Bất thường phiên tòa xử vụ “bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản”

 

Trong lúc đợi HĐXX vào làm việc, không hiểu sao bị cáo Hoàng (bị tạm giam) nằm lăn ra hàng lang Tòa án kêu khóc thảm thiết nên được lực lượng cảnh sát dẫn giải đưa vào 1 phòng gần đó để… ngồi nghỉ. Cùng với sự có mặt của nhiều nhân chứng thì những “người cần xét hỏi” được nêu trong “Quyết định đưa vụ án ra xét xử” cũng có mặt tại tòa. Tuy nhiên, cho đến khi kết thúc phần thủ tục phiên tòa thì vẫn chưa rõ những người này tham gia phiên tòa với tư cách gì...

TAND tỉnh Nghệ An hôm qua mở phiên sơ thẩm xét xử 8 bị cáo bị truy tố về tội “Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản” với một số thay đổi nhỏ về người tiến hành tố tụng so với phiên bị hoãn trước đó. Việc xét xử vẫn diễn ra dù vắng mặt 2 nhân chứng như phiên tòa lần trước và được Chủ tọa giải thích “đã tống đạt giấy triệu tập và áp dụng biện pháp dẫn giải” nhưng nhân chứng này không có mặt ở địa phương…

“Tòa không nhận chứng cứ nào cả”
8 bị cáo trong vụ án này gồm: vợ chồng Phan Quốc Dũng (SN 1949) - Nguyễn Thị Toàn (SN 1960); vợ chồng Trần Thị Ngọc Hoàng (SN 1970)- Lê Quốc Dũng  (SN 1970); Phan Quốc Hùng ((SN 1987- con bị can Toàn); Nguyễn Huy Tuyên (SN 1980); Nguyễn Khắc Hòa (Sn 1988); Trần Văn Quế (SN 1970) bị quy kết có hành vi bắt giữ anh Nguyễn Đình Huỳnh (trú tại Thường Tín, Hà Nội) từ ngày 12 đến ngày 13/4/2011 tại TP Vinh, Nghệ An. Sau đó, các bị cáo ép anh Huỳnh viết giấy nợ 300 triệu và yêu cầu gia đình anh Huỳnh đưa tiền.
Trong lúc đợi HĐXX vào làm việc, không hiểu sao bị cáo Hoàng (bị tạm giam) nằm lăn ra hàng lang Tòa án kêu khóc thảm thiết nên được lực lượng cảnh sát dẫn giải đưa vào 1 phòng gần đó để… ngồi nghỉ.
Cùng với sự có mặt của nhiều nhân chứng thì những “người cần xét hỏi” được nêu trong “Quyết định đưa vụ án ra xét xử” cũng có mặt tại tòa. Tuy nhiên, cho đến khi kết thúc phần thủ tục phiên tòa thì vẫn chưa rõ những người này tham gia phiên tòa với tư cách gì.
Về quyền và nghĩa vụ của những này, Chủ tọa chỉ nêu ngắn gọn “phải có chấp hành theo giấy mời của Tòa”. Không rõ lời khai của những người này có được coi là chứng cứ trong vụ án hay không vì không thấy HĐXX yêu cầu họ phải cam đoan “khai đúng sự thật” như yêu cầu đối với nhân chứng. Ngoài ra, Bộ luật Tố tụng hình sự không quy định lời khai của “người cần xét hỏi” là một nguồn chứng cứ (chỉ có Lời khai của người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo).
Nội dung “nóng” nhất trong phần khai mạc phiên tòa là lúc Chủ tọa từ chối nhận chứng cứ do Luật sư Dương Kim Sơn (bào chữa cho bị cáo Phan Dũng, Toàn và Hùng) cung cấp. Khi Chủ tọa Phạm Văn Phúc hỏi: “Luật sư có ý kiến gì thêm về phần khai mạc phiên tòa?”, LS Sơn đã đề nghị được cung cấp 1 số chứng cứ mới. Tuy nhiên, Chủ tọa ngay lập tức mời LS Sơn ngồi xuống và tuyên bố: “Tòa không nhận chứng cứ nào cả. Tòa chỉ nhận lời nói của LS thôi. Chứng cứ gì, mời LS cứ trình bày trong phần phát biếu của mình”.
LS Sơn không đồng ý với việc từ chối nhận chứng cứ này và định có ý kiến tiếp nhưng Chủ tọa phiên tòa vấn kiên quyết yêu cầu“LS ngồi xuống”.
Trong phần xét hỏi hôm qua, trước những lời kêu oan của bị cáo Toàn, Chủ tọa phiên tòa đã quát: “Chị đừng có già mồm”; “Còn oan gì mà oan. Bị cáo đẩy chồng đẩy con vào vòng tù tội, lại còn nghe người này, người khác gửi một đống đơn thư đến các cơ quan”.
Sau đó, Chủ tọa cũng “mắng”  bị cáo Hoàng: “bị cáo làm ăn gì thì làm, lại còn đẩy chồng vào tù”.
Với những lời lẽ trên, chẳng lẽ ông Chủ tọa có ý quy kết tội danh cho chồng bị cáo Toàn, bị cáo Hoàng và việc 2 người chồng này phải vào tù là do chính lỗi của vợ mình?.

