Tại cuộc giao lưu trực tuyến “Những vấn đề rút ra từ đại hội điểm cấp trên cơ sở hiện nay” do báo điện tử Đảng Cộng sản tổ chức sáng nay (3/7), Trưởng Ban Tổ chức Thành uỷ Hà Nội Vũ Đức Bảo cho biết, việc bầu trực tiếp Bí thư tại đại hội không phải là chủ trương mới với nhiệm kỳ này.
Trong tinh thần Chỉ thị 35 đã nhấn mạnh, phát huy dân chủ trong Đảng, tăng cường khuyến khích những nơi có điều kiện thì bầu trực tiếp Bí thư.
|
Trưởng Ban Tổ chức Thành uỷ Hà Nội Vũ Đức Bảo |
Ông Bảo cho rằng, quan điểm bầu trực tiếp Bí thư tại đại hội trong tình hình hiện nay là rất tốt.
Ba lý do được ông nêu lên: Một là phát huy dân chủ trong Đảng; hai là để các Bí thư, người đứng đầu cấp ủy khẳng định được uy tín của mình trước đại hội; ba là để cho cấp trên đánh giá cán bộ và cũng khuyến khích tính chủ động cao của các cán bộ được bầu, thay đổi phương thức để đảm bảo ngày càng dân chủ của Đảng.
Theo ông Vũ Đức Bảo, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã chủ động và chuẩn bị để làm thật tốt bầu Bí thư trực tiếp tại đại hội, vừa đảm bảo được yêu cầu của Trung ương đặt ra, vừa đảm bảo được thực tế của Hà Nội.
Hà Nội là một đảng bộ lớn nên những vấn đề mới khi lựa chọn thực hiện cần phải chuẩn bị kỹ, bởi tác dụng của nó tốt cũng có, chưa tốt cũng có, điều này sẽ có ảnh hưởng đến đại hội.
Trưởng Ban Tổ chức Thành uỷ Hà Nội cho rằng, trước tiên phải thống nhất chủ trương này trong Ban Thường vụ các cấp, có nên hay không nên bầu trực tiếp Bí thư và tập thể Ban Thường vụ đó phải thống nhất và quyết định.
“Đối với cá nhân đồng chí bí thư, tôi cho rằng, lúc đầu còn e ngại, chưa dám đề xuất mặc dù cá nhân rất muốn. Do đó, cần thông qua tập thể Ban Chấp hành để khẳng định sự đoàn kết, thống nhất.
Đồng thời tập thể đó khẳng định đồng chí đó có đủ năng lực, trình độ và uy tín. Điều này rất quan trọng”, ông Bảo nhấn mạnh.
Điều tiếp theo là phải quán triệt trong Đảng ủy trên tinh thần xây dựng, đóng góp.
“Thật ra, tâm lý các đồng chí bí thư trước thềm bầu trực tiếp bí thư tại đại hội thì có phần nào lo lắng, hồi hộp… Nhưng rõ ràng, việc xác định trách nhiệm, uy tín của các đồng chí trước đại hội và tinh thần xây dựng của các đại biểu dự đại hội trên nguyên tắc cái chung, căn cứ hiệu quả của cấp ủy và năng lực của người bí thư để sáng suốt lựa chọn.
Quan trọng là phải hết sức khách quan, công tâm vì cái chung chứ không có bè cánh, lôi kéo…”, Trưởng ban Tổ chức Thành uỷ Hà Nội nêu.
Thành công không chỉ ở số phiếu bầu
Theo ông Bảo, quy trình bầu trực tiếp Bí thư tại đại hội là rất kỹ càng, từ việc lấy tín nhiệm, thông qua ban chấp hành rồi bầu trực tiếp Bí thư tại đại hội.
Nội dung này trong công tác điều hành chuẩn bị đại hội phải làm rất chu đáo, chuẩn chỉ và Bí thư khi trình bày chương trình hành động của mình phải có sức thuyết phục, tạo được niềm tin của đại hội.
Ông Vũ Đức Bảo cũng nhấn mạnh, vấn đề thành công không phải chỉ là tỷ lệ số phiếu bầu cao, tỷ lệ tập trung, mà là sau đại hội, bí thư cấp uỷ có thể phát huy được khả năng của mình, nhìn nhận những vấn đề hiện còn tồn tại để có khắc phục, uốn nắn.
Vì vậy, trong công tác chuẩn bị bầu cử tại đại hội, Ban thường vụ các cấp đó phải chuẩn bị rất kỹ, đặc biệt là vị trí chủ chốt Bí thư xem là có năng lực, trình độ, phẩm chất, uy tín hay không.
“Các đồng chí đứng đầu có uy tín, năng lực, trình độ, phẩm chất và đặc biệt có hiệu quả công việc trong điều hành thì cách thức bầu trực tiếp tại đại hội là tốt nhất, cũng là cách trả lời tín nhiệm nhất”, ông Bảo nói.
Là người vừa trúng cử Bí thư do Đại hội trực tiếp bầu, Bí thư Thành uỷ Hải Dương Lê Đình Long chia sẻ, bản thân ông được luân chuyển về giữ cương vị Bí thư Thành ủy Hải Dương đến lúc tổ chức Đại hội được 1 năm 14 ngày, một thời gian không phải là dài. Vì vậy về mặt tâm lý cũng có nhưng không nhiều.
“Sau khi nghe công bố kết quả bầu chức danh Bí thư Thành ủy tại đại hội, cá nhân tôi thực sự xúc động, xen lẫn niềm vinh dự, tự hào và thầm tự hứa với mình sẽ phải cố gắng thật nhiều hơn nữa để đáp lại sự kỳ vọng, niềm tin mà đại hội dành cho cá nhân tôi”, ông Long bày tỏ.