Bất động sản công nghiệp: “Mở cửa” hơn nữa để đón “đại bàng“

(PLVN) -Theo GS. Đặng Hùng Võ, để đón được “đại bàng” chúng ta cần phải mở cửa hơn nữa thị trường bất động sản công nghiệp và quan trọng là hệ thống pháp luật phải sẵn sàng...
Bất động sản công nghiệp: “Mở cửa” hơn nữa để đón “đại bàng“

Với chủ đề “Thời cơ vàng trong vận hội mới”, Diễn đàn Bất động sản (BĐS) Công nghiệp (CN) Việt Nam lần thứ 2 đã chính thức diễn ra ngày hôm qua, 19/6.

Phân khúc hấp dẫn nhất

Tại Diễn đàn, ông Nguyễn Mạnh Hà - Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam (VNREA) - nhận định, thị trường BĐS Việt Nam đang bước vào giai đoạn điều chỉnh, trong đó, phân khúc BĐS CN nổi lên là một điểm sáng, tạo dựng được niềm tin mạnh mẽ về sự tăng trưởng trong mắt nhà đầu tư quốc tế. 

“Cả trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, đây sẽ trở thành phân khúc có đà phát triển tốt, nhất là khi nền kinh tế có triển vọng hồi phục sau đại dịch Covid-19; môi trường đầu tư – kinh doanh được cải thiện, Việt Nam là điểm đến an toàn của thế giới; nhiều hiệp định thương mại tự do chính thức có hiệu lực…” - ông Hà phát biểu.

Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế TW (CIEM) Trần Thị Hồng Minh, một yêu cầu quan trọng để thu hút FDI là chúng ta phải cải thiện hạ tầng phục vụ hoạt động đầu tư, sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp (DN). Trong đó, phát triển hạ tầng khu công nghiệp (KCN) có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. 

Theo số liệu của Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ KH&ĐT), theo quy hoạch đến tháng 5/2020 cả nước có 561 KCN với tổng diện tích khoảng 201 ngàn ha. Trong đó có  374 KCN đã được thành lập với diện tích khoảng 114,4 ngàn ha, còn 259 KCN chưa thành lập với diện tích khoảng 86,6 ngàn ha. Những số liệu này đã phản ánh tiềm năng đầu tư vào BĐS CN. 

Tuy nhiên, theo GS Đặng Hùng Võ, hiện chất lượng quản lý KCN ở Việt Nam vẫn còn rất hạn chế, thậm chí có thể nói là còn "bao cấp". Thủ tục hành chính quản lý các KCN vẫn còn nặng nề khi có quá nhiều thủ tục. “Chúng ta phải hiểu rằng, chúng ta quản lý chặt là để thúc đẩy phát triển nhưng dường như Nhà nước càng quản chặt thì sự phát triển của các KCN càng "teo" lại. Chúng ta cần có quy hoạch, chúng ta cần thay đổi nếu không sẽ lệch về tư duy khi các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam…” - GS Võ phát biểu.

Đường dài đầu tư khu công nghiệp

Viện trưởng CIEM Trần Thị Hồng Minh nhấn mạnh, hiệu quả của KCN không chỉ được đánh giá bởi tỷ lệ lấp đầy, quy mô DN, quy mô xuất khẩu, đóng góp vào ngân sách nhà nước.., mà còn cần được nhìn nhận ở góc độ liên kết giữa các khu, để tận dụng được lợi thế của các địa phương. “Phát triển các KCN sẽ khó có thể hiệu quả ở góc độ vùng và quốc gia nếu các khu ở các địa phương lân cận bắt chước nhau một cách máy móc…” - bà Minh lưu ý.

KCN sinh thái đang là định hưởng phát triển của BĐS CN.
 KCN sinh thái đang là định hưởng phát triển của BĐS CN.

