'Bất kể là ai'

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Hai năm trước đây, khi người dân nhiều tỉnh, thành đang phải chịu đựng cảnh dịch COVID-19 hoành hành mà còn phải chấp nhận chuyện trả tiền kit test giá cao khủng khiếp; khi bà con sống ở nước ngoài muốn về nước phải khốn khổ trả những khoản tiền lót tay bất hợp lý… ít người dám tin những sai phạm này sẽ bị xử lý tới cùng, vì thấy dấu hiệu đó là những đường dây tinh vi kín kẽ do một số cán bộ có chức quyền và DN bất lương câu kết thực hiện.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cũng suốt một thời gian dài, chứng kiến dấu hiệu sai phạm của một số DN trong lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, nghe các đối tượng huênh hoang “đế chế trường tồn”, thì rất nhiều người mang tâm lý e ngại. E ngại cũng đúng khi thấy dấu hiệu các đối tượng bắt tay với một số cán bộ đầu tỉnh, bộ ngành, ngang nhiên “xẻ thịt” đất công, rút ruột công quỹ Nhà nước, “treo đầu dê bán thịt chó” trắng trợn lừa tiền trong dân…

Mối e ngại đó trong quá khứ là có thể thông cảm, vì như quan niệm dân gian, khi các đối tượng xấu câu kết với đối tượng có chức quyền, để tạo thành nhóm đối tượng nói nôm na là “vừa có tiền, vừa có quyền”; sẽ là một “thế lực”.

Nhưng công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và Nhà nước ngày càng quyết liệt, đã chứng minh xã hội chúng ta cần phải dẹp bỏ những mối e ngại, dẹp bỏ quan niệm cũ đó. Với loạt vi phạm trong lĩnh vực phòng chống dịch và đưa công dân về nước, hàng loạt cựu Bộ trưởng, Thứ trưởng, Chủ tịch UBND cấp tỉnh đã bị bắt. Với loạt vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán, bất động sản, trái phiếu, hàng loạt chủ DN từng vỗ ngực “trường tồn”, “không ai dám đụng đến”, “tiền đè chết người”… đã phải tra tay vào còng. Đồng phạm với những “gian thương” này là hàng loạt cán bộ lãnh đạo địa phương cũng phải nhận án tù. Thậm chí như ở một tỉnh Nam Trung Bộ, mới đây hai “đời” Chủ tịch UBND tỉnh cùng phải nhận 2 bản án tù vì đã nhiều lần trắng trợn giao đất công sai quy định cho DN.

Phương châm, chỉ đạo của Đảng là “không có vùng cấm” trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã được khẳng định, chứng minh rất rõ nét là làm thật, làm quyết liệt, làm đúng pháp luật; chứ hoàn toàn không có chuyện “nói suông”. Mới đây, tại hội nghị toàn quốc tổng kết công tác ngành nội chính Đảng năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng một lần nữa khẳng định quyết tâm của Đảng và Nhà nước khi nêu rõ phải tiếp tục nâng cao hiệu quả của BCĐ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh; xử lý nghiêm các vụ vi phạm theo tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai và không chịu sức ép của bất cứ tổ chức, cá nhân nào”.

Công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ tiếp tục quyết liệt, khi Thường trực Ban Bí thư yêu cầu tiếp tục tham mưu các chủ trương, định hướng lớn về công tác chống tham nhũng; nghiên cứu, đề xuất mô hình cơ quan, đơn vị chuyên trách chống tham nhũng; tổng kết thực hiện Chỉ thị 33 của Bộ Chính trị về kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản; đề xuất cơ chế bảo vệ cán bộ cơ quan điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án khi thực hiện nhiệm vụ...

Đặc biệt, cho rằng quản trị quốc gia, quản trị DN không tránh khỏi sai sót, nhưng quan trọng là không để sai lầm tương tự lặp lại, Thường trực Ban Bí thư yêu cầu nghiên cứu, tính toán, giám sát quá trình xây dựng pháp luật trên một số lĩnh vực để không nảy sinh tiêu cực, ngăn ngừa từ sớm, từ xa để không thể tham nhũng được. Đây chính là những quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước được đánh giá là đúng đắn, có tầm nhìn xa trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được toàn dân ủng hộ.

Đọc thêm