lên được phong trào tìm hiểu Hiến pháp
mà còn dấy lên lòng yêu Tổ quốc 

Đọc thêm