Cái chết trong thang máy và nỗi sợ hãi của dân chung cư Hà Nội

(PLO) - Hàng ngàn người dân Hà Nội đang sống trong sợ hãi với những ẩn họa khôn lường của các tòa như chung cư. Điển hình nhất cho sự sợ hãi này là cái chết thương tâm của một nhân viên bảo vệ tại chung cư N5A mới đây tại Hà Nội.
“Sự cố đáng tiếc”
Sau vụ tai nạn thương tâm này, đơn vị quản lý tòa nhà này là Xí nghiệp Quản lý dịch vụ và khai thác khu đô thị (thuộc Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội) chính thức lên tiếng về sự việc.
Theo ông Lương Văn Hữu, Giám đốc Xí nghiệp, sáng 30/6, đơn vị nhận được thông tin từ Tổ quản lý vận hành cụm nhà N Khu đô thị (KĐT) Trung Hòa - Nhân Chính về việc xảy ra tai nạn chết người tại nhà N5A. Đơn vị đã báo cáo lên cấp trên và phối hợp với các cơ quan chức năng bảo vệ hiện trường phục vụ công tác điều tra. Nạn nhân tử vong được xác định là ông Trần Anh Tuấn (SN 1964, tại Phượng Lâu, Việt Trì, Phú Thọ) - nhân viên bảo vệ của xí nghiệp đang thực hiện ca trực tại tòa nhà. 
Người dân sống trong các khu chung cư lo âu
sau sự cố tử vong vì bước hụt thang máy 
Cũng theo lãnh đạo Xí nghiệp, nguyên nhân xảy ra sự việc được xác định: vào khoảng 8h30 ngày 30/6, ông Nguyễn Như Kết, tổ trưởng tổ dân phố nhà N5A,B,C (trú tại tầng 7 của tòa nhà) nhờ ông Tuấn mở thang máy số 1 để kiểm tra. Sau đó, hai ông vào thang máy số 1 lên tầng 7 đi ra ngoài, nhưng khi quay lại thì thang máy dừng hoạt động, ông Tuấn đã cố gắng mở cửa thang máy ở tầng 7 nhưng không may bị ngã xuống đáy hố thang 1 gây tử vong.
Đại diện đơn vị quản lý tòa nhà nói thêm, trước đó, ngày 12/6 đơn vị nhận được báo cáo thang máy ở nhà N5A không hoạt động do phớt dầu hộp số bị vỡ, gây chảy dầu. Ngày 13/6, Xí nghiệp đã mời đơn vị chuyên môn xuống kiểm tra, ghi nhận cụ thể thiết bị hỏng của thang máy, đề nghị báo cáo rõ về tình trạng thang hỏng và báo giá để Xí nghiệp có cơ sở lập phương án, dự toán sửa chữa theo quy định.
“Sau khi thang máy gặp sự cố, phía Xí nghiệp đã có thông báo về việc tạm dừng thang máy không cho hoạt động nhằm đảm bảo an toàn và thông báo để tổ dân phố tòa nhà được biết. Theo dự kiến, ngày 2/7Xí nghiệp sẽ họp với tổ dân phố để thống nhất phương án sửa chữa và dự trù kinh phí. Tạm thời công ty ứng tiền ra để sửa chữa, sau khi được nghiệm thu rồi sẽ tính toán là lấy từ nguồn nào để chi trả. Vụ tai nạn là một sự cố hết sức đáng tiếc” - ông Hữu cho hay.
“Sống trong sợ hãi”
Theo lãnh đạo Xí nghiệp Quản lý dịch vụ và khai thác khu đô thị, ngay trong chiều tối 30/6, đơn vị cùng gia đình nạn nhân đã phối hợp với cơ quan công an tiến hành khám nghiệm tử thi và đưa thi hài nạn nhân Tuấn về quê an táng. 
Trong ngày 1/7, cơ quan Cảnh sát Điều tra đã tổ chức họp gồm Công an, UBND quận Thanh Xuân, UBND phường Nhân Chính, tổ dân phố nhà N5A... Tại cuộc họp, Công an quận Thanh Xuân đã thông báo sơ bộ về nguyên nhân tử vong của nạn nhân Tuấn là do tai nạn và thống nhất với đề xuất của Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội ứng vốn sửa chữa ngay thang máy hỏng (dự kiến hơn 17 triệu đồng) để phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân.
Tuy nhiên, dư luận băn khoăn là quỹ 2% bảo trì nhà mà người dân đóng được sử dụng ra sao khi mà các tòa nhà chung cư ở Hà Nội ngày càng xuống cấp nghiêm trọng? Thậm chí, sự xuống cấp còn dẫn đến cái chết thương tâm như trường hợp nhân viên bảo vệ tại chung cư N5A. 
Theo tìm hiểu của phóng viên, số tiền bảo trì tại 155 tòa nhà tái định cư trên địa bàn Hà Nội hiện nay lên đến 45 tỷ đồng và đơn vị được giao quản lý số tiền này là Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội. Theo quy định, để sử dụng hiệu quả tiền bảo trì, Công ty sẽ trả tiền đã thu của người dân cho Ban quản trị tòa nhà khi Ban này được thành lập. Theo thống kê, hiện mới chỉ có 5 tòa nhà được giao lại số tiền này. Đáng chú ý là lý do số tiền bảo trì “bị tắc” là do các tòa nhà, dù xây cả chục năm nay nhưng Ban quản trị thì vẫn chưa được thành lập.
“Theo Luật Nhà ở thì nguồn kinh phí để sửa chữa, bảo dưỡng những hỏng hóc ở các tòa nhà là lấy từ quỹ bảo trì 2%. Nhưng do Luật Nhà ở có hiệu lực từ năm 2005 nên các tòa nhà xây dựng trước thời điểm Luật Nhà ở có hiệu lực như trường hợp tòa nhà N5A thuộc khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính, nơi xảy ra sự việc đáng tiếc vừa qua là không có quỹ bảo trì 2% này. Việc sửa chữa hỏng hóc chậm là do phải làm theo quy trình, phải báo cáo, đề xuất cấp trên để xin ý kiến về mặt tài chính. Ngoài ra, lý do chậm nữa là do tòa nhà N5A này cũng chưa có Ban quản trị” - ông Hữu xác nhận.
Có thể thấy, hàng ngàn người dân sống trong các khu chung cư ở Hà Nội sẽ phải tiếp tục “sống trong sợ hãi” khi mà chính số tiền do mình bỏ ra để duy trì sự an toàn khi sinh hoạt trong các tòa nhà này vẫn chưa thể được bàn giao sử dụng với một lý do lãng xẹt: Ban quản trị tòa nhà chưa được thành lập. Điều mà dư luận cũng không thể không đặt câu hỏi là vài trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng đang ở đâu trong trường hợp này?.

Đọc thêm