Lãng phí đến bàng hoàng

(PLVN) - Với một đất nước đang phát triển như Việt Nam, đáng ra phải tiết kiệm hơn ở đâu hết. Đáng tiếc, thực tế một số nơi lại xuất hiện những biểu hiện trái ngược.
Dự án Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cơ sở 2 ở Hà Nam cần được hoàn thiện để đưa vào sử dụng, phục vụ khám chữa bệnh cho nhân dân.

Nhỏ với sinh hoạt rất dễ nhận ra là những bữa nhậu thức ăn thừa mứa. Nhỏ với một địa phương đó là vỉa hè đang tốt lại đào lên, làm lại. Lát gạch vỉa hè bằng đá tuyên bố “tuổi thọ 70 năm” nhưng nay đã hư hỏng rất nhiều nơi. Hư hỏng có thể không phải do đá mà thi công ẩu và cách sử dụng của con người.

Đáng tiếc, chuyện “hàng ngày” cũng chỉ là lặt vặt so với các đại dự án còn đang dở dang. Những dự án đường sắt trên cao lỗi hẹn cả chục năm, “đội” vốn vài chục ngàn tỷ không còn là chuyện lạ.

Điển hình là dự án xây dựng tuyến đường sắt số 1, tuyến Bến Thành - Suối Tiên được phê duyệt từ năm 2008, qua 14 năm thực hiện vẫn xin lùi thời hạn hoàn thành, dự kiến đến tận năm 2028; dự án tuyến tàu điện ngầm số 2 Bến Thành - Tham Lương, được phê duyệt từ năm 2010 nhưng dự kiến phải sau 20 năm, đến năm 2030 mới hoàn thành… Chưa kể những dự án đường sắt trên cao “đội” vốn hàng chục nghìn tỷ nhưng còn chưa rõ thời hạn hoàn thành như đường sắt đô thị thí điểm TP Hà Nội đoạn Nhổn - ga Hà Nội, tuyến đường sắt số 2 Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo…

Có dự án chậm tiến độ, cả nghìn tỷ phơi mưa nắng thành sắt vụn như Nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2. Có dự án phơi nắng, phơi mưa, máy móc đã hết thời gian bảo hành, cả dây chuyền may mắn không thành sắt vụn nhưng điểm hòa vốn thì nhà đầu tư chắc không dám nghĩ đến. Nói chung chậm tiến độ, “đội” vốn ở Việt Nam không tính toán được.

Không phải ngẫu nhiên, suốt nhiều tháng nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính dành những ngày nghỉ cuối tuần đi nhiều tỉnh, thành, xuống hàng loạt các công trình chậm tiến độ đang phơi sương, phơi nắng.

Gần đây, hình ảnh gây “chấn động” với dư luận (ít nhất với người xem báo) đó là hình ảnh Thủ tướng Phạm Minh Chính đội nắng kiểm tra dự án Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cơ sở 2 ở Hà Nam. Không ai không sốt ruột khi chứng kiến hàng nghìn tỷ đồng của Nhà nước đã đầu tư nay để lãng phí dưới nắng mưa, không tiếp tục đầu tư, sử dụng; mong muốn hai bệnh viện tiếp tục được đầu tư, hoàn thiện để đưa vào sử dụng, phục vụ khám chữa bệnh cho nhân dân.

Đấy là chưa nói, các dự án “treo” hàng chục năm, để đất hoang hóa, cỏ dại... giữa lòng các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh nhưng vẫn khó thu hồi để sử dụng vào mục đích khác. Điều nực cười là, không bộ, ngành, địa phương nào không có chương trình hành động thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí. Tức là, chúng ta vẫn mang “bệnh” hình thức, “vẽ” ra để hô hào.

“Sản xuất mà không tiết kiệm thì khác nào gió vào nhà trống”, lời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là câu nhắc nhở.

Đọc thêm