Dấu ấn Quảng Ngãi sau 30 năm tái lập tỉnh

(PLVN) - Ngày hôm nay nhìn lại, người Quảng Ngãi hẳn rất tự hào về chặng đường 30 năm đã qua. Tuy nhiên, bước vào giai đoạn phát triển mới, địa phương này đã và đang chuẩn bị điều gì để kết nối giá trị và kiến tạo một đô thị tương lai?
Đô thị Quảng Ngãi (ảnh Internet)
Đô thị Quảng Ngãi (ảnh Internet)

Ngày 12/2/2020 vừa qua, Nghị viện châu Âu chính thức phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) giữa Việt Nam và EU, trong đó chú trọng các điều khoản về thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ và đầu tư... Theo các chuyên gia kinh tế, thỏa thuận này sẽ mang lại cho nước ta cơ hội tiếp cận với thị trường 500 triệu dân, đồng thời đón đầu làn sóng đầu tư mạnh mẽ từ châu Âu.

Riêng đối với tỉnh Quảng Ngãi của Việt Nam, đây có thể được coi là một cuộc gặp gỡ “thiên thời”, bởi địa phương này đang bước vào giai đoạn phát triển quan trọng để thực hiện mục tiêu chuyển dịch cơ cấu công nghiệp đến năm 2030. Nhiều năm qua, Quảng Ngãi đã từng bước xây dựng tiềm lực, chuẩn bị cho sự phát triển bền vững trong thập kỷ mới. 

Mở đường bằng hạ tầng giao thông

Nằm ngay tại vị trí chiến lược trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và là mắc xích quan trọng trong các tuyến giao thông từ thành phố Đà Nẵng đi các tỉnh phía Nam và Tây Nguyên, Quảng Ngãi còn sở hữu địa thế thiên nhiên vô cùng đa dạng: từ sườn Đông của dãy Trường Sơn qua đồi núi thấp xen kẽ đồng bằng, men theo dòng Trà Khúc cùng nhiều nhánh sông nhỏ, núi chạy sát bờ biển đến đảo Lý Sơn. Bởi có đủ đầy tiềm năng và sự định vị về vai trò, Quảng Ngãi nếu không vươn vai trở thành một “lực sĩ” cường thịnh về kinh tế hẳn là quá uổng phí.

Cây cầu Cửa Đại hợp long mở đường ra biển
Cây cầu Cửa Đại hợp long mở đường ra biển 

Kể từ năm 2017-2018, để cải thiện diện mạo địa phương và thúc đẩy kinh tế - xã hội, đồng thời xác định cho giao thông đi trước mở đường, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã bắt tay vào xóa “điểm nghẽn” về hạ tầng giao thông. Từ đó mà mở rộng quốc lộ 1, quốc lộ 24B, thông xe cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, hoàn thiện tuyến ven biển Dung Quất – Sa Huỳnh giai đoạn 1, xây cầu Thạch Bích…

Trên đà mở đường cho công cuộc đổi thay, năm 2019, tỉnh Quảng Ngãi đồng lòng xây dựng các công trình mang tầm nhìn dài hạn, bố trí không gian cho “giấc mơ lớn” mở rộng đô thị về phía biển. Theo đó, dự án cầu Cửa Đại nối hai bờ Trà Khúc, dài 1870m với tổng vốn đầu tư 2250 tỷ đồng, đã được tâm huyết xây dựng và chính thức hợp long vào tháng 1/2020 vừa qua. Khi cây cầu kết nối hoàn chỉnh với đập dâng sông Trà Khúc cùng tuyến đường Dung Quất – Sa Huỳnh giai đoạn 2 đang được đầu tư xây dựng, cả một vùng sông nước sẽ được sống dậy, đẩy lùi thiên tai, thắp sáng Đảo Ngọc và mở ra cơ hội hình thành các khu đô thị, du lịch nghỉ dưỡng ven biển đắt giá, đưa Nam Quảng Ngãi trở mình, cất cánh.

Tăng tốc thu hút đầu tư

Trong khát vọng vươn vai của tỉnh nhà, các tuyến đường giao thông huyết mạch đóng vai trò kết nối Quảng Ngãi với cả nước, Quảng Ngãi với quốc tế cũng đã đồng thời rút ngắn khoảng cách giữa vùng đất tiềm năng này với nhà đầu tư. Ngày nay, khu kinh tế Dung Quất, khu công nghiệp Tịnh Phong, khu công nghiệp VSIP đã không còn là những cái tên đơn lẻ bởi chúng đang ngày một trở thành những điểm đến đầu tư hấp dẫn đối với các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Nhà máy lọc dầu Dung Quất
 Nhà máy lọc dầu Dung Quất

Theo thống kê, năm 2019, Ban quản lý khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và quyết định chủ trương đầu tư cho 46 dự án, với tổng vốn đăng ký đầu tư trên 51.000 tỷ đồng, tương đương 2.193 triệu USD, đạt 1.462% kế hoạch năm. 

