Chủ tịch Bình Định: 'Tôi vừa sửa nhà thuê đã có người của đội trật tự đến hỏi'

(PLVN) - “Tôi thuê nhà ở tại Quy Nhơn, vừa sửa là đã có người ở đội trật tự đến hỏi. Khi biết sửa trong ngày thì họ thôi. Đó chỉ mới là sửa chữa nhỏ, còn ngang nhiên xây nhà ở giữa bãi đất trống thì không thể nói lực lượng này không biết được”, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định nêu.
Ở Bình Định, tình trạng lấn, chiếm đất đai, xây dựng trái phép diễn ra nhiều nhất là tại TP Quy Nhơn.

Tại Hội nghị quán triệt công tác quản lý trật tự đô thị, trật tự xây dựng; chống lấn, chiếm đất đai, xây dựng trái phép được UBND tỉnh Bình Định tổ chức mới đây, ông Phạm Anh Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, công tác quản lý trật tự xây dựng, chống lấn, chiếm đất đai là nhiệm vụ của chính quyền, bắt đầu từ chính quyền xã. Do vậy, dù có ít người đi chăng nữa thì vẫn phải làm.

“Cán bộ xã là “siêu nhân” rồi nhưng nếu biết cách làm thì chúng ta vẫn làm được. Việc cứ thấy xây dựng thì xử lý lập biên bản, rồi lập đội đi cưỡng chế là không đúng. Nếu xây dựng trên đất nhà mà sai thì mới làm vậy, còn xây trên đất lấn, chiếm thì ngay lập tức ra quyết định xử lý dứt điểm”, ông Tuấn nói.

Theo người đứng đầu chính quyền tỉnh Bình Định, hiện nay các đô thị đã thành lập đội quản lý trật tự đô thị, tổ chức tuần tra, kiểm soát, phát hiện các công trình xây dựng không phép, sai phép, sai quy hoạch. Tuy nhiên, hiện tồn tại tình trạng quen biết, cả nể quan hệ hàng xóm láng giềng... dẫn đến việc "làm ngơ" trong xử lý.

“Tôi thuê nhà ở tại Quy Nhơn, vừa sửa là đã có người ở đội trật tự đến hỏi”, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết.

“Tôi thuê nhà ở tại Quy Nhơn, vừa sửa là đã có người ở đội trật tự đến hỏi. Khi biết sửa trong ngày thì họ thôi. Đó chỉ mới là sửa chữa nhỏ, còn ngang nhiên xây nhà ở giữa bãi đất trống thì không thể nói lực lượng này không biết được”, ông Tuấn nêu.

Tính đến ngày 31/3/2023, trên địa bàn tỉnh Bình Định phát hiện 14.257 trường hợp lấn, chiếm đất đai, trong đó đã xử lý 6.945 trường hợp, còn 7.313 trường hợp chưa xử lý. Tình trạng nói trên diễn ra nhiều nhất là ở TP Quy Nhơn với 5.074 trường hợp, đã xử lý 2.712 trường hợp, còn 2.362 trường hợp; huyện Tuy Phước 3.293 trường hợp, đã xử lý 1.266 trường hợp, còn 2.027 trường hợp; huyện Tây Sơn 2.410 trường hợp, đã xử lý 2.135 trường hợp, còn 275 trường hợp…

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đề nghị các địa phương tổng rà soát lại tất cả các trường hợp, giải quyết căn cơ. Khi giải quyết phải có tình có lý, có tính đến yếu tố nhân văn, yếu tố thực cảnh của từng địa phương, từng trường hợp cụ thể. Trường hợp nào vướng thì địa phương báo cáo tỉnh xem xét, giải quyết.

Quy Nhơn hiện còn 7.313 trường hợp lấn, chiếm đất đai chưa xử lý. Ảnh minh họa.

“Quan điểm của tỉnh khi xử lý vi phạm là phải công bằng, công tâm, không có vùng cấm, không nhẹ người này, nặng người kia, nhất là cán bộ và người thân phải gương mẫu, nghiêm túc thực hiện”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Người đứng đầu chính quyền tỉnh Bình Định đề nghị Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, các địa phương tập trung công tác kiểm tra, giám sát, trong đó tập trung chỉ đạo dứt điểm các vụ vi phạm và kiên quyết không để xảy ra vi phạm mới. Để xảy ra vi phạm mới thì chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.

Đọc thêm