Đô thị của tương lai

(PLVN) - Cách đây hơn 20 năm, khi bàn về việc giải tỏa nút thắt ngã tư Kim Liên - Đại Cồ Việt, tranh cãi lớn đã nổ ra về việc làm hầm chui hay cầu vượt.

Tựu chung, có hai luồng ý kiến. Nếu làm cầu vượt thì nhanh, rẻ nhưng mất mỹ quan đô thị. Bởi ngã tư này nằm cạnh công viên Thống Nhất, một điểm nhấn của diện mạo thủ đô. Nó còn nằm trong nội đô, dù sau này phát triển thế nào thì việc giữ vẻ đẹp ít nhất trong nội đô của thủ đô ngàn năm văn hiến là rất cần thiết.  Luồng ý kiến thứ hai là làm hầm chui, chi phí đắt gấp nhiều lần, thời gian thi công lâu nhưng đảm bảo mỹ quan đô thị. Việc của Hà Nội nhưng được đẩy tới Chính phủ. Cuối cùng Chính phủ chọn phương án làm hầm chui.

Thời điểm đó, tốc độ đô thị hóa chậm hơn những năm gần đây rất nhiều. Tiềm lực kinh tế cả nước cũng như thủ đô  cũng chưa phát triển như hiện nay nhưng những người có trách nhiệm đã bàn bạc rất kỹ lưỡng, tiếp thu ý kiến nhiều chiều, thận trọng khi quyết định và cuối cùng phương án ngả về phía giữ vẻ đẹp đã được lựa chọn.

Thời điểm đầu năm 1990, Hà Nội chỉ có 4 quận nội thành, 5 huyện ngoại thành. Nổi tiếng về đất chật, người đông, quá trình đô thị hóa bắt đầu được đẩy nhanh thì việc chỉnh trang đô thị hướng tới một thủ đô có cảnh quan, kiến trúc đẹp là rất khó. Bởi lẽ, ngoài điều kiện kinh tế còn hạn hẹp, thì phần lớn tại các quận huyện này đã định hình hạ tầng, kiến trúc, xây dựng. Việc mở rộng, chỉnh trang chủ yếu về hạ tầng giao thông.

 Phố Phan Đình Phùng

Chính vì điều này, năm 2008, sau nhiều cuộc bàn thảo, bỏ phiếu hai lần tại Quốc hội, Thủ đô chính thức được mở rộng. Cụ thể,  sáp nhập thêm toàn bộ tỉnh Hà Tây và một phần nhỏ tỉnh Vĩnh Phúc, Hòa Bình đưa Hà Nội trở thành thủ đô có diện tích 3.300km2, đứng thứ 17 thế giới.

Điều đáng tiếc là, trong nhiều năm qua, dù tốc độ đô thị hóa thuộc loại nhanh nhất khu vực, đến thời điểm này, ít nhất nội đô Hà Nội đã có thêm 8 quận (số quận nội thành hiện là 12), thêm hàng trăm khu đô thị mới  nhưng tiếc rằng chưa có nổi một tuyến phố đẹp như Trần Phú, Phan Đình Phùng đã từng có từ thời Pháp thuộc đến nay.

Thời “Hà Nội ba sáu phố phường” sự định hình của thủ đô còn tương đối rõ. “Hàng Bạc, Hàng Đường, Hàng Muối trắng tinh”, tức là người dân làm ngành nghề gì thường sống trong một khu vực, có đặc trưng ngành nghề đó, dù đó có thể là sự tự phát nhưng yếu tố quy hoạch tự nhiên này lại tạo thành đặc trưng của đời sống xã hội và chứa đựng nhiều yếu tố văn hóa. Sau này, quá trình đô thị hóa dần phá vỡ điều đó. Hàng ăn ngay cạnh hàng sửa, rửa xe; tiệm cắt tóc cạnh cửa hàng hàn xì…. là thực trạng phổ biến hiện nay.

Không những vậy, bộ mặt của các con đường, tuyến phố nội thành của thủ đô hiện nay dù được quản lý chặt chẽ hơn ở khâu cấp phép nhưng vẫn là “mạnh ai nấy làm”. Như một ý kiến đáng lưu ý đã từng tổng kết “lộn xộn ở đây bắt đầu từ kiến trúc, không được quản lý về thiết kế, không có giải pháp tổng thể hướng dẫn cho từng đoạn phố về ý tưởng, phong cách, vật liệu, màu sắc, các kích thước chủ yếu…

Bên cạnh đó, kinh tế khá lên, thay vì làm cho nhà mình, phố mình thêm đẹp nhưng tâm lý ganh đua, phô trương càng khiến bộ mặt phố phường thêm lộn xộn.

Không ít lần tại nhiều diễn đàn những người có trách nhiệm đặt vấn đề bản sắc kiến trúc và xây dựng của Hà Nội là gì? Và câu trả lời thường là những tiếng thở dài, những lời bức xúc.