Trong đó, Quảng Ngãi tập trung thu hút các dự án đầu tư có chất lượng về công nghiệp, logistics, hạ tầng đô thị, du lịch – dịch vụ, các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao… như Khu liên hợp sản xuất Gang Thép Hòa Phát Dung Quất, nâng cấp, mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất cùng sự đổ bộ của các tập đoàn kinh tế lớn như Vingroup, Đất Xanh Group, FLC Group... Nghị quyết số 20/2019/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Quảng Ngãi về kế hoạch phát triển xã hội năm 2020 cũng đặt mục tiêu tăng tỷ trọng các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao, khai thác và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế các ngành dịch vụ gắn với Cảng nước sâu Dung Quất.

Chỉ tính riêng năm ngoái, giá trị sản lượng công nghiệp, dịch vụ tại KTT Dung Quất và các KCN ước tính đạt 143.000 tỉ đồng, tăng 10,8% so với năm 2018; thu ngân sách nhà nước đạt 13.500 tỉ đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt 740 triệu USD, tăng 89% so với năm 2018; giải quyết việc làm cho 46.200 lao động. Trải qua 15 năm đồng hành cùng sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ngãi, mỗi KCN với hàng loạt nhà máy, công trường đã giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động, kích thích tăng trưởng kinh tế và thay đổi cái nhìn của nhà đầu tư trong nước lẫn quốc tế về vùng đất khô cằn năm xưa.

Các hạng mục công trình tín ngưỡng lớn nhất tỉnh Quảng Ngãi
 Các hạng mục công trình tín ngưỡng lớn nhất tỉnh Quảng Ngãi

Thay “áo mới” cho đô thị

Khi ý tưởng táo bạo về một “thành phố hướng biển” được tỉnh Quảng Ngãi gọi tên, đi cùng các quyết sách mạnh mẽ về cơ cấu công nghiệp trong giai đoạn phát triển mới, thì cũng là lúc người ta nhìn thấy một làn sóng di dân, lao động, định cư từ khắp nơi đổ về đây, khiến cho nhu cầu về nhà ở lẫn không gian sống, không gian văn hóa được nâng lên.

Theo đó, năm 2017, UBND tỉnh Quảng Ngãi phê duyệt đồ án quy hoạch Khu văn hóa tâm linh Thiên Mã, đến nay xúc tiến các hạng mục cải tạo và xây mới chùa Minh Đức, xây khu tượng Phật, Thiền đường, Bảo tháp, Long Hoa Viên… Năm 2019 tiếp tục công bố xây dựng Khu du lịch biển Mỹ Khê và Công viên lớn nhất tỉnh Quảng Ngãi. Được biết, các dự án điểm nhấn cho không gian đô thị ven biển này sẽ đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng và văn hóa tín ngưỡng cho cư dân của vùng núi Ấn sông Trà.

Dự án Maris City mang đến không gian sống tiện nghi cho cư dân Quảng Ngãi
 Dự án Maris City mang đến không gian sống tiện nghi cho cư dân Quảng Ngãi

Như một quy luật tất yếu, nhiều khu dân cư, khu đô thị chất lượng cũng lần lượt ra đời, khoác lên một tấm áo mới đầy sống động cho diện mạo đô thị Quảng Ngãi. Trong đó, nhiều dự án được tâm huyết xây dựng bởi các tên tuổi chủ đầu tư uy tín như Maris City của Công ty CP đầu tư xây dựng dịch vụ Đông Phương; Phú Điền Residences của Công ty TNHH Phú Điền hay mới nhất là Mỹ Khê Angkora Park của Công ty CP phát triển đô thị Angkora… 

Được biết, các dự án này đều đã đi vào giai đoạn hoàn thiện hạ tầng, có cơ chế pháp lý minh bạch và thiết kế kiến trúc hiện đại, tựa vào lòng núi non, sông biển. Chúng một mặt góp phần nâng cao chất lượng sống cho cư dân, một mặt thể hiện tầm nhìn của tỉnh nhà, của chủ đầu tư trong khát khao kiến tạo một Quảng Ngãi tươi đẹp không kém cạnh các địa phương láng giềng như Đà Nẵng, Phú Yên.

Có một thời, người ta nhìn vào núi thẳm, sông bồi, cát trắng của Quảng Ngãi mà không dám nghĩ đến chuyện đổi thay. Thế mà, ngày hôm nay đi trên các tuyến quốc lộ, cao tốc, đáp xuống sân bay Chu Lai, vượt cầu Cửa Đại… thấy hiển hiện những mái ngói công trình ngày đêm thắp lửa, người Quảng Ngãi hẳn phải rất tự hào về chặng đường 30 năm tái lập tỉnh đầy ngoan cường đã qua. Tuy nhiên, Quảng Ngãi vẫn còn ở đó nhiều tiềm năng chưa được đánh thức, cư dân nhiều nơi vẫn còn lam lũ, và nhiều dự án đang chờ đợi để được vươn vai xứng tầm. Các chính sách và hành động mạnh mẽ của Quảng Ngãi vì thế, chính là tín hiệu đầy lạc quan để người ta tiếp tục đeo đuổi giấc mơ về một tầm vóc mới của tỉnh nhà sẽ sớm được thiết lập trong tương lai.

Đọc thêm