Cơ sở nào thu 5% show diễn của Khánh Ly?

TS. Nguyễn Ngọc Sơn, Phó trưởng khoa Luật kinh tế, Trường đại học Kinh tế - Luật TP.HCM đặt ra các vấn đề pháp lý liên quan đến những tranh cãi về phí tác quyền âm nhạc trong show diễn của nữ ca sĩ Khánh Ly vừa qua. 
Cơ sở nào thu 5% show diễn của Khánh Ly?
1. Về tư cách của Trung tâm bảo hộ quyền tác giả
Khoản a Điều 41 Nghị định 100 (ngày 21 tháng 09 năm 2006) của Chính Phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật dân sự và Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả và quyền liên quan quy định: “Tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan phải được tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan ủy quyền".
Do đó, trong trường hợp này, Trung tâm tác quyền âm nhạc sẽ chỉ được quyền nhân danh các nhạc sỹ có tác phẩm trình diễn trong đêm nhạc nếu được họ (hoặc người thừa kế hợp pháp, hoặc người đại diện hợp pháp của họ) ủy quyền cho Trung tâm thực hiện các quyền liên quan đến khoản tiền bản quyền theo quy định của pháp luật. Trung tâm không mặc nhiên có quyền thu tác quyền nếu chưa chứng minh được ủy quyền hợp pháp từ các nhạc sỹ mà họ nhân danh để thu.
TS. Nguyễn Ngọc Sơn
TS. Nguyễn Ngọc Sơn 
2. Vấn đề về thu tác quyền
Hiện nay, Nghị định 61/2002.NĐ-CP là văn bản duy nhất quy định trực tiếp và cụ thể về chế độ nhuận bút đối với các tác phẩm âm nhạc. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là Nghị định này đã lỗi thời về pháp lý. Theo đó, Nghị định này được ban hành căn cứ vào Bộ luật Dân sự năm 1995, trong khi bộ luật này đã hết hiệu lực gần 10 năm và đã được thay thế bởi Bộ luật Dân sự năm 2005. Bên cạnh đó, chúng ta cũng đã có Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005.
Rõ ràng, Nghị định 61/2002/NĐ-CP quy định về chế độ nhuận bút dựa trên Bộ luật Dân sự cũ nhưng vì chưa có văn bản nào thay thế hoặc bãi bỏ nghị định này nên mặc định vẫn được áp dụng. Sự lỗi thời về pháp lý của Nghị định này chắc chắn gây ra những hệ lụy về nội dung và về cách thức áp dụng trong thực tế mà vụ việc vừa qua là một ví dụ.
Mặt khác, ngay cả khi Trung tâm tác quyền áp dụng Khoản 3 Điều 16 của Nghị định 61 để ra giá tác quyền thì cũng cần lưu ý một số vấn đề: Thứ nhất, điều khoản này đặt ra mức 15% đến 21% doanh thu buổi diễn cho toàn bộ phần biểu diễn bao gồm nhạc sỹ, biên kịch, nhạc sỹ phối khí, nhạc sỹ chuyển thể, họa sỹ theo thỏa thuận trong hợp đồng. Vì vậy, phần tác quyền của nhạc sỹ chỉ là một phần trong tổng giá trị trên. 
Việc Trung tâm tác quyền tự ý đặt ra con số 5% doanh thu dành cho tác quyền của nhạc sỹ là thiếu cơ sở. Mức phí tác quyền cần được hai bên thỏa thuận cụ thể trong hợp đồng mà không chịu sự áp đặt của bất kỳ bên nào. 
Thứ ba, trong toàn bộ buổi diễn, có thể có nhiều tác giả có tác phẩm được trình diễn. Vì vậy, Trung tâm tác quyền có sự ủy quyền hợp pháp của ai thì chỉ đại diện cho người đó để yêu cầu thanh toán. Cụ thể như show Khánh Ly vừa rồi, có rất nhiều ca khúc của các tác giả khác nhau được trình bày trong đêm diễn chứ không riêng gì nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Khung nhuận bút mà Nghị định 61/2002/NĐ-CP quy định là khung chung cho toàn bộ chương trình. Vì vậy, trung tâm tác quyền không thể nhân danh một hoặc một số tác giả để đòi toàn bộ tác quyền phát sinh từ đêm diễn.
Một nguyên tắc khác cũng được Nghị định 61 xác lập là: “Việc trả nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất phải bảo đảm lợi ích của người sáng tạo, nhà sử dụng và công chúng hưởng thụ, phù hợp với thực tiễn của đất nước; Mức nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất căn cứ vào thể loại, hình thức, chất lượng, số lượng hoặc tần suất sử dụng tác phẩm”.
Với nguyên tắc này, Trung tâm tác quyền cần lưu ý đến quyền lợi của nhà sản xuất chương trình, của công chúng khi thực hiện quyền thu tiền tác quyền. Một tác phẩm có sống được hay không và có đến được với công chúng một cách rộng rãi hay không, không chỉ do tác giả mà còn do người biểu biễn, người tổ chức đưa tác phẩm đến với công chúng. 
Trong bối cảnh kinh tế hiện nay, việc tổ chức một chương trình âm nhạc quy mô và có chất lượng luôn là thách đố đối với các nhà sản xuất và tổ chức chương trình. Việc đặt ra cách tính tiền tác quyền ở ngưỡng 5% doanh thu trong bối cảnh các chương trình nghệ thuật có chất lượng đang có nguy cơ bị lỗ, chắc chắn sẽ đẩy các đơn vị tư nhân vào tình trạng càng lỗ nặng hơn nữa. Với bối cảnh đó, liệu có đơn vị nào dám tự mình tổ chức các chương trình có chất lượng hay không?