Bất thường bản án sơ thẩm một vụ cố ý gây thương tích

Mặc dù tại phiên sơ thẩm đã không làm rõ được căn cứ buộc tội các bị cáo và nhiều vấn đề quan trọng đặt ra như bị hại biến từ “nam” thành “nữ”, từ “trẻ” thành “già” hay các nhân chứng cho biết họ bị vợ bị hại vận động khai sai sự thật, nhưng TAND huyện Mê Linh vẫn tuyên án các bị cáo…

Mặc dù tại phiên sơ thẩm đã không làm rõ được căn cứ buộc tội các bị cáo và nhiều vấn đề quan trọng đặt ra như bị hại biến từ “nam” thành “nữ”, từ “trẻ” thành “già” hay các nhân chứng cho biết họ bị vợ bị hại vận động khai sai sự thật, nhưng TAND huyện Mê Linh vẫn tuyên án các bị cáo…

utkguhf
Rất đông người dân đến dự phiên tòa

Bị cáo Hồ Văn Chanh bị tuyên phạt 30 tháng tù giam, Hồ Văn Hải bị tuyên phạt 9 tháng tù giam, cho hưởng án treo  về tội cố ý gây thương tích theo Điều 104 BLHS.

Bỏ qua nhiều vấn đề quan trọng, tòa đã vi phạm tố tụng?

Tại tòa sơ thẩm chiều 20/12, Thẩm phán Trần Minh Đăng cho rằng các bị cáo Hồ Văn Chanh và Hồ Văn Hải đã quanh co, chối tội. Đồng thời, khẳng định rằng “lời khai của người làm chứng phù hợp với nhau” cho thấy Chanh và Hải đã gây thương tích cho Hoàng Văn Dũng; cần xử nghiêm các do các bị cáo “không ăn năn, thành khẩn”. Ngay lập tức, hàng trăm người dân theo dõi phiên tòa  lên tiếng phản đối, bởi căn cứ buộc tội các bị cáo không đúng sự thật.

Về sự “không thành khẩn nhận tội của các bị cáo”, Luật sư Lâm Vương Sơn cho rằng: “Các bị cáo đều nói không cầm gạch đánh gây thương tích cho bị hại Dũng, chứng cứ buộc tội lại đầy nghi vấn, thiếu thuyết phục. Tại phiên tòa, trong phần xét hỏi và tranh luận, tôi đã nhiều lần lên tiếng về sự thiếu thuyết phục của các chứng cứ buộc tội, nhưng không được đại diện viện kiểm sát và HĐXX xem xét”. 

Đối với vụ án này, Báo Pháp luật Việt Nam đã có Công văn 360B/CV-PLVN (ngày 6/10/2010) gửi VKSND huyện Mê Linh đề nghị trả lời và trao đổi thông tin để đảm bảo tính đúng đắn trong việc áp dụng pháp luật, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tánh xảy ra trường hợp oan sai đáng tiếc. Tuy nhiên, đến nay VKSND huyện Mê Linh vẫn phớt lờ, không hề có hồi âm.

Nhiều vấn đề chưa rõ ràng, đầy nghi vấn có ý nghĩa quyết định trong vụ án bị phớt lờ, đó là việc giám định thương tích được tiến hành sau thời điểm xảy ra xô xát những 5 tháng, trong khi cơ quan công an không hề lập biên bản xác định dấu vết thân thể nạn nhân ngay sau vụ xô xát.

Còn biên bản ghi chú ca trực ở Trạm y tế xã Tiến Thịnh – nơi băng cầm máu sơ cứu cho ông Dũng, thì xác định nạn nhân chỉ bị thương ở 2 chỗ và không hề có thương tích đến mức “gãy xương chính mũi” hay “rạn xương trán hốc mắt”.

Trong phần tran luận, Luật sư Sơn bày tỏ nghi ngờ hồ sơ vụ án bị “đạo diễn” một cách vụng về, bởi một trong những căn cứ để giám định pháp y là Hồ sơ khám và điều trị nội khoa số 4880 ngày 23/11/2009, trong đó ghi: “Bệnh nhân nữ, 59 tuổi vào viện lý do đau lưng tê chân”, trong khi bị hại Dũng là nam giới và 55 tuổi. Từ đây cũng dễ hiểu là những vết thương để giám định đã lên tới hơn chục điểm trên cơ thể, khác hoàn toàn với biên bản ghi chép của Trạm y tế xã ngay sau vụ xô xát là chỉ ở 2 điểm trên người.

Về câu hỏi này, Luật sư Sơn và chủ tọa dự phiên tọa nhận được câu trả lời rất thản nhiên và thiếu trách nhiệm của Kiểm sát viên Dũng: “Do nhầm lẫn thôi”. Theo Luật sư Sơn, ngoài dấu hiệu hồ sơ có thể bị ngụy tạo thì việc giám định pháp y sau vụ xô xát đến 5 tháng thì hoàn toàn có thể nghi ngờ rằng những thương tích nghiêm trọng của ông Dũng là do sự cố khác xảy ra sau vụ xô xát.

Tại tòa, 2 nhân chứng quan trọng là bà Lê Thị Lợi và Hoàng Thị Giáp thay đổi lời khai. “Tôi đã làm chứng sai do bà Sáng, vợ ông Dũng nhờ tôi”- nhân chứng Lợi nói. Tuy nhiên, những vấn đề vô cùng quan trọng này đã bị HĐXX bỏ qua.

Người dân bất bình

Về vụ án này, ngày 15/12/2010, hàng chục người dân xã Tiến Thịnh đã đồng ký kiến nghị gửi TAND huyện Mê Linh và các cơ quan chức năng đề nghị được làm chứng và khẳng định: Việc Hoàng văn Dũng bị thương là do ngã trong quá trình xô xát, chứ không phải nguyên nhân do Hồ Văn Chanh và Hồ Văn Hải đập gạch.

Và tại phiên sơ thẩm, điều ngạc nhiên là những lập luận và các vấn đề được luật sư bào chữa đưa ra rất dễ hiểu, rất dễ thấy những sự bất hợp lý và sự yếu kém trong các chứng cứ buộc tội, khiến những người dân xã Tiến Thịnh có thể hiểu ngay và họ đã biểu lộ sự đồng tình bằng những tràng vỗ tay. Tuy nhiên, đáng tiếc là những người cầm cân nảy mực lại tỏ ra không hiểu hoặc cố tình không thừa nhận sự thật.

Bởi vậy, ngay sau khi tòa tuyên án, hàng trăm người dân chầu chực tại tòa suốt 3 ngày xét xử, đã quây kín cổng và sân tòa bày tỏ sự không đồng tình, bởi HĐXX đã tuyên một bản án không dựa trên những chứng cứ thuyết phục, nhiều nghi vấn đặt ra không được làm rõ. Việc này cho thấy sự bất bình thường phía sau bản án sơ thẩm và có thể thấy ở đây tính giáo dục người dân đã không đạt được.

Tuấn Khoa

Đọc thêm