Bảy nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ năm 2010

Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 12, Phó thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng nêu bật bảy nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện từ nay đến cuối năm để hoàn thành các mục tiêu và chỉ tiêu chủ yếu của năm 2010 mà Quốc hội đã đề ra.

Bảy nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ năm 2010 ảnh 1
 Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng trình bày báo cáo của Chính phủ

Trình bày báo cáo của Chính phủ tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 12, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng khẳng định Chính phủ đề nghị tiếp tục kiên định các mục tiêu và chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch cả năm 2010 mà Quốc hội đã đề ra, trong đó có chỉ tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6,5%.

Để đạt được những mục tiêu trên, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng nêu bật bảy nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện từ nay đến cuối năm.

Nhiệm vụ hàng đầu được Chính phủ đặt ra là thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, góp phần phục hồi tăng trưởng kinh tế vững chắc.
Áp dụng các biện pháp kinh tế, trước hết là các công cụ chính sách tiền tệ như lãi suất chiết khấu, lãi suất tái cấp vốn, thị trường mở,... để giảm dần mặt bằng lãi suất. Bảo đảm tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng năm 2010 khoảng 25% và tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 20% so với năm 2009.
Tổ chức tốt việc theo dõi diễn biến thị trường hàng hóa và dịch vụ trong và ngoài nước, trước hết là các mặt hàng thiết yếu, để có các giải pháp điều tiết phù hợp, can thiệp kịp thời, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá, tăng giá không hợp lý. Đẩy mạnh khai thác và phát triển thị trường nội địa.
Trong năm 2010, giữ ổn định giá bán than cho ngành điện và giá bán điện cho các đối tượng, sử dụng linh hoạt, hiệu quả quỹ bình ổn giá và các công cụ khác để điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.
Tăng cường công tác xúc tiến thương mại. Ban hành chính sách khuyến khích xuất khẩu, phát triển công nghiệp phụ trợ, công nghiệp sản xuất hàng hoá thay thế hàng nhập khẩu.

Nhiệm vụ thứ hai được đặt ra trong năm nay là đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, đầu tư, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 6,5%.
Các ngành, các cấp tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất kinh doanh, bảo đảm cân đối các mặt hàng thiết yếu.
Đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, đặc biệt là ngành viễn thông và vận tải. Riêng ngành du lịch phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch đón 4,2 triệu khách quốc tế trong năm 2010.

Nhiệm vụ thứ ba là triển khai mạnh mẽ Nghị quyết Trung ương 7 về nông nghiệp, nông dân và nông thôn.
Chính phủ chỉ đạo xây dựng đề án đổi mới mô hình tổ chức sản xuất kinh doanh nông sản hàng hóa, khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp-nông thôn, nhằm bảo đảm cho người sản xuất lúa có lãi bình quân hàng năm tối thiểu 30% so với giá thành sản xuất.
Tổ chức thực hiện đồng bộ các chính sách, biện pháp trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất. Hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm, chuyển đổi ngành nghề, nhất là đối với các hộ nông dân có đất bị thu hồi.

Nhiệm vụ thứ tư là từ nay đến cuối năm, Chính phủ cũng sẽ đẩy mạnh các hoạt động văn hóa-xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện giảm nghèo nhanh và bền vững.
Nhiệm vụ trọng tâm thứ năm là tăng cường công tác quốc phòng, an ninh và đối ngoại, tạo môi trường hòa bình, hữu nghị, hợp tác phục vụ phát triển đất nước.
Tiếp tục đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng; triển khai thực hiện đưa nội dung phòng chống tham nhũng vào chương trình giáo dục, đào tạo; tiến hành đối thoại, tổ chức khảo sát về phòng chống tham nhũng trong các lĩnh vực kinh tế-xã hội. Đẩy mạnh cuộc vận động thực hành triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, trước hết là trong sử dụng năng lượng, nước, tài nguyên, khoáng sản, tiền vốn và tài sản của Nhà nước, của doanh nghiệp và của người dân.

Hai nhiệm vụ trọng tâm khác cũng được Chính phủ đặt ra là đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực điều hành; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền bảo đảm sự thống nhất về tư tưởng và hành động từ trung ương đến địa phương và tạo sự đồng thuận xã hội cao trong việc thực hiện các nhiệm vụ năm 2010.

Trong báo cáo trình Quốc hội kỳ họp này, Chính phủ cũng thừa nhận những tồn tại, yếu kém trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội những tháng đầu năm nay.

Nổi bật là vấn đề chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong bốn tháng đầu năm tăng 4,27% so với tháng 12-2009, cao hơn so với cùng kỳ một số năm gần đây. Đáng chú ý là giá lương thực, thực phẩm, vật liệu xây dựng, dịch vụ giao thông tăng khá cao, đặc biệt là trong dịp Tết.

Xuất khẩu từ tháng 4 đến nay đã bắt đầu tăng nhưng vẫn còn nhiều khó khăn. Các biện pháp quản lý nhập khẩu thiếu đồng bộ và hiệu quả thấp; nhiều loại hàng hóa, tuy trong nước có khả năng đáp ứng nhu cầu, vẫn được nhập khẩu với số lượng lớn. Một số nguồn thu ngoại tệ gần đây đã tăng lên, nhưng do nhập siêu lớn nên cán cân thanh toán tổng thể vẫn còn khó khăn.

Lãi suất ngân hàng, sau khi Nhà nước dừng các khoản hỗ trợ, đang đứng ở mức cao làm hạn chế khả năng tiếp cận vốn của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hệ thống các định chế tài chính (ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm) vẫn có tính công khai, minh bạch thấp, còn tiềm ẩn rủi ro.
Huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển, đảm bảo an sinh xã hội và bù đắp bội chi ngân sách gặp khó khăn. Tăng trưởng tín dụng thấp, chưa đáp ứng nhu cầu hợp lý của các doanh nghiệp và mục tiêu phục hồi tăng trưởng nhanh và bền vững của nền kinh tế. Thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản phát triển chưa vững chắc.

Hiệu quả và sức cạnh tranh của doanh nghiệp chưa được cải thiện nhiều. Công tác quản lý các doanh nghiệp nhà nước, các ngân hàng thương mại cổ phần và các tổ chức kinh doanh các ngành nghề có điều kiện còn nhiều bất cập.

Chỉ đạo, điều hành vĩ mô của Chính phủ vẫn còn những hạn chế, tồn tại, nhất là trong xây dựng thể chế. Phản ứng trong điều hành, quản lý thị trường ngoại hối, thị trường vàng, thị trường bất động sản còn lúng túng và chậm. Việc xử lý còn thiếu hiệu quả trong những vấn đề xã hội bức xúc như nạn chặt phá và cháy rừng, lãng phí tài nguyên, ô nhiễm môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, tai nạn và ùn tắc giao thông, chất lượng giáo dục và khám chữa bệnh.

Công tác thông tin tuyên truyền nhằm tạo sự đồng thuận của xã hội đạt hiệu quả chưa cao.

Đọc thêm