Mới đây, UBND tỉnh Nam Định đã xây dựng hoàn thiện Đề án thành lập KKT Ninh Cơ, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định thành lập KKT Ninh Cơ, bao gồm tổng diện tích địa giới hành chính thuộc 9 xã, thị trấn của huyện Nghĩa Hưng, Hải Hậu là 8.767,25 ha và vùng đất bãi bồi là 5.182,75 ha, với tổng mức đầu tư khoảng 234.000 tỷ đồng.
Theo Tờ trình, KKT Ninh Cơ nằm ở cực Nam của tỉnh Nam Định, thuộc trung tâm vùng Nam Đồng bằng sông Hồng, trong vùng ảnh hưởng của Tam giác tăng trưởng Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và Vành đai kinh tế vịnh Bắc Bộ. Đây là điều kiện thuận lợi để kết nối với thủ đô Hà Nội, các trung tâm kinh tế lớn của cả nước và các tỉnh lân cận. Vì vậy khả năng phát triển thị trường, thu hút đầu tư rất thuận lợi. KKT Ninh Cơ có vị trí thuận lợi về kết nối giao thông cả về đường bộ, đường sông, đường biển và đường hàng không.
Với điều kiện tự nhiên tương đối thuận lợi cho phát triển kinh tế như: Tài nguyên nước đáp ứng các yêu cầu phát triển sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, ngư nghiệp và du lịch. Tài nguyên đất phong phú và có tiềm năng mở rộng cả trên đất liền và lấn biển để tạo quỹ đất trong những năm tới. Điều kiện khí hậu, thủy văn và tài nguyên rừng, tài nguyên biển của KKT thuận lợi cho phát triển ngành đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thủy sản và phát triển du lịch.
Bên cạnh đó, quỹ đất hiện tại ở khu vực dự kiến thành lập KKT (13.950 ha) phần lớn là đất đai do nhà nước quản lý, thuận tiện trong việc thu hồi để triển khai các dự án. Hiện trong KKT có vùng du lịch biển Thịnh Long, khu du lịch sinh thái Rạng Đông và các khu du lịch tâm linh, các di tích lịch sử khác... Đây là một trong những điều kiện thuận lợi cho ngành du lịch phát triển mạnh, đặc biệt là phát triển du lịch biển - đảo, du lịch sinh thái rừng ven biển.
|
Bãi biển Rạng Đông - một địa điểm du lịch tiềm năng trong tương lai (ảnh: Bùi Tuấn) |
Hiện nay trong và ngoài KKT đã có hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tương đối đồng bộ. Hệ thống đường liên tỉnh, liên huyện và đường giao thông nông thôn đã được nâng cấp hoàn thiện. Hạ tầng khu, cụm công nghiệp đang được mở rộng, hiện đại hóa.
Về đường bộ, KKT Ninh cơ có tuyến đường ven biển đi qua, kết nối thuận lợi với các tuyến cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh và cao tốc Bắc - Nam. Về đường sông, KKT Ninh Cơ là đầu mối giao thông vận tải thủy của vùng với 02 cửa sông lớn là sông Ninh Cơ và sông Đáy.
Về đường biển, KKT này còn có tiềm năng lớn để xây dựng hệ thống cảng biển nước sâu (có khả năng tiếp nhận tàu tải trọng lên đến 300.000 DWT) phục vụ cho KKT Ninh Cơ và đáp ứng nhu cầu xuất - nhập khẩu hàng hóa trong khu vực và các tỉnh lân cận. Về hàng không, KKT kết nối thuận lợi với Sân bay Nội Bài (Hà Nội), Sân bay Cát Bi (Hải Phòng).
Trong tương lai, kết cấu hạ tầng của KKT, nhất là hạ tầng giao thông, sẽ được nâng cấp và phát triển mạnh. Để đáp ứng nhu cầu phục vụ cho các dự án Thép xanh của Tập đoàn Xuân Thiện, tỉnh Nam Định đã có văn bản đề nghị Bộ Giao thông vận tải bổ sung các bến cảng tổng hợp của Nam Định vào quy hoạch chi tiết Nhóm cảng biển phía Bắc (Nhóm 1) có chức năng phục vụ trực tiếp nhu cầu xuất/nhập hàng hóa cho các Nhà máy thép.
Qua đó, tận dụng cơ sở hạ tầng luồng tàu, công trình bảo vệ (đê chắn sóng, chắn cát) được đầu tư đồng bộ phục vụ các bến cảng chuyên dùng cho các nhà máy thép và trên cơ sở định hướng của quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Như vậy, với lợi thế vừa có đường biển, vừa có đường bộ sẽ giúp cho hoạt động vận chuyển hàng hoá xuất nhập khẩu tại KKT đa dạng và có lợi thế cạnh tranh thu hút đầu tư hơn so với một số KKT khác. Lợi thế giao thông, kết nối cũng giúp KKT thuận lợi trong thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao từ các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Hồng, thuận lợi cho xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đi tới các khu vực thuộc Đông - Bắc Á, Đông Nam và Tây Nam Trung Quốc.
Đặc biệt là KKT Ninh Cơ nằm trên địa bàn đông dân cư, người dân có truyền thống cần cù, hiếu học. Đến năm 2030, dự báo có khoảng 54 - 55 nghìn lao động và năm 2050 ước khoảng 80 - 85 nghìn lao động. Theo đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75,5%, tăng lên 80% năm 2030 và khoảng 85% vào năm 2035. Đây là một thế mạnh nổi bật và yếu tố thuận lợi cho phát triển KKT. Bên cạnh đó, với vị trí địa lý và kết nối giao thông thuận lợi với các thành phố lớn thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng, KKT thuận lợi trong thu hút nhân lực chất lượng cao từ các địa phương lân cận, bao gồm thủ đô Hà Nội.
Với lợi thế sẵn có so với các địa phương khác trong vùng về dư địa phát triển công nghiệp và thu hút đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài. Tỉnh Nam Định nói chung, KKT Ninh Cơ nói riêng vẫn còn lợi thế tương đối lớn về quỹ đất và tiềm năng phát triển công nghiệp, dịch vụ, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Những năm gần đây, cùng với sự cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh Nam Định cũng nhận được sự quan tâm của các bộ, ngành trung ương và địa phương, diện mạo của khu vực hình thành KKT Ninh Cơ đã có sự khởi sắc. Trên địa bàn tỉnh và KKT đã thu hút nhiều dự án lớn đặc biệt là các dự án của nhà đầu tư FDI như: dự án phát triển hạ tầng KCN Dệt may Rạng Đông với 4,92 nghìn tỷ đồng (tương đương 203 triệu USD); các dự án lớn của Tập đoàn Xuân Thiện với vốn đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng. Cùng với việc đồng bộ hóa cơ sở hạ tầng KKT Ninh Cơ và lợi thế kết nối thuận lợi với các trung tâm kinh tế lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh.
Ông Phạm Đình Nghị - Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định cho biết: "Tỉnh Nam Định đang nỗ lực cải cách thể chế, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thành lập và phát triển KKT Ninh Cơ nhằm thu hút đầu tư mạnh mẽ hơn nữa trong những năm tới.".