Ngày đó Hà Nội không có nhiều nhà cao tầng. Vẻn vẹn chỉ mấy nhà bưu điện, ngân hàng, chiều cao tương đương với mấy nhà năm sáu tầng bây giờ. Tuy nhiên, từ trên tầng cao này cũng đủ cho chúng tôi phóng tầm mắt nhìn rộng ra phía sông Hồng, nơi có chiếc cầu Long Biên nhấp nhô từng nhịp nối hai bờ sông. Cầu Long Biên nằm trong nhiều công trình kiến trúc của Pháp vào những năm đầu thế kỷ 20, được đặt tên là Paul Doumer. Cầu dài dễ tới 2 km. Dân dã gọi nôm là cầu sông Cái. Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, cầu được đổi thành Long Biên như tên gọi ngày nay.
Thực ra không có một ai phân công cho chúng tôi, những anh chàng phóng viên trẻ mới ra lò trực trên những ngôi nhà cao tầng. Những mảnh đạn pháo cao xạ phòng không bay rào rào như vãi thóc quanh những trọng điểm cũng đủ đe dọa chúng tôi lắm chứ. Nhưng không hiểu vì sao, những hôm trời trong, nắng vàng, chúng tôi, không ai rủ ai, trèo lên tầng cao sát ngay Bờ Hồ để đón đợi những đợt máy bay phản lực Mỹ vào thành phố. Trên tầng nhà Bưu điện thành phố lúc nào cũng có một tổ tự vệ trực chiến. Mấy khẩu súng máy, mấy chiếc mũ nhựa bảo hộ nhấp nhô. Họ vui vẻ chờ đợi máy bay đến là xả đạn. Vậy mà họ tếu táo như thể chẳng có gì mà lo, mà sợ. Vậy thì chúng tôi có lý do gì e ngại kia chứ. Ngày đó chúng tôi luôn lý sự để làm yên lòng: “Địch ném bom
chưa chắc đã trúng. Trúng nhưng chưa chắc đã chết”. Nghe thì cũng ương ương thế nào ấy, nhưng ngẫm cho cùng cũng đúng như thế thật. Đã bao lần chúng tôi bị bom vùi trên đường vào tuyến lửa Khu Bốn, vậy mà có sao đâu. Máy bay địch đi xa, bom đạn hết nổ, chúng tôi đội đất đá đứng dậy, lại đạp xe lao đi như thể chưa hề có gì xảy ra.
Những khi đẹp trời, nhìn những nhịp cầu Long Biên hiển hiện trước mắt. Nước sông Hồng ngầu đỏ. Bên kia cầu hiện rõ những thôn làng bình yên sau lũy tre. Làng Việt thì nơi nào chẳng có tre, nhưng không nơi nào tôi thấy tre xanh một màu mướt mát đến thế. Với chiếc têlê 300 trong tay có chân gá cố định, chúng tôi nhìn thấu suốt đến từng bãi bồi nhô lên giữa lòng sông. Có mấy con bò gặm cỏ, có đàn gà bới tung cây rơm, có lũ trẻ kiếm tìm gì đó quanh mấy bụi cây sum suê ở bãi giữa. Bên trái là làng Gia Thụy, hình như ở đó có chiếc cầu dã chiến. Ngôi làng cổ kính này thì tôi tỏ tường lắm vì thời đi học tôi theo mấy anh bạn về đây ngắt từng chùm khế ngọt nổi tiếng trong vườn nhà. Ngay dưới chân cầu là làng Bồ Đề. Nhìn qua ống kính thì đó là vùng đất trù phú, vô cùng yên ả với từng khóm dâu điệp điệp. Theo các cụ ở đây thì trước năm 1954 mấy thôn Bồ Đề, Gia Thụy, Thạch Bàn, Cự Khối …thuộc hai xã Cổ Linh, Cự Linh. Cái tên làng nghe thật xưa để gợi cho ta nhớ một Thăng Long cổ kính ngàn năm tuổi.
Cầu long Biên - Hà Nội. Ảnh tư liệu |
Vào năm 1967, cầu Long Biên là mục tiêu oanh kích hàng đầu của máy bay Mỹ. Chính vào những năm tháng đó, sau một trận ném bom liên tiếp, Hà Nội rung lên như một trận động đất dữ dội. Nhìn qua ống kính viễn vọng, chúng tôi thấy chiếc cầu bị nghiến đứt làm hai. Cảm giác bàng hoàng tràn ngập trong lòng mỗi chúng tôi. Chiều đến chúng tôi đến tận nơi mới hay 9 nhịp cầu và 4 trụ gần chính giữa đã bị bom Mỹ đánh sập. Những người thợ cầu đang hỳ hục sửa chữa. Những ngọn lửa hàn lấp lóa in hình những người thợ thủ đô dưới mặt sông đỏ ngầu. Hà Nội sơ tán triệt để. Chỉ còn lại những đơn vị tự vệ, mấy tốp thợ bảo dưỡng cầu, mấy anh phóng viên quay phim, chụp ảnh và ở bãi sông Hồng nhô lên mấy ụ pháo phòng không.
Ít lâu sau tôi khoác ba lô vào chiến trường B. Đêm đêm nhớ Hà Nội, tôi mường tưọng ra một bầu trời Hà Nội của riêng tôi. Ở đó có con sông mùa lũ đỏ ngầu, có mấy con bò gặm cỏ nơi triền đê ven làng Bồ Đề và những nhịp cầu Long Biên vươn sang bờ bên kia sông Hồng. Những nhịp cầu gãy, vết thương chưa liền trong lòng Hà Nội. Nghe như có tiếng sắt thép đổ ầm xuống lòng sông.
Ngày nay những làng ven đê đã thành phố phường. Bãi dâu xanh mướt có lẽ chỉ còn lưu lại trong những câu chuyện kể. Nhưng” Ông già Long Biên” gân guốc, thì vẫn nguyên đó kiên gan cùng năm tháng.
Như Nguyễn