Trước khi tách thành hai quận, Từ Liêm là nơi tập trung nhiều “siêu” dự án bất động sản của những đại gia nhà đất tiếng tăm. Trong đó, những dự án “khủng” phải kể đến như khu đô thị Xuân Phương Viglacera với quy mô hơn 14ha, khu đô thị mới Cổ Nhuế với diện tích 17,6ha của Tập đoàn Nam Cường, khu đô thị Thành phố giao lưu nằm trên đường Phạm Văn Đồng của Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng quốc tế VIGEBA...
|
Hai quận mới Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm sẽ chính thức hoạt động từ ngày 1/4/2014 |
Thế nhưng, thị trường nhà đất những ngày qua vẫn “bất động” mặc cho hai quận mới Bắc và Nam Từ Liêm chính thức được thành lập. Như tại khu đô thị Thành phố giao lưu, hiện tại, ngoài những căn hộ và một số blog chung cư đã được xây dựng, thì dự án này hiện vẫn chưa thấy có dấu hiệu tái khởi động để tung hàng cho năm mới 2014.
Giám đốc Công ty Dịch vụ, Môi giới bất động sản T.L Phạm Văn Minh cho biết, thực tế, trước khi có quyết định chính thức thì thông tin tách Từ Liêm thành hai quận đã “râm ran” lâu nay song cũng không tạo ra được cơn “sốt” cho thị trường nhà đất. Theo ông Hưng, mặc cho chính sách đền bù hay các hỗ trợ khác có thể thay đổi tăng lên nhưng điều đó không tác động cốt yếu đến giá thị trường căn hộ, đất nền trên địa bàn hai quận mới.
“Tâm lý người tiêu dùng thời điểm hiện nay là tìm đến những dự án có vị trí thuận lợi của các chủ đầu tư có uy tín, nói thật làm thật, việc chia tách địa giới hành chính do đó không thể là phép màu để kéo giá bất động sản tại Từ Liêm lên cao hay có nhiều thanh khoản đột biến hơn các khu vực khác” - ông Minh cho hay.
Ông Nguyễn Thế Tịnh - nhân viên Văn phòng môi giới nhà đất có trụ sở trên đường Nguyễn Thị Định cho biết, giao dịch mua căn hộ tại các dự án đang xây dựng ở Bắc và Nam Từ Liêm không có nhiều. Ông này lấy ví dụ như dự án của Vinaconex 7 tại đường Hồ Tùng Mậu, dù có lợi thế về giao thông nhưng dự án nằm ở vị trí trung tâm này vẫn không có nhiều khách hỏi. Trong khi đó, giá đất thổ cư cũng không có nhiều thanh khoản, chủ yếu người bán chỉ thăm dò để chờ đợi giá cả bật tăng trong năm 2014.
Trong khi đó, các chủ đầu tư của những dự án bất động sản tại huyện Từ Liêm (cũ) cũng không mấy lo lắng lắm đến các thủ tục “sang tên” hay thay đổi các tên gọi trong các giấy tờ pháp lý mà họ đã được cấp. Đại diện một doanh nghiệp là chủ đầu tư dự án hơn 10ha ở quận Nam Từ Liêm cho biết sẽ mất thời gian một chút để hoàn tất các thủ tục từ tên gọi Từ Liêm sang Nam Từ Liêm, các thủ tục này cũng đã được cán bộ có trách nhiệm hướng dẫn và thực hiện cho từng dự án cụ thể.
Chủ tịch UBND TP.Hà Nội vừa yêu cầu Giám đốc Sở Nội vụ chủ trì cùng với UBND huyện Từ Liêm và các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch cụ thể về tổ chức bộ máy, cán bộ, phân định địa giới và các điều kiện cần thiết khác để quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm và 23 phường hoạt động từ ngày 1/4.
Trụ sở, trang thiết bị làm việc của 2 quận và 23 phường sẽ được bố trí dựa theo cơ sở vật chất hiện có. Cụ thể, trụ sở quận Nam Từ Liêm chính là trụ sở huyện Từ Liêm hiện nay, còn trụ sở của quận Bắc Từ Liêm sẽ được bố trí tạm thời tại khu tái định cư Kiều Mai, xã Phú Diễn (phường Phúc Diễn). Còn trụ sở 7 phường mới được bố trí tạm trên cơ sở điều chỉnh địa giới hành chính và dân cư.