Ông giáo 84 tuổi dạy tiếng Anh ở xứ dừa

Đến xã Tân Phú Tây, huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre, hỏi nhà ông già 84 tuổi đi dạy tiếng Anh thì rất nhiều người có thể chỉ một cách chính xác

Đến xã Tân Phú Tây, huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre, hỏi nhà ông già 84 tuổi đi dạy tiếng Anh thì rất nhiều người có thể chỉ một cách chính xác, kèm lời “cảnh báo”: “Ông cụ đi dạy cả ngày, tối trời mới gặp được!”.

Không phân biệt lớp học có nhiều hay ít học sinh, chỉ cần các em yêu thích và muốn học là ông đến tận nhà để dạy.
Không phân biệt lớp học có nhiều hay ít học sinh, chỉ cần các em yêu thích và muốn học là ông đến tận nhà để dạy.

Nửa thế kỷ dạy học

Nhìn theo từng món đồ chơi bằng nhựa mà ông giơ lên, năm sáu đứa trẻ chừng bảy, tám tuổi giơ tay hào hứng: “This is a spoon” (đây là cái muỗng), “This is a cup” (đây là cái tách)… rồi chí choé cãi nhau: “No, it is a glass” (Không phải, nó là cái ly). Ông giáo già tóc bạc phơ đứng bên tấm bảng nhỏ, treo nơi cửa sổ, nheo mắt cười.

Hàng chục năm qua, người ta đã quen với hình ảnh ông già tóc bạc hiền lành, ngày ngày đạp chiếc xe đạp cũng nhiều tuổi như ông đi dạy khắp nơi trong xã. Bây giờ, cùng với sự gia tăng của các lớp học và tuổi tác, ông gom góp, mua một chiếc xe đạp điện để đi lại tiện lợi hơn. Chiếc cặp của ông luôn căng phồng với những giáo cụ do ông tự nghĩ ra: bộ đồ chơi nấu ăn bằng nhựa để giúp các em dễ nhận biết, phân biệt giữa từ và vật; mấy xấp giấy bìa các tông, một mặt là chữ tiếng Anh, có những hình minh hoạ do ông tự vẽ, một mặt, ông phiên âm ra tiếng Việt sao cho các em dễ đọc, dễ nhớ... Thú vị hơn là khi ông lấy từ trong cặp ra quyển Love story (Chuyện tình) và vài tạp chí tiếng Anh mà ông vừa mua được từ chuyến đi thăm bạn ở Sài Gòn về.

Ngồi từ xa uống trà chứng kiến cháu nội trả bài, thuộc hết những từ vựng, những câu tự giới thiệu mà thầy giáo cho ở buổi học trước, ông Nguyễn Văn Đắc (xã Hưng Khánh Trung) gật gù: “Ổng già chứ còn tinh anh, dạy còn hay lắm, tụi nhỏ mê ổng còn hơn mê đi chơi! Cô giáo Thắm gần nhà tui hồi đó là học trò của thầy, con cổ giờ cũng đang theo học thầy, cổ giới thiệu thầy cho tui đó chứ! Ổng đi dạy vậy, ai gửi bao nhiêu thì gửi, không có thì thôi…”.

Có lẽ, phụ huynh mời ông không chỉ bởi tin tưởng khả năng giảng dạy mà vì ông còn là tấm gương về sự ham học hỏi mà họ muốn con cháu noi theo.

76 tuổi lĩnh bằng C tiếng Anh

Bằng cái giọng hào sảng của một ông già Nam bộ, ông kể lại câu chuyện cắp sách đến trường khi đã ngoài bảy mươi: “Nghỉ hưu ở nhà mấy năm, qua ở nhà trồng dừa, làm vườn. Bữa nọ, thấy mấy cuốn sách tiếng Anh của thằng con trai cũng là giáo viên để trên bàn, qua cầm qua coi, thấy sao mà dễ ẹc, hồi đó qua có học qua rồi! Qua nghĩ: hay là mình dạy tiếng Anh chơi, mình biết thì mình bày lại cho sắp nhỏ! Nghĩ là làm, qua sắm cái bảng đen, kêu mấy đứa con nít trong xóm tới dạy, tụi nhỏ thông minh, tiếp thu được hết! Từ từ, phụ huynh ở mấy xã khác biết, kêu qua về nhà dạy cho con họ.

Cái vốn tiếng Anh của qua chỉ đủ dạy mấy em từ vỡ lòng đến lớp 5, lớp 6. Tụi nhỏ lại theo qua học suốt, càng ngày càng lên cao, qua giật mình, nghĩ mình đi dạy thì phải có trách nhiệm, đâu có dạy bậy dạy bạ được. Vậy rồi, qua đăng ký đi học tiếng Anh. Lúc đó, qua đâu chừng 73, 74 tuổi gì đó. Cứ ban ngày đi dạy học, ban đêm qua đạp xe qua trung tâm ngoại ngữ tuốt bên thị xã học. Sợ qua cực khổ, mấy đứa con qua nó cản, kêu qua ở nhà nghỉ ngơi, tụi nó lo, nhưng riết rồi thấy qua mê quá, tụi nó đành chịu thua. Qua lấy bằng C tiếng Anh đâu hồi 76 tuổi!”.

Những năm tháng chiến tranh, ông chỉ được học hết thành chung, rồi tú tài. Năm 1955, ông bắt đầu đi dạy học. Bằng cách tự học, năm 1969, ông đậu vào đại học Văn khoa Sài Gòn. Tốt nghiệp, ông về Bến Tre làm giáo viên văn trung học. Những năm 1969 - 1973, ông còn đảm nhiệm chức hiệu trưởng trường trung học Thạnh Phú (một huyện nghèo thuộc tỉnh Bến Tre). Sau đó, ông ra đứng lớp cho đến ngày về hưu.

Học trò của ông giờ đã thành ông bà, phần đông đều thành đạt. Con cháu của họ lại tiếp tục học ông, có đứa gọi ông là “thầy”, có đứa gọi là “ông”, cũng có người thân mật gọi ông là “ông ngoại”. Đó chính là niềm vui khiến ông cứ miệt mài tự trau dồi kiến thức để gieo trồng con chữ ở xứ dừa nghèo khó. Hỏi bao giờ mới nghỉ ngơi, ông cười móm mém: “Qua dạy đến khi nào hết đi nổi mới thôi. Ở nhà, nhớ học trò lắm!”.

Ông hiện sống với người con trai út làm nghề chạy xe ba gác máy, trong căn nhà cũ kỹ, xuống cấp. Căn nhà gỗ của ông không có vật dụng gì đáng giá, chỉ có vài bức tường gạch xây xong cũng lâu mà chưa có điều kiện để tô trát. Việc đi dạy học của ông, bắt đầu từ lòng yêu nghề, cũng là để tự lo cho cuộc sống của mình, không làm phiền con cháu. Con ông đều mong ông nghỉ ngơi và muốn được chăm sóc cha, nhưng với bản tính không muốn làm phiền ai, ông từ chối để con cháu phụng dưỡng khi còn tự lo được.

Tính đến lớp cháu nội mới ra trường, gia đình ông có đến ba thế hệ làm nghề dạy học. Ông là thầy giáo già Trần Ngọc Anh.

Theo Sài Gòn tiếp thị

Đọc thêm