Chủ tịch UBND cấp huyện có quyền quyết định giá đất cụ thể
Giới thiệu một số nội dung đáng chú ý của Luật Đất đai năm 2024 được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Lê Minh Ngân khẳng định, nội dung về tài chính đất đai, giá đất được quy định tại Chương XI (gồm 10 điều, từ Điều 153 đến Điều 162).
Trong đó, Luật Đất đai đã bỏ quy định về khung giá đất của Chính phủ; quy định cụ thể nguyên tắc, căn cứ, phương pháp định giá đất; quy định bảng giá đất được xây dựng hằng năm và bảng giá đất lần đầu được công bố và áp dụng từ ngày 1/1/2026, được điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung bảng giá đất từ ngày 1/1 của năm tiếp theo; việc xây dựng bảng giá đất theo vùng giá trị, thửa đất chuẩn đối với khu vực có bản đồ địa chính số và cơ sở dữ liệu giá đất.
Luật Đất đai cũng quy định cụ thể thời điểm xác định giá đất, thời điểm tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với từng trường hợp giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, gia hạn sử dụng đất, chuyển hình thức sử dụng đất, điều chỉnh quyết định sử dụng đất. UBND cấp có thẩm quyền phải ban hành quyết định giá đất cụ thể trong thời gian không quá 180 ngày kể từ thời điểm xác định giá đất; đối với trường hợp áp dụng giá đất trong bảng giá đất để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất thì UBND cấp có thẩm quyền phải ghi giá đất trong quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, gia hạn sử dụng đất, điều chỉnh thời hạn sử dụng đất, chuyển hình thức sử dụng đất.
Đặc biệt, Luật Đất đai cũng phân cấp thẩm quyền quyết định giá đất cụ thể cho Chủ tịch UBND cấp huyện; quy định cụ thể 4 phương pháp định giá đất trong Luật, quy định điều kiện áp dụng đối với từng phương pháp định giá đất; giao Chính phủ quy định phương pháp định giá đất khác sau khi được sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; trường hợp áp dụng các phương pháp định giá đất để xác định giá đất cụ thể mà có kết quả thấp hơn giá đất trong bảng giá đất thì sử dụng giá đất trong bảng giá đất. Mở rộng thành phần Hội đồng thẩm định giá đất cụ thể để bảo đảm tính độc lập khách quan trong quá trình định giá.
Liên quan đến quy định về tài chính đất đai, Luật Đất đai năm 2024 đã hoàn thiện các quy định về miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất. Trong đó, bổ sung các trường hợp miễn, giảm theo lĩnh vực, địa bàn ưu đãi đầu tư, đối tượng chính sách. Trường hợp được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất thì không phải thực hiện thủ tục xác định giá đất, người sử dụng đất không phải thực hiện thủ tục đề nghị miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.
Tích cực, khẩn trương đưa Luật vào cuộc sống
Bộ TN&MT cũng đã chuẩn bị các nội dung cần thiết để triển khai đưa Luật Đất đai 2024 đi vào cuộc sống sớm nhất.
Trước hết là tổ chức xây dựng các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật; dự kiến, sẽ có 9 Nghị định. Trong đó, Bộ TN&MT sẽ trực tiếp tham mưu cho Chính phủ ban hành 6 Nghị định, Bộ Tài chính sẽ tham mưu ban hành 2 Nghị định và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 1 Nghị định. Đồng thời, dự kiến sẽ ban hành 6 Thông tư, trong đó Bộ TN&MT có 4 Thông tư, Bộ Tài chính 1 Thông tư và Bộ Nội vụ 1 Thông tư. Có 1 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tham mưu. Đối với chính quyền địa phương, có 18 nội dung thuộc thẩm quyền UBND tỉnh phải quy định chi tiết; 1 nội dung thuộc thẩm quyền của HĐND ban hành.
Về chuẩn bị cho công tác tổ chức phổ biến các nội dung cơ bản của Luật Đất đai năm 2024 và các văn bản hướng dẫn thi hành, Bộ TN&MT đã xây dựng một kế hoạch phổ biến, tuyên truyền, hướng dẫn thi hành Luật, phối hợp với các cơ quan, các Bộ, ngành của Trung ương và các cơ quan thông tấn, truyền thông để phổ biến đến các đối tượng thực sự chịu tác động của Luật. Mục tiêu hướng đến là các điểm mới của Luật Đất đai, nội dung của Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành; hỗ trợ vào quá trình quản lý và tổ chức thực hiện của các cơ quan quản lý nhà nước cũng như người dân, doanh nghiệp được thuận lợi nhất, đảm bảo tính khả thi.
Bộ TN&MT sẽ đề xuất với Chính phủ tập trung nguồn lực thực hiện các nội dung quản lý nhà nước như xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, điều tra đánh giá cơ bản về đất đai, duy trì hệ thống thông tin đất đai... Đối với các địa phương cũng tập trung nguồn lực, trước hết là cho các quỹ phát triển đất, đảm bảo tạo ra quỹ đất để thực hiện tổ chức đánh giá việc sử dụng đất, xây dựng hạ tầng các khu tái định cư... Đồng thời, các địa phương tổ chức xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai ở địa phương, kết nối với cơ sở dữ liệu đất đai ở Trung ương, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia khác; bảo đảm cho Luật Đất đai với các văn bản hướng dẫn thi hành cũng như các chính sách mới được triển khai thực hiện một cách đồng bộ sau khi Luật có hiệu lực.