 

Thông minh nhưng phải đẹp

Cách đây chưa lâu, Thường trực Thành ủy Hà Nội khi ông Vương Đình Huệ làm Bí thư đã đồng ý giao UBND thành phố sắp ký ban hành quy hoạch phân khu sông Hồng vào tháng 6 tới đây. Ngoài những mục đích lớn khác, đồ án quy hoạch này hướng đến cải tạo chỉnh trang, tái thiết hệ thống dân cư hiện hữu, bảo tồn các công trình di tích, kiến trúc có giá trị lịch sử, kết hợp khai thác quỹ đất phát triển mới tạo lập diện mạo đô thị hai bên sông Hồng, mạng lưới đường ven sông, đường dành cho người đi bộ và xe đạp. Không những vậy, trong kế hoạch của thành phố, đến năm 2030 Hà Nội sẽ có thêm 8 quận, nâng tổng số quận nội thành lên 20. Không gian mới cho sự phát triển của thủ đô là rất lớn.

Thực tế, tại những khu đô thị mới được xây dựng thời gian qua cho thấy tuy chưa thực sự đẹp nhưng rõ ràng quy hoạch các phân khu như ăn uống, buôn bán, và không gian ở, vui chơi đã được tách bạch. Kiến trúc đã khá đồng nhất từ biệt thự, liền kề, chung cư, ít nhất thì mặt tiền những khu nhà trong các khu đô thị mới cũng được thống nhất về quy mô, hình thức. Việc làm này tạo ra môi trường sống hài hòa hơn đáng kể. Đó chắc chắn là bài học cho việc quản lý đô thị trong tương lai.

Mục tiêu đưa đất nước trở thành nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045 đã được xác định. Cao nhất cả nước, Hà Nội phấn đấu đạt thu nhập bình quân đầu người 36.000 USD vào năm đó. Là bộ mặt của cả nước và với mức thu nhập thuộc loại khá cao như vậy, Hà Nội chắc chắn không muốn sự lộn xộn, tùy tiện trong kiến trúc, trong tổ chức đời sống xã hội như trong thời gian vừa qua.

Sớm hơn, Hà Nội phấn đấu đến năm 2030 xây dựng thủ đô thành thành phố xanh - thông minh - hiện đại. Muốn vậy thì không thể thiếu những ngôi nhà đẹp, khu phố đẹp, tiến tới khu vực đẹp, thành phố đẹp và có bản sắc và đáng sống. Để làm được điều này, việc đặt nền móng về phân khu, quy hoạch, kiến trúc, xây dựng hướng tới cái đẹp, sự thông minh cần phải làm ngay từ khi các quyết định còn chưa được ban hành.

 Tuyến phố Trần Phú đẹp từ thời Pháp thuộc đến nay
Một số điểm nhấn trong quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050

TP. đã phê duyệt 59/68 đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu; 216 đồ án quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị với tổng diện tích khoảng 14.116,3 ha.

Bên cạnh đó, TP đã và đang xây dựng 35 quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc đô thị. Có 326/356/382 xã hoàn thành đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng xã (điều chỉnh quy hoạch nông thôn mới).

Sắp ban hành quy hoạch hai bên bờ sông Hồng; quy hoạch không gian ngầm; khớp nối đồng bộ quy hoạch khu vực nông thôn và khu vực đô thị; xây dựng các quy chế, quy định quản lý quy hoạch kiến trúc đối với các khu vực hành lang xanh, vành đai xanh. Ðối với khu vực đô thị trung

tâm, sẽ tăng cường lập thiết kế đô thị, cải tạo, chỉnh trang và quy hoạch chi tiết hai bên tuyến đường, chú trọng các tuyến đường cải tạo, mở rộng theo quy hoạch…

Không gian đô thị được định hướng mở rộng về nhiều hướng, với việc xây dựng các khu đô thị hiện đại, đồng bộ, hoàn chỉnh hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật như The Manor, Mỹ Đình, Mỗ  Lao, An Khánh, Gamuda, Ciputra, Vinhome Riverside, Royal City, Times City… tạo nên diện mạo mới cho Thủ đô .

Tháng 5/2020 vừa qua, Quy hoạch chung đô thị Hòa Lạc (đô thị vệ tinh lớn nhất trong 5 đô thị vệ tinh của Hà Nội) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Với bản quy hoạch này, Hoà Lạc trong tương lai không xa sẽ trở thành nơi tập trung trí tuệ và công nghệ tiên tiến, trung tâm

đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học. Đây cũng sẽ là đô thị sinh thái - nghỉ dưỡng, khoa học - công nghệ theo hướng phát triển đô thị xanh, thông minh, tiết kiệm năng lượng tại phía Tây Hà Nội.

Đọc thêm