Bầu cử HĐND các cấp cần thực hiện đúng nguyên tắc

Cả nước và nhân dân Lâm Đồng đang tiến tới một sự kiện chính trị quan trọng của đất nước – Đó là bầu cử Quốc hội khóa XIII và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 – 2016.

Cả nước và nhân dân Lâm Đồng đang tiến tới một sự kiện chính trị quan trọng của đất nước – Đó là bầu cử Quốc hội khóa XIII và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 – 2016. Đối với cuộc bầu cử HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 – 2016 của tỉnh nhà – Để đảm bảo thành công, các cấp và các ngành cần thực hiện tốt những nguyên tắc và yêu cầu như: Đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ trong việc dự kiến, định hướng cơ cấu, thành phần và số lượng đại biểu HĐND; đảm bảo người được giới thiệu ứng cử hội đủ các tiêu chuẩn theo Luật định. Thực hiện việc dự kiến cơ cấu, thành phần, số lượng đại biểu HĐND cấp huyện, cấp xã trên cơ sở kết hợp với thực hiện quy trình hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu HĐND. Đảm bảo tỷ lệ cân đối giữa những người ứng cử đại biểu đại diện cho các đơn vị hành chính cấp dưới, người ứng cử đại diện cho cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố (khu phố) hoặc người tiêu biểu trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, các thành phần kinh tế. Giảm tỷ lệ người của các cơ quan hành chính nhà nước giới thiệu ứng cử HĐND… Về cơ cấu, thành phần đại biểu HĐND cấp huyện, xã: Định hướng cơ cấu đại biểu trẻ dưới 35 tuổi đạt tỷ lệ trên 20% ở cấp huyện và trên 25% ở cấp xã; đại biểu là phụ nữ đạt tỷ lệ chung khoảng 35%; đại biểu là người ngoài Đảng đạt tỷ lệ từ 20 – 25% ở cấp huyện và 25 – 30% ở cấp xã; ở các địa phương có nhiều dân tộc cùng sinh sống hoặc có đông đồng bào theo đạo cần có tỷ lệ đại biểu đại diện người dân tộc thiểu số, các tổ chức tôn giáo hoặc là người có đạo phù hợp với đặc điểm và tình hình cụ thể của mỗi địa phương… Trên cơ sở các nguyên tắc và yêu cầu thực hiện, Thường trực HĐND và UBND cấp huyện, cấp xã căn cứ vào dân số của từng đơn vị hành chính cấp mình để xác định, phân bổ số lượng đại biểu HĐND cho phù hợp.
BÌNH NGUYÊN

Đọc thêm