Bức tranh BĐS “nhiều sắc màu”
Với sự tham gia của lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên & Môi trường, UBND TP Hải Phòng; Đại biểu Quốc hội; đại diện các Hiệp hội, chuyên gia; đại diện các doanh nghiệp, Tập đoàn lớn… hội thảo được kỳ vọng sẽ tìm ra các giải pháp hỗ trợ quá trình tháo gỡ nút thắt về quy hoạch, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của thị trường BĐS Hải Phòng.
|
Hội thảo được tổ chức tại Hải Phòng |
Trong những năm qua, Hải Phòng là một trong những địa phương có tốc độ tăng trưởng phát triển cao. Đặc biệt từ 2015 đến nay, GRDP dao động tăng 14-15%/năm. Thu ngân sách tăng trưởng đột biến so với các năm trước. Trong đó, thu nội địa hơn 30.000 tỷ đồng, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu trên 60.000 tỷ đồng.
Trong 5 năm gần đây, tổng mức đầu tư của các dự án BĐS trên địa bàn Hải Phòng tăng trên 10 lần so với những năm trước 2015, tỷ lệ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt trên 25%. Ngoài ra, Hải Phòng còn là nơi thu hút vốn đầu tư của các Tập đoàn BĐS lớn như: Vingroup, BRG, Hoàng Huy, Flamingo…với các dự án hàng trăm đến hàng nghìn tỷ đồng.
Theo đánh giá, Hải Phòng là địa phương tiềm năng về BĐS nhờ sức bật từ cơ sở hạ tầng phát triển đồng bộ, với 5 hệ thống giao thông bởi có cả cảng biển, cảng hàng không, hệ thống đường cao tốc, đường vượt sông và nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất.
|
Các KCN trong KCN Đình Vũ- Cát Hải, Hải Phòng |
Bức tranh thị trường giao dịch BĐS Hải Phòng trong thời gian qua được đánh giá là “nhiều sắc màu”. Năm 2021 là sự bùng nổ về chung cư với sự xuất hiện của một loạt chung cư cao tầng được mở bán mà trước đây không có: siêu dự án cung cư cao cấp Hoàng Huy Commer, Hoàng Huy Grand Tower, Hoàng Huy Đổng Quốc Bình, Hoàng Huy New Pruksa Town, The Minato Residence, BRG Legend. Trong khi đó, BĐS Hải Phòng tăng nóng nhưng giá chưa tương xứng như Quảng Ninh, Hà Nội. BĐS nghỉ dưỡng đang phát triển tại Cát Bà, Đồ Sơn nhưng chưa có nhiều lựa chọn cho nhà đầu tư.
Một trong những “nút thắt” khiến BĐS tại Hải Phòng còn chưa tương xứng với tiềm năng xuất phát từ vấn đề quy hoạch. Giám đốc Sở Xây dựng Hải Phòng Nguyễn Thành Hưng đã thắng thắn chỉ ra các vấn đề vướng mắc cốt yếu.
|
Giám đốc Sở Xây dựng Hải Phòng Nguyễn Thành Hưng phát biểu tại hội thảo |
Hiện, Hải Phòng đang tồn tại hai loại hình quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ trên cùng một địa điểm, một không gian lãnh thổ trên 15.000 km2, tác động đến hơn 2 triệu người dân. Do đó, nếu không có sự tích hợp, không có sự kế thừa, không có sự chỉ đạo và không có sự phối hợp thì thậm chí những vướng mắc rất nhỏ trong quy hoạch sẽ cản trở đến các nhà đầu tư, làm chậm tiến độ dự án. “Việc phân định nội hàm quy hoạch cấp tỉnh và 2 quy hoạch xây dựng liên quan trực tiếp đến Hải Phòng là Quy hoạch chung TP Hải Phòng và Quy hoạch Xây dựng Khu Kinh tế Đình Vũ – Cát Hải là vấn đề cấp thiết, và tuyệt đối không để xảy ra mâu thuẫn giữa hai loại quy hoạch này, vì nếu có sẽ kéo dài các thủ tục pháp lý”, ông Hưng nhấn mạnh.
Tiếp đến, hệ thống cơ sở dữ liệu và dữ liệu số của ngành xây dựng, Tài nguyên và Môi trường chưa tốt. Điều này dẫn đến việc minh bạch thông tin cho người dân và nhà đầu tư để triển khai xây dựng các chiến lược phát triển sẽ bị chậm.
Vướng mắc thứ ba liên quan đến hạn mức sử dụng đất trong quy hoạch sử dụng đất quốc gia. Điều 28 Luật Quy hoạch cũng xác định rõ chỉ tiêu sử dụng đất theo loại đất, bao gồm chỉ tiêu sử dụng đất do chỉ tiêu sử dụng đất quốc gia phân bổ và chỉ tiêu sử dụng đất theo quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, và quy mô đến cấp huyện. Tuy nhiên, duy nhất tỉnh Bắc Giang phê duyệt quy hoạch này, còn lại 61 tỉnh khác đang rất vướng mắc.
Hải Phòng hiện đang phát triển trên 3 trụ chính là cảng biển kết hợp logistic, công nghiệp và du lịch. Trong đó, công nghiệp và du lịch đang vướng mắc về hạn mức sử dụng đất, nhất là đất công nghiệp, đất sân golf, đất công trình thể dục thể thao có quy mô lớn. Do đó Hải Phòng khó phát triển BĐS cao cấp.
