“Bầu sô” lắm chiêu coi thường luật bản quyền

(PLO) - Gần như “đến hẹn lại lên”, năm nào đời sống âm nhạc Việt Nam cũng có ít nhất một lần xôn xao về câu chuyện “đòi nợ” tác quyền của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam. Gần đây lại là việc nhạc sĩ Phó Đức Phương, Giám đốc Trung tâm, “dọa” lên tận sân khấu trong đêm biểu diễn của Khánh Ly tại Hà Nội, Đà Nẵng để đòi tiền bản quyền. Diễn biến mới nhất, đơn vị tổ chức đang phải tạm hoãn liveshow của nữ danh ca này bởi lùm xùm tiền nong chưa có hồi kết. 
“Bầu sô” lắm chiêu coi thường luật bản quyền
Không thiếu chiêu quỵt tiền
Việc quỵt tiền, đòi nợ tác quyền âm nhạc là cảnh mà Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) thường xuyên phải đau đầu, dù cho hàng năm số tiền thu về là hơn 50 tỉ đồng. Nhà văn Trần Thị Trường, Phó Giám đốc Trung tâm chi nhánh phía Bắc cho biết, các bầu sô có đủ chiêu lách luật như liên danh, mượn hoặc thuê đơn vị khác làm thủ tục xin cấp giấy phép biểu diễn một lần, thậm chí thành lập nhiều công ty con, công ty ma làm thủ tục xin cấp giấy phép biểu diễn một lần. 
Có công ty còn lấy lý do chưa thỏa thuận được mức phí tác quyền phải trả để trì hoãn, né tránh việc chi trả bản quyền hay cung cấp sai thông tin địa chỉ trụ sở kinh doanh. Lý do này khiến cơ quan quản lý hoặc tác giả, chủ sở hữu tác phẩm có tìm cũng không ra để đòi tiền bản quyền. 
Nghệ sỹ Quốc Chiêm, Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du Lịch (VH,TT&DL) Hà Nội bày tỏ: “Sở VH,TT&DL Hà Nội đã có chủ trương, với tất cả các đơn vị tổ chức biểu diễn nghệ thuật từng vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ như trốn nộp tiền bản quyền thì chúng tôi không cấp phép biểu diễn nữa. Thế nhưng họ lại lách luật, chỉ làm một đêm thôi, trốn tiền bản quyền xong là giải tán công ty, gọi đến để xử lý vi phạm thì đã mất tích rồi. Sau đó họ lại chuyển sang đăng ký công ty mới, tổ chức chương trình mới, mà chuyện cấp phép thành lập công ty thì do bên Sở Kế hoạch - Đầu tư phụ trách, họ cứ cấp theo đúng thẩm quyền thôi. Thế nên nhà tổ chức biểu diễn không coi chuyện vi phạm pháp luật này ra gì”. 
Nhạc  sỹ Đinh Trung Cẩn, Phó giám đốc kiêm Giám đốc VCPMC kiêm Giám đốc chi nhánh phía Nam cho biết: “Nhiều đơn vị biểu diễn kêu ca đơn giá về bản quyền ca khúc cao, nhưng đó là thỏa thuận riêng và là quyền của nhạc sĩ đã sáng tác ca khúc đó. Ca sĩ được quyền ra giá cho tiết mục biểu diễn của mình thì nhạc sĩ cũng phải được quyền ra giá cho tác phẩm mà mình sáng tác. Có những ngôi sao cát xê hát đám cưới tới 400 triệu đồng nhưng không có một đồng cho nhạc sĩ thì sao?”. 
Cũng theo nhạc sĩ, hiện nay ở Việt Nam, bản quyền cho tác giả vẫn còn ở mức thấp. Dẫn chứng cho việc này, ông nói: “Chúng tôi đã từng làm việc với các đối tác nước ngoài, họ ra giá tới 10.000 USD cho việc sử dụng một bài hát của họ. Đơn cử một nhãn hàng tại Việt Nam muốn sử dụng ca khúc “Bonjour Vietnam” cho quảng cáo của mình, khi chúng tôi liên hệ với đối tác nước ngoài họ đòi tới 100.000 USD. Sau đó thỏa thuận về giá cả tại thị trường Việt Nam họ mới chấp nhận giảm giá xuống còn 10.000 USD”.
Vướng mắc từ chính quy định pháp luật
Thêm một vướng mắc nữa chính là quy định pháp luật cũng mới chỉ dừng lại ở hành vi chung chung nên rất khó trong việc xử lý vi phạm. Theo nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, từ khi Nghị định 79 (quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu) ban hành vào năm 2002, tiền tác quyền mà Trung tâm này nhận được giảm hẳn. Các công ty tổ chức biểu diễn cố tình trốn tránh trách nhiệm, không thực hiện nghĩa vụ quyền tác giả như đã cam kết trong hồ sơ xin cấp phép biểu diễn. 
Trước đây, để có được giấy phép biểu diễn, hồ sơ cấp phép của các đơn vị tổ chức biểu diễn phải có hợp đồng về tác quyền hay giấy chấp thuận cho phép sử dụng tác phẩm của quyền tác giả. Thế nhưng, với sự “thông thoáng” của Nghị định 79, yêu cầu này đã được xóa bỏ, thay vào đó là cam kết thực hiện nghĩa vụ sau khi chương trình kết thúc. Và hệ quả tất yếu này là các công ty quỵt tiền bản quyền… 
Tình trạng này, theo Cục Bản quyền là do lực lượng thực thi còn quá thiếu và yếu. Ngay tại Bộ VHTT&DL, lãnh đạo Thanh tra Bộ cũng nhìn nhận rằng, nhân lực thực thi pháp luật về sở hữu trí tuệ còn thiếu dẫn đến hiệu quả hoạt động chưa cao. Văn bản quy phạm pháp luật đầy đủ nhưng người am hiểu về quyền tác giả và quyền liên quan chưa nhiều. Và cho đến nay vẫn chưa có tổ chức giám định và chưa cấp thẻ cho mỗi giám định viên. 
Ngoài ra, hiện có 4 tổ chức quản lý tập thể quyền phát triển độc lập là Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam, Trung tâm quyền tác giả văn học Việt Nam và Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam cũng không tạo được mối dây liên kết trong hoạt động. Riêng chế độ nhuận bút thì khá lạc hậu so với thời giá hiện nay khi biểu giá áp dụng vẫn dựa vào Nghị định từ năm 2002. 
Việc quy định các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không xin phép nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao đối với quyền tác giả trong Luật Sở hữu trí tuệ chưa hợp lý, trái với nguyên tắc thỏa thuận dân sự. Vì thế, đã đẩy tác giả, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng vào thế bị động và hạn chế quyền thương lượng. 
Chính vì những lý do như trên nên suốt 10 năm qua (từ khi có Luật sở hữu trí tuệ), những tranh cãi quanh câu chuyện tác quyền âm nhạc vẫn chưa có hồi kết.