Trao đổi với PLVN về tình tiết trên, LS Sơn cho rằng, Chủ tọa điều hành phiên tòa như trên là không đúng quy định tại Điều 205 BLTTHS (Chủ toạ phiên toà phải hỏi kiểm sát viên và những người tham gia tố tụng xem có ai yêu cầu triệu tập thêm người làm chứng hoặc yêu cầu đưa thêm vật chứng và tài liệu ra xem xét hay không).

Bị hại nhiều lần "không thèm" kêu cứu
Phần xét hỏi cho thấy, trong số 8 bị cáo thì có 5 bị cáo chối tội, kêu oan gồm: Vợ chồng bị cáo Phan Dũng- Toàn cùng con trai, vợ chồng Dũng- Hoàng và cho rằng, bản chất việc này chỉ là bàn bạc, nói chuyện về nợ nần và thanh toán tiền chi phí đi lại mua gỗ sưa chứ không có việc bắt giữ người.
Thừa nhận có tát anh Huỳnh, bị cáo Phan Dũng cho rằng:“Bị cáo tát anh Huỳnh vì anh Huỳnh chửi bị cáo là “ông im đi, ông biết gì mà nói”. Còn bị cáo Lê Dũng cho biết “ông Huỳnh dẫn vợ tôi đi 2-3 ngày tôi ghen nên tát ông Huỳnh chứ không phải tát để ép ông Huỳnh viết giấy nhận nợ”
Trong khi đó, bị hại Huỳnh vẫn khẳng định mình bị cáo bắt giữ và cho biết:“Khi ở gần khách sạn Phương Đông, bị cáo Phan Dũng đã ngồi trên xe ô tô (bên ghế lái), nhoài người qua ghế phụ để túm áo kéo tôi lên xe. Tôi chống chân kháng cự nhưng vẫn bị lôi lên xe”. Nhiều người theo dõi phiên tòa đã ồ lên trước khả năng phi thường của bị cáo Phan Dũng cũng như sự chống trả “yếu ớt” của anh Huỳnh.
Trả lời LS về lý do không kêu cứu khi ngồi trên xe đi qua trạm thu phí cầu Bến Thủy (dừng xe để mua vé, có barie, có lực lượng chức năng), bị cáo Huỳnh cho biết:“Tôi không kêu, không mở cửa để thoát thân mà muốn đi cùng vợ chồng anh Dũng xem thế nào”. Như vậy là bị hại đã tình nguyện đi theo vợ chồng Dũng- Toàn chứ không phải bị bắt giữ?- LS Sơn đặt nghi vấn.
Sau đó, anh Huỳnh còn cho biết chính mình là người đưa CMTND để thuê phòng tại Khách sạn Bến Thủy. Khi thuê phòng tại quầy lễ tân Khách sạn Bến Thủy, Khách sạn Biên Phòng,khi đi ăn tại nhà hàng Ngọc Châu…anh Huỳnh đều không kêu cứu, không có động thái nào thể hiện mong muốn thoát khỏi sự khống chế của các bị cáo cả.
Lời khai này cũng phù hợp với lời khai của nhân chứng là nhân viên khách sạn Bến Thủy, khách sạn Biên Phòng về việc họ không thấy dấu hiệu bất thường nào trong nhóm anh Huỳnh đến thuê phòng cả. Hôm nay, phiên tòa tiếp tục với phần tranh luận.
Khoa Lâm

Đọc thêm