Tại hội thảo, PGS.TS Trần Đình Thiên đã trao đổi về 3 nhóm vấn đề đặt ra cho Hải Phòng: nhận diện được thế và lực của Hải Phòng; định hướng phát triển cho Hải Phòng như là 1 tọa độ phát triển quốc gia và cách tiếp cận tầm vĩ mô.
|
Bản đồ quy hoạch Hải Phòng phái triển không gian đô thị đến năm 2025 tầm nhìn 2050 |
"Về mặt kinh tế với tư cách trung tâm nhập quốc tế, Hải Phòng có vai trò quan trọng hơn Hà Nội vì đây là tọa độ kinh tế bậc nhất. Hải Phòng có cảng trung chuyển quốc gia, có sân bay quốc tế, có thể tiếp tục xây dựng thêm sân bay, có đường cao tốc… 10 năm qua, Hải Phòng vươn lên về tăng trưởng, đặc biệt là thu hút đầu tư nước ngoài. Đây cũng là triển vọng phát triển BĐS dù ở bất cứ góc độ nào. Tuy nhiên, điểm hạn chế cần lưu ý hiện nay là: Chất đô thị hiện đại của Hải Phòng chưa thực sự thể hiện rõ khi thiếu trường Đại học, thiếu bệnh viện”, PGS.TS Trần Đình Thiên khẳng định.
Gỡ “nút thắt” quy hoạch
Từ bức tranh thực trạng của BĐS Hải Phòng, những khó khăn, bất cập về quy hoạch, quản lý đất đai, các đại biểu đã thảo luận, đưa ra những ý kiến, giải pháp tháo gỡ “nút thắt” quy hoạch để thị trường BĐS Hải Phòng phát triển ổn định, lành mạnh.
Về các giải pháp tháo gỡ, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho rằng, nhiệm vụ trước tiên là Hải Phòng phải làm tốt công tác lập quy hoạch về xây dựng, đất đai và các quy hoạch khác. Sau giai đoạn phát triển, đến nay nhiều điểm quy hoạch của Hải Phòng cần điều chỉnh để tiếp tục thu hút đầu tư, tạo ra sự phát triển mới.
|
Quang cảnh hội thảo |
Tiếp đến, Hải Phòng cần quan tâm, công khai minh bạch, công khai quy hoạch, danh mục tiến độ triển khai các dự án, tránh hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu cơ đẩy giá trục lợi bất hợp pháp như ở một số địa phương vừa qua. Ngoài ra, Hải Phòng cũng cần kiểm soát tốt tình hình bất động sản thị trường để đảm bảo thị trường phát triển ổn định, lành mạnh
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam “hiến kế” liên quan đến hoàn thiện hệ thống pháp lý, giảm thiểu các TTHC, thủ tục cấp phép đầu tư các dự án BĐS trên địa bàn nhằm ổn định giá bán, doanh nghiệp BĐS cũng yên tâm hơn khi đầu tư vào đây. Công khai toàn bộ các thông tin quy hoạch và công bố rộng rãi cho người dân; ưu tiên quỹ đất nhà ở xã hội và cần có chính sách thu hút mạnh hơn với sản phẩm bất động sản du lịch.
Hải Phòng sẵn sàng “dọn ổ” để đón… đại bàng
Tại hội thảo, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng cho biết: Nhờ sự liên kết vùng kinh tế cộng với việc sở hữu nhiều khu công nghiệp, Hải Phòng đã thu hút hơn 500.000 công nhân là người dân các tỉnh lân cận dịch chuyển đến làm việc. Do đó, thời gian tới, nhu cầu nhà ở, phát triển đô thị ở Hải Phòng tiếp tục còn tăng cao.
Hiện nay, nhiều nhà đầu tư lớn đến Hải Phòng đầu tư xây dựng các khu đô thị chất lượng cao ở như khu đô thị ven sông Lạch Tray, ven sông Cấm… Tuy nhiên, các khu chung cư tại Hải Phòng còn chậm phát triển. Trong phân khúc nhà ở xã hội, Tập đoàn Hoàng Huy đã đầu tư 2 khu với gần 3.000 căn hộ đã đưa vào hoạt động. Tính đến hết năm 2021, Hải Phòng có tổng diện tích sàn đạt 54.000 triệu m2, bình quân 26m2/người.
"Hải Phòng sẵn sàng đón các nhà đầu tư và muốn lắng nghe các vướng mắc, khó khăn của các nhà đầu tư, doanh nghiệp để có những cải tiến nhằm phát triển hơn nữa", ông Tùng nhấn mạnh.
|
Ông Nguyễn Văn Tùng khẳng định Hải Phòng sẵn sàng đón các nhà đầu tư |
Theo định hướng phát triển, Hải Phòng xác định theo ba hướng: phía Bắc phát triển đô thị Bắc Sông Cấm; phía Nam phát triển khu vực xung quanh hai bên sông Lạch Tray và phát triển quận Dương Kinh, Đồ Sơn; phía Đông phát triển khu vực huyện Cát Hải, quận Hải An.
Ngoài ra, tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận, kiến nghị các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản, trong đó có những quy định liên quan đến Luật Quy hoạch, Luật đất đai, Luật nhà ở và Luật kinh doanh BĐS nhằm đón đầu làn sóng đầu tư BĐS tại Hải Phòng nói riêng và cả nước nói chung.