Đảm bảo tài nguyên đất được sử dụng hiệu quả
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, chiều 29/10, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự kiến quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025).
Theo Bộ trưởng Hà, quy hoạch sử dụng đất quốc gia được xây dựng trên cơ sở các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp lớn đặt ra đối với quản lý, sử dụng đất đai trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, các Nghị quyết, Kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quốc hội về đổi mới, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch đảm bảo thống nhất, đồng bộ; phân bổ, huy động quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên, nguồn lực đất đai đáp ứng yêu cầu phát triển trước mắt và lâu dài, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, an ninh lương thực quốc gia; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; gắn với hình thành và phát triển các trung tâm kinh tế biển mạnh .
Về kết quả thực hiện quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2011-2020, Tờ trình của Chính phủ nêu rõ cơ bản đã đạt được các chỉ tiêu mà Quốc hội quyết định (bình quân đạt 85,35%); có 14 chỉ tiêu đạt trên 90%, 06 chỉ tiêu đạt từ 70%-90%, 01 chỉ tiêu đạt từ 50-70% và 04 chỉ tiêu đạt dưới 50. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã tạo cơ sở pháp lý để Nhà nước thống nhất quản lý, phân bổ nguồn lực đất đai cơ bản đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh.
Tờ trình cũng chỉ ra công tác quy hoạch vẫn còn nhiều mặt tồn tại, hạn chế do nguyên nhân khách quan, chủ quan nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu như hệ thống quy hoạch sử dụng đất chưa đảm bảo đồng bộ, kết nối, thiếu tầm nhìn dài hạn; việc lập quy hoạch chưa dựa trên phương pháp, công nghệ hiện đại; thông tin, số liệu, tài liệu đầu vào cho công tác lập quy hoạch còn hạn chế.
Dự báo sử dụng đất chưa sát với nhu cầu, việc phân bổ một số chỉ tiêu sử dụng đất chưa phù hợp với tiềm năng, lợi thế của từng vùng, địa phương. Việc tổ chức lập, thực hiện quy hoạch còn là khâu yếu: các quy hoạch có sử dụng đất như quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị và nông thôn, quy hoạch kết cấu hạ tầng, quy hoạch phân khu… lập thiếu tính đồng bộ, ổn định, còn thay đổi, điều chỉnh nhiều lần làm phá vỡ tính tổng thể của hệ thống quy hoạch; công tác giám sát, kiểm tra việc xây dựng, tổ chức thực hiện quy hoạch chưa nghiêm và thường xuyên.
Về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025), Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết Quy hoạch sử dụng đất đáp ứng các mục tiêu: đảm bảo quỹ đất cho thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của đất nước; tạo nền tảng để đến năm 2045, nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.
Phân bổ hợp lý đất đai cho các ngành, các địa phương phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; đáp ứng yêu cầu phát triển kết cấu hạ tầng, công nghiệp hóa, đô thị hóa, phát triển văn hóa xã hội, bảo vệ các hệ sinh thái, giữ ổn định 3,5 triệu ha đất trồng lúa; đảm bảo độ che phủ rừng ổn định ở mức 42-43%.… kết nối các hành lang kinh tế, vùng động lực; khai hoang, phục hóa, lấn biển, đưa đất chưa sử dụng vào sử dụng; cải tạo, phục hồi diện tích đất bị thoái hóa gắn với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Về tầm nhìn đến năm 2050, tài nguyên đất được sử dụng hiệu quả, đáp ứng mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa; thực hiện đột phá chiến lược về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ và phát triển đô thị hiện đại, xanh, văn minh... hoàn thành mục tiêu trở thành một nước phát triển, thu nhập cao với nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Không gian sử dụng đất được phân bổ dựa trên tiềm năng của các vùng sinh thái nông nghiệp, lợi thế hành lang kinh tế ven biển và 6 vùng kinh tế-xã hội, đảm bảo cân đối được yêu cầu an ninh lương thực, mục tiêu thiên niên kỷ về môi trường, văn hóa, quốc phòng, an ninh; đảm bảo cân bằng của hệ sinh thái tự nhiên.
|
Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trình bày trước Quốc hội. |
Ứng dụng công nghệ trong quản lý đất đai
Thảo luận ở tổ về dự kiến quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025), Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, quy hoạch đất đai là nền tảng quan trọng để phát triển các loại hình khác trong tái cơ cấu. “Nước ta ‘tam sơn, tứ hải, nhất đẳng điền’, là một trong những nước bình quân đất đai thấp, chúng ta có 33 vạn km2 mà dân số tới 100 triệu người. Chính vì đất không sinh sôi nên chúng ta phải sử dụng có hiệu quả. Đây là yêu cầu rất lớn, lâu dài. Phải sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, dành đất cho thế hệ con cháu”, Chủ tịch nước nói.
Theo Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, dù có xã hội hóa lĩnh vực nào nhưng riêng đất đai Nhà nước phải quản lý, “chứ không phải vô nguyên tắc trong cổ phần hóa về đất đai”. Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh yêu cầu chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý đất đai với các cấp, các ngành.
Trong quy hoạch, Chủ tịch nước tán thành về quy hoạch đất lúa ổn định 3,5 triệu ha. “Thế giới hiện nay vẫn có trên 1,5 tỷ người đang đói kém, chúng ta không nói sản xuất lương thực bằng bất cứ giá nào, không phải làm lúa để dân nghèo mà chúng ta khoanh lại đất lúa 3,5-3,6 triệu ha để ‘cắm cọc’ cho con cháu đời sau”, Chủ tịch nước nói và định hướng phải tạo ra không gian, chính sách sử dụng linh hoạt, chặt chẽ để tiếp tục sản xuất lúa.
Bên cạnh đó, Chủ tịch nước cũng nhắc đến việc cần thiết phải có 15 triệu ha trồng rừng để thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, đạt độ bao phủ rừng 42-43%. Ông đề nghị tiếp tục phát động chương trình trồng 1 tỷ cây xanh, tương đương với 6 triệu ha rừng để tạo ra môi trường sống hài hoà.
Chủ tịch nước cũng đánh giá cao hướng dành đất cho phát triển công nghiệp. Những vùng sử dụng đất kém hiệu quả, vùng đồi, vùng không trồng lúa 2 vụ trở lên thì nên quy hoạch để làm công nghiệp, dịch vụ.
Về một số biện pháp cần thực hiện, Chủ tịch nước cho rằng ngoài chống tiêu cực, tham nhũng trong quy hoạch đất đai thì vấn đề cải cách hành chính cũng rất quan trọng khi thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai còn phiền hà. Ngoài ra, phải ứng dụng công nghệ, có cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai rõ hơn, giống như cơ sở dữ liệu dân cư.
Việc áp dụng công nghệ phải được đặt ra mạnh mẽ hơn đối với công tác quản lý đất đai ở Việt Nam, Chủ tịch nước nói.