Đồng tình quan điểm này, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế, ông Trần Quốc Trung cho rằng, cần phát triển về số lượng và quy mô KCN phải đảm bảo bền vững, tuân thủ nguyên tắc phát huy thế mạnh của địa phương, tạo điều kiện liên kết phát triển kinh tế vùng, cụm liên kết ngành; không dàn đều theo địa giới hành chính…

Tại Diễn đàn, nhiều ý kiến đồng tình với định hướng phát triển KCN sinh thái. “Đại dịch COVID-19 cũng làm gia tăng các thảo luận về yêu cầu phát triển kinh tế tuần hoàn. Theo tôi, không có nơi nào thuận lợi hơn KCN trong việc thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn”- bà Minh khẳng định.

Theo GS Đặng Hùng Võ, nhiều người hiểu sinh thái là đảm bảo yếu tố xanh, sạch của môi trường và tính bền vững trong phát triển. “Nhưng thực tế là KCN sinh thái nghĩa là KCN được tiếp cận theo cách thức xây dựng một hệ sinh thái, có tính quan hệ cộng sinh lẫn nhau để từ đó tạo nên mối quan hệ bền vững…” - GS Võ lưu ý.

“Chúng tôi đã đi khảo sát nhiều KCN và tiêu chí về sinh thái được chúng tôi đánh giá cao. Về góc độ đầu tư chúng tôi cũng có sự ràng buộc rõ ràng với DN vì khi đáp ứng được vấn đề tài chính xanh thì chúng tôi sẽ không tăng giá khi không có lý do, do đó chúng tôi cũng sẽ đẩy mạnh hơn về KCN sinh thái để thu hút DN hơn…”- ông Đặng Trọng Đức, Phó tổng Giám Đốc Tập đoàn Khải Toàn (KTG), bày tỏ sự ủng hộ ý tưởng KCN sinh thái. 

Tuy nhiên không ít nhà đầu tư tỏ ra băn khoăn. Theo ông Phạm Minh Phương, Trưởng ban quản lý các KCN tỉnh Hải Dương, để đón được “đại bàng” cần diện tích lớn, cần nhiều đất sạch, cần nhiều KCN. Thực tế hiện nay, quy mô của nhiều KCN còn nhỏ, nhưng để mở rộng diện tích của KCN hiện có, để bổ sung KCN mới vào quy hoạch thì phải qua một hành trình thủ tục vòng đi vòng lại kéo dài tính bằng năm. 

Từ góc độ của một chủ đầu tư của 12 KCN, ông Nguyễn Thế Chinh, Giám đốc Ban BĐS của Viglacera, cho biết, với chu trình thủ tục 3 vòng trình Thủ tướng, 4 lần qua các bộ nhanh nhất cũng là 2 năm. “Từ khi nhìn thấy cơ hội đến khi được phê duyệt đã mất 2 năm. Trong 2 năm đó, biết bao cơ hội có thể vuột mất?”- ông Chinh phản ánh. 

“Chúng ta phải mở cửa hơn nữa thị trường BĐS CN. Hệ thống pháp luật của chúng ta đã sẵn sàng để đón "đại bàng" chưa? Tôi cho rằng là chưa…” - Giáo sư Đặng Hùng Võ thẳng thắn.

Theo ông Trần Quốc Trung, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế, để thu hút FDI chất lượng, cần hoàn thiện hành lang pháp lý cho phát triển KCN, tăng cường quản lý và đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch KCN, đổi mới mô hình KCN hiện tại (đa ngành) và phát triển một số mô hình KCN mới theo hướng sinh thái, hiệu quả cao hơn (KCN sinh thái, KCN hỗ trợ, KCN liên kết ngành, KCN - đô thị - dịch vụ…) và kiện toàn, nâng cao hiệu quả bộ máy quản lý nhà nước KCN.

Cùng với đó, cần đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng KCN gắn với hạ tầng xã hội đảm bảo hoạt động của KCN; hoàn thiện thể chế, chính sách và tăng cường kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ môi trường KCN, hoàn thiện thể chế, chính sách nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư, tăng cường hợp tác phát triển KCN và nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư vào KCN.

Đọc thêm